Biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương: Dốc sức cho kịp tiến độ

GD&TĐ - Các địa phương đang hoàn thành Tài liệu Giáo dục địa phương để kịp triển khai năm học 2021 - 2022. Việc huy động nguồn lực được chú trọng nhằm có được tài liệu phù hợp cho việc giảng dạy…

Tiết dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 tại Trường Tiểu học Đặng Thị Chính, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ảnh: CTV
Tiết dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 tại Trường Tiểu học Đặng Thị Chính, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long. Ảnh: CTV

Huy động nguồn lực

Trong Chương trình GDPT mới, Giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường.

Nội dung Giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Qua đó trang bị cho học sinh hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết vấn đề đời sống đặt ra. Ở cấp tiểu học, nội dung Giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Cấp THCS, THPT, nội dung Giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.

Tại tỉnh Vĩnh Long, Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 được tổ chức dạy thực nghiệm. Theo đại diện Sở GD&ĐT, dạy thực nghiệm Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1  được tiến hành tại 8 trường tiểu học thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 có 8 chủ đề: Vĩnh Long nơi em sống; Em cùng gia đình giữ vệ sinh môi trường sống; Cuộc sống quanh em; Đồ vật thân quen; Món ngon Vĩnh Long; Đồng dao quê em; Trò chơi dân gian của quê hương và Nghề nghiệp của người dân quê em. Sở GD&ĐT phân công mỗi trường tiểu học dạy thực nghiệm 1 chủ đề, tích hợp vào hoạt động trải nghiệm hoặc môn học trong Chương trình GDPT 2018 với lớp 1. Tại các trường, giáo viên dạy ít nhất 2 tiết, hầu hết tích hợp nội dung Giáo dục địa phương vào Hoạt động trải nghiệm và môn Tự nhiên và Xã hội.

Tỉnh Đồng Tháp đã biên soạn xong các chuyên đề của Tài liệu Giáo dục địa phương. Theo đó, cấp tiểu học có 1 tài liệu sử dụng cho cả 5 lớp; cấp THCS và THPT có 1 tài liệu. Bên cạnh tài liệu sẽ có hướng dẫn để giáo viên khai thác nội dung tài liệu vào giảng dạy… Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Thư ký Ban Biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đồng Tháp, Tài liệu Giáo dục địa phương được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia gồm giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp, giáo viên phổ thông, chuyên viên sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và sở, ngành liên quan. Địa phương cũng chuẩn bị nhân lực, vật lực để công tác thẩm định, hoàn thành tài liệu kịp tiến độ. 

Bản thảo Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: CTV
Bản thảo Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1 của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: CTV

Vừa triển khai, vừa đánh giá rút kinh nghiệm

Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ (GD-KH&CN) tỉnh Bạc Liêu, Ban biên soạn đã hoàn thành đề cương nội dung Giáo dục địa phương cấp tiểu học. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của cơ quan liên quan, Ban biên soạn đã hoàn thiện tài liệu nội dung Giáo dục địa phương lớp 1 và được hội đồng thẩm định đánh giá đạt.

Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN Bạc Liêu cho biết: Sau khi phê duyệt tài liệu, tỉnh chỉ đạo Sở GD-KH&CN phối hợp với NXB Giáo dục Gia Định (thuộc NXB Giáo dục Việt Nam) tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn cách sử dụng để giảng dạy và in ấn, phát hành tài liệu phục vụ cho học sinh. Sau mỗi giai đoạn sẽ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện cho các lớp còn lại.

Theo đại diện Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Vĩnh Long), đánh giá của giáo viên dạy thực nghiệm, việc tích hợp nội dung Giáo dục địa phương vào môn học và Hoạt động trải nghiệm cơ bản thuận lợi, dễ dàng, hợp lý. Việc tích hợp nội dung Giáo dục địa phương vào giảng dạy và tổ chức hoạt động giúp tiết dạy sinh động hơn, học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Qua đó, học sinh từng bước phát triển phẩm chất và năng lực bản thân đúng định hướng mục tiêu Chương trình GDPT 2018.

Tại tỉnh Sóc Trăng, thời gian biên soạn và hoàn thành nội dung Tài liệu Giáo dục địa phương theo lộ trình từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2024. Trong đó, năm học 2020 - 2021 biên soạn và thẩm định nội dung Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Năm 2021 lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm 2022 là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Năm 2023 với lớp 5, lớp 9 và lớp 12…

Bên cạnh thuận lợi, quá trình biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương gặp một số khó khăn. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh, do các thành viên trong Ban biên soạn là cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác, lần đầu tiên tham gia nên gặp nhiều hạn chế khi nghiên cứu, tìm các tài liệu liên quan…

Việc biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương được thực hiện trong điều kiện chưa có các văn bản chỉ đạo cụ thể nên phải tự nghiên cứu, vận dụng các văn bản chỉ đạo trước đó. Trong thời gian tổ chức biên soạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên ít tiếp xúc, đi thực tế ở các địa phương, tìm hiểu và xác minh các tư liệu thu thập… ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện theo kế hoạch.

Để bảo đảm công tác biên soạn, thẩm định, triển khai Tài liệu Giáo dục địa phương, ông Bùi Quý Khiêm kiến nghị: Để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện, Bộ GD&ĐT nên tập huấn phương pháp, quy trình thẩm định cho các sở GD&ĐT. Trong đó có cả đại diện Ban Biên tập và đại diện Hội đồng thẩm định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ