Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Người thầy trước hết phải là nhà giáo dục

GD&TĐ - “Giáo dục là đào tạo con người, lao động sư phạm của người thầy là lao động đặc thù, vô cùng nghiêm túc và gian nan. Chính vì vậy, tôi mong rằng các thầy cô sẽ vượt qua khó khăn, trở ngại của công việc, không ngừng học tập, bồi dưỡng, tích lũy các kiến thức, kinh nghiệm và năng lực cá nhân để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục” - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ gửi gắm như vậy đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường vùng lũ Tân Hoá (huyện Minh Hóa - Quảng Bình).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện, kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại các trường vùng lũ Tân Hoá (huyện Minh Hóa - Quảng Bình).

Đóng góp quan trọng của đội ngũ nhà giáo

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về đóng góp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đối với sự nghiệp giáo dục trong thời gian qua; nhất là từ khi triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT?

- Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò quyết định đối với sự nghiệp giáo dục, đổi mới giáo dục có thành công hay không hoàn toàn nhờ vào đội ngũ thầy cô giáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Bác cũng cho rằng: “Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh...”.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Bộ trưởng có chia sẻ gì với đội ngũ các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền Tổ quốc?
- Trước hết, cho tôi được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục vì những đóng góp cụ thể, nghiêm túc và trách nhiệm của các thầy cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Chúng ta đều biết, giáo dục là đào tạo con người, lao động sư phạm của người thầy là lao động đặc thù vô cùng nghiêm túc và gian nan. Chính vì vậy, tôi mong rằng, các thầy cô sẽ vượt qua khó khăn, trở ngại của công việc, không ngừng học tập, bồi dưỡng, tích lũy các kiến thức, kinh nghiệm và năng lực cá nhân để tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. 
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các cô giáo, thầy giáo, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành Giáo dục. Chúc các thầy cô dồi dào sức khỏe, khắc phục mọi khó khăn để dạy tốt, quản lý tốt như lời dặn của Bác Hồ: “Dù khó khăn đến đâu, thầy và trò cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã khẳng định và chỉ rõ vai trò đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò “then chốt”, quyết định trong việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Thực tế triển khai nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT những năm qua cho thấy, đội ngũ nhà giáo bằng tâm sức, trí tuệ và trách nhiệm đã đóng góp quan trọng vào những thành quả tích cực của giáo dục nước nhà.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, chất lượng GD-ĐT các cấp học và trình độ đào tạo được nâng lên. Chúng ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi; duy trì vững chắc và tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tiến tới phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non dưới 5 tuổi và giáo dục THPT.

Chương trình, sách giáo khoa mới giáo dục phổ thông được ban hành, chú trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp. Tự chủ giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được tích cực triển khai, nhiều trường đại học tham gia và được xếp hạng khu vực, quốc tế. Giáo dục cho người lớn, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đạt kết quả tích cực...

Những kết quả đó đều có đóng góp vô cùng quan trọng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới dự Lễ Khai giảng muộn với học sinh vùng lũ Quảng Bình.
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới dự Lễ Khai giảng muộn với học sinh vùng lũ Quảng Bình.

Người dẫn đường

- Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách giáo dục truyền thống trên toàn thế giới, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh này và cùng với việc chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng nhận diện những thách thức nào các nhà giáo đang và sẽ phải đối mặt để thực hiện tốt công việc của mình?

- Đúng là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang làm thay đổi cách giáo dục truyền thống trên thế giới và tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống. Sự phát triển của công nghệ dẫn tới sự thay đổi trong mối quan hệ, vai trò, vị trí của người dạy và người học trong quá trình dạy học, trong hệ sinh thái giáo dục. Điều này đặt thêm yêu cầu mới đối với đội ngũ nhà giáo.

Thách thức đối với các thầy cô giáo trong bối cảnh hiện nay là vai trò của người giáo viên đã thay đổi theo hướng phải đảm nhận nhiều chức năng hơn. Trong đó, chức năng quan trọng nhất của người thầy chính là người dẫn đường, định hướng và hỗ trợ để học sinh lĩnh hội được tri thức, phát triển các phẩm chất, năng lực hình thành nhân cách. Để làm tốt điều này, người thầy trước hết phải là nhà giáo dục, có phẩm chất nhân cách tốt đẹp để giáo dục học sinh bằng nhân cách của mình.

Bên cạnh đó, người thầy phải có đủ các năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới. Rất nhiều năng lực của nhà giáo đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra như: Năng lực giáo dục; năng lực dạy học; năng lực tự phát triển nghề nghiệp bằng tự học, tự nghiên cứu; năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề giáo dục... Như vậy, sau khi được đào tạo, những kiến thức, kỹ năng và bằng cấp chỉ là điều kiện cần để nhà giáo vào nghề; còn phẩm chất và năng lực là thứ nhà giáo cần học tập suốt đời để phục vụ cho quá trình làm nghề của mình.

Tuy nhiên, dù công nghệ có làm thay đổi đến bao nhiêu thì một người thầy giản dị, gắn bó với học trò, truyền cảm hứng cho học trò vẫn sẽ không thay đổi. Mỗi thầy cô hãy biết tận dụng công nghệ để làm phong phú, sâu sắc thêm vốn kiến thức cũng như làm chất lượng hơn từng bài giảng, nhưng đừng để công nghệ trở thành rào cản làm phai nhạt nghĩa “thầy - trò”, hay làm cho hình ảnh người thầy trở nên xa cách.

Luôn quan tâm đến chính sách nhà giáo

- Ngành Giáo dục đã, đang và sẽ tập trung vào những chính sách gì để phát triển đội ngũ nhà giáo cả về số lượng và chất lượng, cũng như tạo động lực cho nhà giáo trước những thách thức hiện nay, thưa Bộ trưởng?

- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm, chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong đó, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo. Các chế độ chính sách ngày càng được quan tâm, đặc biệt là các vùng sâu, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số...

Công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên ở hầu hết các địa phương đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng, sử dụng đội ngũ vẫn cần phải được các địa phương tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn hóa đội ngũ là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong năm 2018, Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện việc xây dựng, điều chỉnh và ban hành các chuẩn, gồm: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông và chuẩn hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông để có được bộ công cụ hiệu quả nhất trong công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên giáo viên trước thềm năm học mới tại vùng lũ Quan Sơn (Thanh Hoá).
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ động viên giáo viên trước thềm năm học mới tại vùng lũ Quan Sơn (Thanh Hoá).

Các nội dung của chuẩn được điều chỉnh theo hướng tinh giản, cụ thể hóa các tiêu chí, minh chứng để phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng trường. Đối với cán bộ quản lý, chú trọng đến năng lực tự chủ, xây dựng kế hoạch chiến lược, tầm nhìn và tổ chức thực hiện các mục tiêu đề ra theo định hướng mới. Đối với giáo viên, chú ý đến năng lực tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xây dựng mục tiêu, thiết kế bài giảng và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đã xác định yêu cầu bồi dưỡng nhà giáo là nhiệm vụ chiến lược của ngành trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, bù đắp những thiếu hụt khi chuyển sang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc bồi dưỡng nhà giáo trong thời gian qua và tới đây được chú trọng vào các năng lực nền tảng và các năng lực tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, chú trọng bồi dưỡng về giữ gìn phẩm chất đạo đức nhà giáo thông qua kỹ năng ứng xử, giải quyết tình huống sư phạm; kỹ năng kiềm chế cảm xúc; kỹ năng giải quyết xung đột và vấn đề giữ gìn hình ảnh, uy tín, danh dự nhà giáo.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại vùng lũ Quan Sơn.
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kiểm tra công tác chuẩn bị cho năm học mới tại vùng lũ Quan Sơn.

Cùng với việc đổi mới đào tạo nhân lực cho ngành Giáo dục, việc xây dựng, hoàn thiện một số chế độ, chính sách cơ bản về bổ nhiệm, sử dụng, đãi ngộ, kiểm tra, đánh giá nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đặc biệt được quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TW, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức ngành Giáo dục. Theo đó, lương của giáo viên mầm non, phổ thông, giảng viên các trường ĐH, CĐ sư phạm, trung cấp sư phạm được đề xuất tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp; trong đó cũng căn cứ vào trình độ chuẩn của giáo viên được quy định trong Luật Giáo dục 2019.

Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các văn bản quy định về giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên tổng phụ trách Đội giỏi để tạo phong trào thi đua dạy tốt - học tốt. Tuy nhiên, để phù hợp với tình hình giáo dục trong giai đoạn mới, Bộ đang nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy định trên theo hướng tinh gọn, đi vào thực chất, tránh hình thức. Từ đó lựa chọn, tôn vinh, có chế độ khen thưởng và đãi ngộ hợp lý những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có nhiều đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.