“Cõng” chữ vào ốc đảo

GD&TĐ - Trong suốt 15 năm giảng dạy, người thầy đầu đã ngả sang “màu muối tiêu” vẫn rong ruổi vượt gần 400km từ nhà đến trường để mang cái chữ cho các em học sinh vùng ốc đảo.

Thầy Thể có hơn 15 năm gắn bó với các thế hệ học sinh vùng ốc đảo
Thầy Thể có hơn 15 năm gắn bó với các thế hệ học sinh vùng ốc đảo

Ốc đảo Kon Pne

Tiết trời se lạnh, chúng tôi vượt hơn 200km từ TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) về vùng ốc đảo Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) khi sương mù còn bao phủ, giăng kín lối đi.

Trời lạnh, sương mù trắng xóa đường nên cả đoàn di chuyển chậm, bám đường để đảm bảo an toàn. Sau nhiều lần hỏi đường và di chuyển qua những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở, đến khi mặt trời lên đến đỉnh chúng tôi cũng tìm được về Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne.

Ngay từ ngoài cổng, chúng tôi đã nghe những tiếng ê a đọc bài của các em học sinh nơi đây. Ngôi trường nhỏ, còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng như đời sống của giáo viên và các em học sinh. Những em nhỏ với gương mặt ngây thơ, quần áo đã cũ nhàu khi thấy người lạ ngơ ngác nhìn rồi nép vào một góc.

Trò chuyện cùng chúng tôi, thầy Lê Tiến Thể (SN 1980, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne) cho biết: Ngôi trường đã trải qua biết bao thế hệ giáo viên. Có những giáo viên đến với trường được một thời gian rồi đi, nhưng cũng có những giáo viên không quản khó khăn, vất vả, thương các em học sinh nơi đây nên vẫn ở lại gắn bó vài chục năm.

Nói về mình, thầy Thể chia sẻ: Cách đây hơn 15 năm, tôi được lãnh đạo phân công về giảng dạy tại trường thuộc vùng “ốc đảo”. Khi hay tin rất vui và hạnh phúc vì bản thân có thể giúp đỡ, “cõng” chữ lên cho các em nơi khó khăn.

Thầy Thể nhớ lại, khi đó tôi cùng 3 giáo viên khác đến trường nhận việc và cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt mọi người là ngôi trường được đan bằng lá, cổng làm bằng những thanh tre xiêu vẹo…tất cả đều thô sơ… Không những thế, khi đó vùng đất này còn hoang sơ nên mỗi khi dọn cơm ra ăn thì ruồi bu khắp mâm khiến ai cũng bị ám ảnh. Còn đêm xuống, muỗi lũ lượt rủ nhau kéo đến kêu vo ve khiến mọi người bị đốt sưng cả người và không ngủ được. Những cơn sốt cứ thế nối đuôi nhau, hết người này đến người kia bị.

Cũng theo thầy Thể, khi đó các giáo viên nơi đây phải đến từng gia đình để động viên cho các em đến trường và dẫn các em tìm con chữ. Lúc đó, nhìn dưới chân và trên người là bầy vắt lá đã hút máu căng tròn, mọng máu…Tuy nhiên, các thầy cô vẫn động viên nhau cố gắng vì muốn một ngày nào đó vùng ốc đảo này sẽ đổi mới nhờ những thế hệ trẻ.

Vượt trăm km về thăm nhà trong đêm

Những em học sinh nơi đây thiếu thốn trăm bề, nhưng may mắn được nhận sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo
Những em học sinh nơi đây thiếu thốn trăm bề, nhưng may mắn được nhận sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo 

Gia đình nhỏ của thầy Thể cách nơi dạy học gần 400km. Mặc dù đường xa, hiểm trở nhưng đều đặn vào trưa thứ 7 hàng tuần sau khi xong việc trên trường, thầy lại cùng chiếc xe máy “cà tàng” của mình vượt gần 400km để về thăm gia đình cho vơi bớt nỗi nhớ.

    Vất vả là vậy, nhưng thầy Thể chưa một lần hối hận về sự lựa chọn của mình. Bởi với thầy, chọn nghề giáo và đặt chân vào vùng ốc đảo này với mong muốn cùng với những giáo viên sẽ đưa sức trẻ cống hiến, đưa con chữ đến với bà con. Tuy nhiên, việc để con chữ gần hơn với người dân cũng rất khó, vì phải cho dân tin, dân hiểu, lúc đó người dân mới cho con đến trường.

“Lần nào cũng vậy, về tới nhà trời cũng đã tối, ăn xong bữa cơm với gia đình rồi sáng sớm tôi lại vội vã khăn gói chạy trở lại trường. Mặc dù có ít thời gian bên gia đình nhưng tôi luôn vui và hạnh phúc khi được về nhà, thấy mọi người, được quây quần bên mâm cơm ấm cúm cũng là động lực giúp tôi cố gắng suốt bao năm qua”, thầy Thể nghẹn ngào nói.

Hành trình đi - về trong suốt 15 năm để lại nhiều kỷ niệm khó quên. Nhớ có lần trên đường đi vào trường, qua ghềnh suối làng Kon Lốc (xã Đăk Roong, huyện Kbang), vừa đến giữa suối thì dòng nước trên thượng nguồn đổ về khiến thầy và chiếc xe máy bị cuốn trôi theo dòng lũ. Khi nước cuốn đi xa, thầy kêu cứu trong vô vọng thì may mắn đã bám vào được khúc cây gần đó. Sau đó, thầy được người dân bản địa đến cứu kịp thời, bảo toàn tính mạng để tiếp tục công việc giảng dạy của mình.

Vất vả là vậy, nhưng thầy Thể chưa một lần hối hận về sự lựa chọn của mình. Bởi với thầy, chọn nghề giáo và đặt chân vào vùng ốc đảo này với mong muốn cùng với những giáo viên sẽ đưa sức trẻ cống hiến, đưa con chữ đến với bà con. Tuy nhiên, việc để con chữ gần hơn với người dân cũng rất khó, vì phải cho dân tin, dân hiểu, lúc đó người dân mới cho con đến trường.

Nhờ sự nỗ lực và ý chí kiên cường “bám bản” “cõng” chữ cho học sinh vùng cao nên giờ đây ngôi trường Kon Pne đã thay da đổi thịt. Ngôi trường đã được xây dựng khang trang. Đặc biệt, năm 2016 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Thầy Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Kbang cho biết: Các trường trên địa bàn huyện, nhất là các trường bán trú, đội ngũ nhà giáo luôn tâm huyết trong sự nghiệp phát triển giáo dục vùng cao.

“Những giáo viên ở đây đa số đều có hoàn cảnh khó khăn, nhiều giáo viên trường cách nhà hàng trăm cây số nhưng vì sự nghiệp giáo dục chung mà các thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để bám bản dạy con chữ cho các em. Không chỉ gieo chữ, các thầy cô còn tranh thủ huy động mọi nguồn lực của xã hội để xây dựng cơ sở vật chất cho các em học sinh. Ngoài ra, vào dịp lễ tết, giáo viên đều tổ chức giao lưu với phụ huynh, học sinh nhằm thắt chặt tình thầy trò nơi vùng cao…”, thầy Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.