“Cháy” như thầy Văn Như Cương

GD&TĐ - Sự kiện nhà giáo Văn Như Cương hẳn sẽ còn tác động lớn lên đội ngũ những người cầm phấn. Người ta không ngần ngại gọi ông là cây đại thụ trong khu vườn giáo dục, sự ra đi của ông để lại khoảng trống chưa thể phủ đầy. Ông trở thành niềm tự hào, nguồn động viên, động lực thúc đẩy các nhà giáo noi gương ông, sống và “cháy” như ông. 

“Cháy” như thầy Văn Như Cương

Lễ tang nhà giáo Văn Như Cương là một trong những đám tang lớn nhất trong giới nhà giáo mà chúng ta được biết. 

Truyền thông đưa tin có hàng ngàn người đến viếng, tiễn nhà giáo Văn Như Cương. Không kể các vị lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo các cấp cùng bạn bè bằng hữu, số học sinh nhiều thế hệ đến tiễn đưa thầy mình đông đến kinh ngạc.

Nhà giáo Văn Như Cương tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1955, với hơn 50 năm dạy học, cả đại học và phổ thông, học trò của thầy lên đến hàng trăm ngàn. Những học trò thuộc lứa đầu tiên nay đã ở tuổi xưa nay hiếm. Bên linh cữu thầy, họ trở lại là các cô cậu học trò bé nhỏ với những giọt nước mắt chân thành.

Một nhà giáo được nhiều thế hệ yêu kính như vậy ắt hẳn phải rất tài giỏi, rất đặc biệt.

Theo lời kể từ bạn bè, đồng nghiệp, tiết dạy của ông lúc nào cũng thu hút trò như có ma lực. Viên phấn trên tay ông vẽ nên hình tròn đến nỗi lấy compa đồ lại cũng không thể tròn hơn. Thế nhưng không phải chuyên môn mà nhân cách sống của ông mới thu phục được mọi người.

Ông sống hòa đồng, khiêm tốn. Với sự giả dối, xu nịnh ông rất ghét. Ông nhiều lần dám tranh luận với người có trọng trách trong và ngoài ngành về những việc làm, chủ trương chưa phù hợp. Đặc biệt ông rất kính trọng người tài, đức. Một câu chuyện kể có một giáo viên đến trường Lương Thế Vinh xin dạy học. Ông lúc đó là hiệu trưởng, tiếp. Sau những câu chào hỏi, ông và giáo viên đó qua tách trà hào hứng trao đổi về tình hình giáo dục trong nước. Sau đó ông nhận giáo viên vào dạy mà không hỏi gì đến các loại giấy tờ, bằng cấp. Vậy đó, ông chỉ đánh giá qua những gì giáo viên bộc bạch chứ không phải bằng cấp.    

Ông thường khuyên học trò “cháy” hết với ước mơ của mình. Cũng như vậy, ước mơ có một ngôi trường áp dụng những quan niệm giáo dục của ông luôn cháy bỏng. Và ông đã thể hiện một cách mạnh mẽ ước nguyện đó suốt những năm tháng cuộc đời nhà giáo của mình. 

Nên khi ông nằm xuống, hầu như mọi phương tiện truyền thông đều có bài viết về ông. Đó là chuyện khá hiếm hoi với một người thầy hiện nay. Sự ưu ái của xã hội dành cho ông đã trở thành một sự kiện mang tầm cả nước.

Học sinh rất cần có nhiều nhà giáo như ông. Ngành giáo dục cả nước rất cần những nhà giáo như ông. Cách nay gần sáu thế kỷ, vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497) lúc đó rất coi trọng giáo dục, đã ban hành chủ trương mở rộng việc học hành, không cấm con em nhà thường dân đi học.

Tại các phủ đều có trường học, từ đó nhu cầu giáo viên tăng cao. Trước tình hình đó, vua ban chiếu khuyến khích người hiền ra dạy học. Nhà nho từ các địa phương hưởng ứng rất nhiều.

Ngoài các trường do triều đình mở còn có các trường lớp tư nhân trên khắp nước do các nhà nho đảm nhận. Nhờ vậy, giai đoạn này nước Đại Việt được đánh giá phồn thịnh nhất trong lịch sử.

Hiện hệ thống giáo dục Việt Nam cũng đang mở rộng, nhu cầu giáo viên giỏi càng lớn. Mới đây, Đà Nẵng công bố giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu”, hàng năm chọn trong đội ngũ giáo viên người xứng đáng để tôn vinh.

“Mục đích là để nhân rộng và tạo sự lan tỏa trong phạm vi ngành giáo dục - đào tạo thành phố; khơi dậy tinh thần mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo…”, thông báo nêu rõ.

Trước đó, từ năm 2010 tại Ninh Bình đã lập giải “Nhà giáo được học sinh yêu quý nhất tỉnh” cũng để nhân rộng giáo viên giỏi… Sự kiện nhà giáo Văn Như Cương tiếp tục là vấn đề để ngành giáo dục các địa phương soi vào nhằm để có thêm thật nhiều nhà giáo “cháy” hết mình vì sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ