Cơ hội rộng mở với học sinh dân tộc

GD&TĐ - Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc, Bộ GD&ĐT cho biết: Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới GD ở vùng DTTS và miền núi, thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ...

Học sinh DTTS ngày càng có nhiều điều kiện để học tập và phát triển.
Học sinh DTTS ngày càng có nhiều điều kiện để học tập và phát triển.

Những chuyển biến tích cực

Những năm qua, sự nghiệp GD-ĐT vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến đáng kể, hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ HS đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, qua đó kết quả PCGDMN 5 tuổi, PCGDTH, PCGDTHCS ngày càng được duy trì bền vững.

Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường  phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực vào công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, HS, SV DTTS rất ít người, rất nhiều HS thuộc đối tượng này được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng: Trẻ mẫu giáo được học tại các trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập; Học sinh tiểu học được học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường tiểu học;

Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường trung học cơ sở; Học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp; Học sinh tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ông Lê Như Xuyên nhấn mạnh: Riêng đối với trẻ em, HS, SV 16 DTTS rất ít người, trong 3 năm học vừa qua (từ 2017 đến 2020) đã có 15.384 lượt trẻ mầm non, 32.899 lượt HS các cấp học phổ thông, 236 HS, SV đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập (theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người).

Cô và trò trường PTDT nội trú Ba Vì- Hà Nội.

Cô và trò trường PTDT nội trú Ba Vì- Hà Nội.

Phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS

Ông Xuyên chia sẻ: xác định nguồn nhân lực DTTS sẽ quyết định đến sự phát triển KT-XH của các địa phương, do đó Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với HS, SV người DTTS. Cụ thể như chính sách tuyển thẳng vào đại học: Thí sinh là người DTTS rất ít người và thí sinh thuộc các huyện nghèo (theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 và Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 05/02/2013) được xét tuyển thẳng vào học đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó là chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh: Thí sinh là người DTTS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng ưu tiên theo đối tượng (nhóm ưu tiên 1) và ưu tiên theo khu vực khi dự thi vào trường đại học, cao đẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xét tuyển vào các cơ sở đại học đóng trên địa bàn thì được ưu tiên 1 điểm

Thực hiện ưu tiên trong tổ chức đào tạo, tổ chức bồi dưỡng bổ sung văn hóa 1 năm cho các SV được xét tuyển thẳng vào đại học theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ và SV cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

Ông Xuyên cho biết: Cử tuyển là một trong nhiều giải pháp quan trọng có hiệu quả góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ là người DTTS cho các tỉnh miền núi, vùng DTTS; là giải pháp mang tính phát triển bền vững nguồn nhân lực, cần thiết đối với các tỉnh có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2006/NĐ-CP quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Nghị định số 49/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

Theo đó, từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 20.000 HS, SV DTTS được cử tuyển vào học các trình độ ĐH, CĐ, TC. Cơ bản đáp ứng nhu cầu về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho các địa phương vùng DTTS, miền núi.

Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho SV hộ nghèo, cận nghèo ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Chính sách học bổng khuyến khích học tập cho SV khá giỏi, xuất sắc; chính sách khen thưởng HS dân tộc thiểu số đoạt giải cao trong các kì thi quốc gia, quốc tế… cũng đã góp phần phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm cán bộ Ban Quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa đặt bẫy ảnh để điều tra nắm bắt các loài động vật hoang dã.

'Mắt thần' giữ rừng Quảng Trị

GD&TĐ - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) có tổng diện tích gần 23.500ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh nên có nhiều loài động vật quý hiếm.