Bổ sung đối tượng và điều kiện giáo dục hòa nhập

GD&TĐ - Đóng góp ý kiến xây dựng cho Dự thảo Luật GD (sửa đổi), các nhà giáo, cán bộ quản lý ngành GD tỉnh Bắc Giang đã có những ý kiến tâm huyết xuất phát từ thực tế giảng dạy GD hòa nhập tại địa phương.

Nhóm trẻ câm điếc của Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên đang trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ kí hiệu
Nhóm trẻ câm điếc của Trường Giáo dục và Hỗ trợ trẻ em bị thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên đang trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ kí hiệu

Quy định cụ thể điều kiện trường lớp cho HS khuyết tật

Theo nhà giáo Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Việt Yên - Khoản 2 Điều 62 quy định về “Trường, lớp dành cho người khuyết tật”, nên sửa đổi, bổ sung thêm quy định: “Các trường công lập có HS khuyết tật học hòa nhập được cấp một số trang thiết bị tối thiểu hỗ trợ riêng cho từng dạng tật trong phòng hỗ trợ HS khuyết tật”.

Lý do theo cô Thu Hà là hiện nay các phòng hỗ trợ HS khuyết tật của các trường không có trang thiết bị chuyên biệt giúp HS khuyết tật tập luyện phục hồi chức năng. Theo cô Nguyễn Thị Thu Hà, khoản 2 Điều 62 sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho các trường, lớp dành cho người khuyết tật do Nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với các trường, lớp dành cho người khuyết tật do tổ chức, cá nhân thành lập, các trường công lập có HS khuyết tật học hòa nhập được cấp một số trang thiết bị tối thiểu hỗ trợ riêng cho từng dạng tật trong phòng hỗ trợ HS khuyết tật”.

Cô Nguyễn Thị Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Đức (huyện Việt Yên) cho rằng: Điều 62 về “Trường, lớp dành cho người khuyết tật” và Điều 64 về “Các cơ sở GD khác” trong Dự thảo Luật GD sửa đổi đã quy định cụ thể về trường, lớp dành cho người khuyết tật: “Nhà nước thành lập và khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập trường, lớp dành cho người khuyết tật” nhưng chưa cụ thể.

Cùng có ý kiến đóng góp, sửa đổi bổ sung cho Điều 62 quy định về “Trường, lớp dành cho người khuyết tật” của dự thảo Luật GD sửa đổi, theo cô Nguyễn Thị Hoàn – Giáo viên Trường THPT Tân Yên số 2 - Khoản 2 Điều 62 nên sửa đổi, bổ sung thêm quy định: “Các giáo viên giảng dạy trong lớp có HS khuyết tật học hòa nhập cần được đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ”; và: “Có những chính sách cụ thể đối với nhà trường và giáo viên khi tham gia giảng dạy tại các lớp có HS khuyết tật học hòa nhập”.

Theo cô Nga, Điều 62 cần sửa đổi, bổ sung thêm như sau: “Mỗi huyện xây dựng riêng một số lớp học cho HS khuyết tật đặt tại một vài điểm trường trung tâm nằm chính trong các trường tiểu học công lập để các gia đình có con em khuyết tật gửi tới đó để học và cùng được hưởng chế độ riêng của sinh khuyết tật. “Điều 64 cần sửa đổi, bổ sung thêm: “Có giáo trình dành riêng cho học sinh khuyết tật”. 

Các điều kiện GD hòa nhập phải được luật hóa để trẻ khuyết tật có quyền lợi khi học hòa nhập tại các trường học và cơ sở GD hiện nay
  • Các điều kiện GD hòa nhập phải được luật hóa để trẻ khuyết tật có quyền lợi khi học hòa nhập tại các trường học và cơ sở GD hiện nay

Quy định rõ đối tượng và thêm chính sách người học GD hòa nhập

Góp ý sửa đổi, bổ sung cho Điều 14 về “GD hòa nhập”, cô Nguyễn Thị Hoàn cho rằng: Khoản 1 Điều 14 quy định: “GD hòa nhập là phương thức GD nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng của các đối tượng người học khác nhau; đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng, phù hợp với đặc điểm và khả năng của người học; tôn trọng sự đa dạng, những khác biệt về nhu cầu, đặc điểm của người học và không phân biệt, đối xử”; Cần phải sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 14 như sau: “Phương thức GD hòa nhập không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu và khả năng của các đối tượng người học khác nhau mà còn phải phù hợp với các vùng, miền trên cả nước”.

Khoản 2 Điều 14 quy định: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh đặc biệt, người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người học dân tộc thiểu số, người học đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận GD hòa nhập; khuyến khích xã hội hóa để thực hiện GD hòa nhập”. Theo cô Hoàn, cần sửa đổi bổ sung vào khoản 2 Điều 14 như sau: “Nên có chính sách hỗ trợ cho tất cả người học khuyết tật, chia thành các mức độ khác nhau theo hoàn cảnh gia đình và từng diện bị khuyết tật; và “Chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật cần được thể hiện cụ thể hơn”.

Theo ý kiến của cô Nguyễn Thị Thu Hà - Chuyên viên Phòng GD&ĐT Việt Yên, khoản 2 Điều 14, nên sửa đổi, bổ sung thêm đối tượng “HS khuyết tật” vì hiện nay một số trẻ khuyết tật học hòa nhập tại các trường tiểu học mặc dù được UBND xã cấp giấy chứng nhận khuyết tật song không được nhận hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, khoản 2 Điều 14 cần sửa đổi, bổ sung như sau: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học có hoàn cảnh đặc biệt, người học thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, HS khuyết tật, người học dân tộc thiểu số, người học đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận GD hòa nhập; khuyến khích xã hội hóa để thực hiện GD hòa nhập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ