Chuyện khó nói từ tuyển dụng giáo viên

GD&TĐ - Chuyện “bếp núc” phân công giáo viên trong trường học; bất cập trong tuyển dụng, sử dụng giáo viên dẫn đến những tình huống “tréo ngoe” được chia sẻ bởi một nhà giáo từng kinh qua vị trí hiệu trưởng 2 trường phổ thông và luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục.

Tuyển dụng nhân sự là khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả dạy và học.	Ảnh: Thế Đại
Tuyển dụng nhân sự là khâu quan trọng để nâng cao hiệu quả dạy và học. Ảnh: Thế Đại

Tuyển người mà không biết mặt, biết lòng

Một giáo viên được cử vào dạy ở lớp của con tôi tỏ ra rất lo lắng. Chị được đào tạo môn Địa lí, nay phân dạy môn Công nghệ là trái tay nên sợ sai sót, phụ huynh sẽ kêu ca.

“Không phải chuyên môn, mình cứ nói như sách giáo khoa, còn phần thực hành yêu cầu làm ở nhà, học sinh có thể hỏi phụ huynh. Mình chưa bao giờ biết cầm khoan, cờ lê, mỏ-lết… nay thực hành làm bảng điện, lắp ráp làm sao được” - chị nói và mong tôi thông cảm, biết mười dạy một mới tốt, vào dạy như vậy rất khổ, dễ mất uy tín với học sinh.

Con tôi về nhà cứ kêu ầm cô dạy chán, bắt học lí thuyết dài dằng dặc… khó nhằn hơn cả mấy môn chính… Giở hình các mạch điện xem cách khoan lỗ bắt vít làm mãi không thành, nó nhờ bố làm hộ. Cháu còn dặn, “Bố đừng làm đẹp quá! Cô biết phụ huynh làm hộ”. Mẹ mắng bắt tự làm nhưng con đổ tại cô không dạy thực hành.

Nhiều người cũng bị phân dạy trái tay do thiếu giáo viên một số bộ môn như Giáo dục công dân, Lịch sử… Trong khi đó trường thừa hàng chục giáo viên các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ… Có người dạy mấy tiết môn mình được đào tạo, còn thì dạy trái tay các môn khác… Với môn thừa người, giáo viên dạy chỉ mấy tiết một tuần nhàn nhã. Môn thiếu người, giáo viên dạy vượt số giờ quy định có khi 25, 26 tiết một tuần (theo quy định 18 tiết /tuần), lương vẫn như nhau. Không chỉ trường tôi mà nhiều trường khác cũng như vậy.

Bởi số lượng học sinh luôn biến động. Có năm “tuổi đẹp”, mùa tuyển sinh các nhà trường tăng vọt đầu vào hàng trăm học sinh, phải tăng lớp, tăng thầy. Mấy năm sau, tự nhiên học sinh đầu vào giảm. Thế là trường giảm lớp, tất nhiên thừa giáo viên. Lí do biến động khách quan này chẳng riêng gì một vài trường mà có khi hàng trăm, hàng nghìn trường cùng tăng giảm thầy trò giống nhau.

Thừa thiếu giáo viên còn do nhiều lí do: có người nghỉ chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản… nhưng do sự điều tiết phân bổ các chỉ tiêu nhân sự không kịp thời, không đúng với yêu cầu thực tế của nhà trường...

Tình trạng thừa thiếu cục bộ trường nào cũng có. Thừa giáo viên trường chẳng thể trả lại phòng GD&ĐT hay tổ chức quận, huyện; chỉ còn cách co kéo dạy trái tay, kiêm nhiệm thêm công việc văn phòng hay thư viện, phòng thí nghiệm… Hiệu quả chất lượng sẽ ra sao thì ai cũng hình dung được.

Nhà trường thiếu giáo viên thì chờ xin duyệt chỉ tiêu và cấp giáo viên của phòng tổ chức Ủy ban quận huyện thuộc ngành Nội vụ.

Như vậy từ cấp quận huyện, quản lí việc tuyển giáo viên; trả lương, tăng lương, đề bạt thuộc ngành Nội vụ. Đào tạo giáo viên, quản lí chuyên môn, sử dụng con người, là do ngành Giáo dục. Nhà trường tiếp nhận giáo viên mà không có quá trình tìm hiểu khả năng chuyên môn, phẩm chất tư cách đạo đức như thế nào. Đến khi phân công giảng dạy mới biết người có năng lực sư phạm hay trình độ chuyên môn đạt hay không đạt yêu cầu.

Nói một cách ví von nhà trường “lấy người” mà chẳng biết mặt, biết lòng. Lấy về mới phát hiện may mắn được thầy tốt chứ không phải người “ngồi nhầm ngành”. Không được quyền tuyển dụng, không bỏ được, phân làm cái gì cũng không xong, trả lại cũng không được, phải gắn bó lo suốt đời với nhà trường, cũng là do cơ chế quản lí chồng chéo, xin cho, áp đặt đã gần nửa thế kỉ nay, dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Những hệ lụy của cơ chế chồng chéo

Tư tưởng “bao cấp”, đã là giáo viên công chức thì yên vị, dù có tốt hay dở, cứ tháng lĩnh lương, đến kì lên lương, do vậy thiếu tính thi đua, thiếu sự nỗ lực phấn đấu của một bộ phận không nhỏ dẫn đến sự trì trệ, ỉ lại trong đội ngũ.

Có những giáo viên dạy kém nhưng không thể điều chuyển làm việc khác được, họ trở thành vật cản trong nội bộ. Hiệu trưởng không để cho giáo viên yếu kém đứng lớp “bình đẳng” như những giáo viên khác có thể trở thành kẻ “tội đồ”, phải chịu mọi trách nhiệm khi để xảy ra sự cố trong nhà trường.

Tinh giản biên chế không được, Nhà nước phải nuôi một bộ phận giáo viên trì trệ làm ít chơi nhiều, đến trường lớp dạy cầm chừng còn sức lực để dạy nơi khác, làm việc khác. Đó là sự bất bình đẳng trong không ít nhà trường công lập, chưa động viên được những giáo viên tâm huyết tận tụy bám lớp, bám trường…

Cơ chế tuyển người dạy học ở nhà trường công lập hiện nay gây nên một sự thất thoát không nhỏ về kinh tế cho Nhà nước, khó khăn tai tiếng cho nhà trường và ngành Giáo dục, làm giảm lòng tin của phụ huynh.

Điều này không xảy ra đối với các trường dân lập, bởi chính những người quản lí giáo dục được quyền tuyển chọn giáo viên. Họ trả lương cho người làm việc hiệu quả. Ai không đủ chuyên môn, tư cách đạo đức sẽ bị thanh lọc, không tồn tại. Từ đó, đã tạo nên sự cố gắng phấn đấu, nỗ lực của giáo viên. Đây là yếu tố các trường dân lập ở Việt Nam mới thành lập sau này đã nhanh chóng phát triển có uy tín, chất lượng giáo dục tốt.

Mấy chục năm qua, cơ chế tuyển dụng và sử dụng đội ngũ ở các nhà trường công lập tuy có thay đổi nhưng rất chậm chạp. Những hiện tượng tiêu cực xảy ra trong ngành gần đây khiến dư luận bức xúc về đạo đức nhà giáo. Giáo dục cũng không thể chấp nhận được những người thầy không đủ tư cách đứng trên bục giảng. Lỗi tuyển người, lỗi đề bạt, sử dụng người đâu phải là lỗi của riêng ngành Giáo dục?

Gần đây hàng trăm giáo viên ở Sóc Sơn, Hà Nội và một số tỉnh thành khác lo sợ mất việc khi đã làm giáo viên hàng chục năm, hai mươi năm; có người là giáo viên dạy giỏi tâm huyết với nghề nhưng có nguy cơ mất việc vì lo phải thi ngoại ngữ, Tin học… Với nhà trường, người giáo viên đứng lớp mười năm là giáo viên giỏi thì đó là viên ngọc quý rồi, nhưng số phận của họ lại do bên Nội vụ! Đó là hệ lụy của cơ chế chưa hợp lí, chồng chéo giữa hai ngành Giáo dục và Nội vụ.

Để khắc phục tình trạng đó, Nhà nước cần xem xét lại quy trình tuyển dụng và sử dụng của hai ngành Giáo dục và Nội vụ để có sự điều tiết, phối hợp kịp thời, rõ ràng minh bạch. Công khai các quy chế xét tuyển, thi tuyển, tránh chồng chéo, không đúng chức năng gây nên một sự lãng phí lớn về ngân sách, gây nên hiện tượng “ngồi nhầm ngành sư phạm”.

Ngoài những chính sách ưu tiên thu hút học sinh khá giỏi vào các trường sư phạm, vấn đề đạo đức của giáo sinh cần phải quan tâm hàng đầu. Vì sư phạm là ngành có những yêu cầu khắt khe mô phạm, những người thầy tương lai cần được tuyển chọn và có chính sách ưu đãi sau khi đào tạo.

Để tránh tuyển dụng người làm “nhầm nghề”, ngành Giáo dục và Nội vụ cần xem lại quy trình giáo sinh trước khi được tuyển cần có thời gian thực hành thử thách tại một cơ sở trường học ít nhất là một năm sau đó mới được thi công chức hoặc hợp đồng lâu dài. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, điều chuyển ngành nghề khác phù hợp với một bộ phận giáo viên không đủ năng lực chuyên môn, động viên các thầy cô giáo giỏi, tâm huyết để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới giáo dục của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ