Giáo dục vùng cao những ngày đầu năm học mới

GD&TĐ - Những ngày đầu tháng 9, trên khắp các nẻo đường vùng cao, đâu đâu cũng rộn rã không khí vui tươi, phấn khởi của đầu năm học mới. 

Đổi mới phương pháp trong từng tiết học đã từng bước nâng cao chất lượng GD vùng khó
Đổi mới phương pháp trong từng tiết học đã từng bước nâng cao chất lượng GD vùng khó

Thầy và trò ở những nơi điều kiện còn nhiều khó khăn cũng đã nỗ lực cho một “mùa gieo chữ” được bắt đầu, với những thành công đang đợi chờ ở phía trước.

Lo ổn định chỗ ăn ở cho học trò

Công việc đầu tiên trước ngày khai giảng, khi học trò “hạ sơn” cắp sách đến trường đối với các trường học ở vùng cao đó là ổn định chỗ ăn ở, ổn định về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học.

Bởi ở vùng cao, tỉ lệ học sinh ở bán trú khá lớn nên việc ổn định chỗ ăn ở ngay từ những ngày đầu tựu trường sẽ giúp học trò yên tâm ở lại trường học tập. Công việc này đã được Ban giám hiệu các nhà trường quan tâm và triển khai thành nề nếp.

Tại xã vùng cao Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh và cả nước, thầy Lê Mã Lương - Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Sơn - chia sẻ: 

Năm học 2015 - 2016, trường có 179 học sinh với 6 lớp học và 19 cán bộ giáo viên. Trong đó có 79 em học sinh người dân tộc Mường, Dao ở bán trú. 

“Mặc dù kế hoạch tổ chức ăn ở khu bán trú đến đầu tháng 9 mới duyệt với huyện nhưng ngay từ khi các em học sinh xuống núi đến trường, nhà trường đã chỉ đạo bộ phận cấp dưỡng nấu ăn ba bữa/ngày cho các em, ổn định chỗ ở, sinh hoạt để các em yên tâm bước vào năm học mới. Nhờ làm tốt công tác này nên ngay từ đầu năm học, sĩ số của nhà trường đạt 100%” - Thầy Lương cho biết thêm.

Với mong muốn cho học sinh từ các bản xa đến trường học có tâm thế tốt ngay từ đầu nên ở nhiều địa phương, các trường học đã thực sự chủ động về chỗ ăn ở của học trò cũng như nếp sinh hoạt khu bán trú ngay từ ngày đầu. 

Vì thế, đã nhiều năm nay và đặc biệt là đầu năm học 2015 - 2016, ở các trường học vùng cao đã xóa đi được tâm lí học trò còn bỡ ngỡ, chưa ổn định hoặc còn thiếu nhiều thứ nên việc học chưa đi vào nền nếp… Những bữa cơm nóng hổi đón học trò ngay từ khi các em xuống núi đến trường đã tạo không khí phấn chấn cho năm học mới.

Thầy giáo Cao Xuân Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Simacai (Lào Cai) - cho biết: Năm học 2015 - 2016, trường có 450 học sinh với 12 lớp. Trong đó có 176 học sinh ở khu bán trú. 

Đến nay, nhà trường đã ổn định sĩ số, công tác dạy và học đi vào nền nếp, chỗ ăn ở của học trò được bố trí tốt ngay từ đầu. Thầy Lâm khẳng định: 

“Việc học sinh đến trường đầu năm học không đúng lịch đã không còn, nhờ việc nhà trường chủ động lo cho các em nơi ăn chốn ở ngay từ ngày đầu”.

Cùng với việc chuẩn bị tốt chỗ ăn ở khu bán trú cho học trò, trường học ở vùng cao còn tích cực tổ chức những hoạt động ngoại khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao lồng ghép vào giờ chào cờ đầu tuần đã tạo môi trường thân thiện, vui vẻ và thu hút học trò đến trường.

Chăm lo đội ngũ và hoàn thiện cơ sở vật chất

Do điều kiện các thầy cô giáo dạy học ở vùng cao phần nhiều quê ở miền xuôi, đầu mỗi năm học, trước khi bước vào công việc dạy học thì mỗi thầy cô đều phải đối diện với biết bao công việc như ổn định chỗ ở, tinh thần và những thiếu thốn về cơ sở vật chất. 

Chính vì vậy, sắp xếp, sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên sau hè đã được các trường học ở vùng cao tiến hành ngay trước thềm năm học mới.

Tại xã vùng cao Bản Lang (Phong Thổ, Lai Châu), nơi điều kiện đường xá đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên phần nhiều từ miền xuôi lên công tác và ở lại khu tập thể. 

Vì vậy, từ đầu tháng 8, UBND xã đã chỉ đạo các trường sửa chữa nhà công vụ, khu tập thể để thầy cô giáo có nơi ăn chốn ở, yên tâm công tác. 

Thầy Đồng Xuân Lợi - Hiệu trưởng Trường THCS Bản Lang - chia sẻ: Đến nay, nhà trường đã ổn định về chỗ ở đối với các thầy cô giáo ở xa và hoạt động dạy, học của nhà trường nói riêng và xã Bản Lang nói chung đã đi vào ổn định.

Cùng với công tác chăm lo đời sống cho giáo viên, các trường học ở miền núi, vùng cao, vùng sâu còn quan tâm đến công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên của nhà trường. Đây là một trong những hoạt động quan trọng sẽ quyết định lớn đến việc nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng cao. 

Vì vậy, cử giáo viên đi tập huấn theo chương trình bồi dưỡng của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT luôn được các trường học tiến hành ngay từ đầu mỗi năm học. 

Tại huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ), trước khi bước vào năm học mới, Phòng GD&ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng thường xuyên cho 1.280 giáo viên từ bậc mầm non đến bậc THCS.

Ở vùng cao, hệ thống cơ sở vật chất luôn là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Vì vậy, mỗi khi năm học mới được bắt đầu, ở nhiều địa phương lớp học mới, công trình mới đã dần thay thế những phòng học tạm bợ.

Ở xã vùng cao Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), ngay từ đầu năm học các trường học trong xã đã tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất chuẩn bị cho năm học mới. 

Trước năm học mới 2015 - 2016, toàn xã có tổng số 40 lớp với trên 1.000 học sinh ở 3 cấp học (mẫu giáo, tiểu học và THCS). Ngay từ đầu năm học các trường học trong xã đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, rà soát sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các em học sinh mượn đảm bảo điều kiện tốt nhất cho học sinh.

Còn tại xã vùng cao Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ), địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, trong không khí chào đón năm học mới, Trường Tiểu học Kim Thượng đã nỗ lực vượt khó để hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học. 

Trước thềm năm học mới, trường có tổng số 24 phòng học; 8 phòng chức năng; 12 phòng nhà công vụ, tất cả đều được xây kiên cố. Đầu năm học 2015 - 2016, nhà trường có thêm 4 phòng học mới, 1 nhà xe cho học sinh, 1 nhà xe và 1 nhà vệ sinh cho giáo viên. 

Bên cạnh đó, nhà trường đang tiếp tục củng cố các điều kiện cơ sở vật chất cần thiết để duy trì vững chắc đơn vị đạt Chuẩn quốc gia mức độ I. 

Ngoài 14 phòng học tại khu trung tâm, trường cũng có thêm 3 điểm lẻ tại những bản xa xôi của xã là điểm trường lẻ khu Chiềng, khu Cửa Dâm và khu Tân Hồi.

Với sự chuẩn bị chu đáo mọi điều kiện để bước vào năm học mới, con đường đến trường của học trò vùng cao sẽ bớt đi sự gập ghềnh khó nhọc, ước mơ của con chữ nơi đây sẽ được chắp cánh và tiếp thêm sức mạnh. Cả thầy và trò ở vùng cao sẵn sàng bước vào năm học mới với niềm tin sẽ gặt hái được một “mùa gieo chữ” bội thu.

Để năm học mới được bắt đầu đúng kế hoạch thì đội ngũ các thầy giáo, cô giáo cùng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học đóng vai trò đặc biệt quan trọng.                                                                                                                                                         Xác định được điều đó, ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, các trường học ở miền núi, vùng sâu, vùng xa đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ các thầy cô giáo để nhà trường vững vàng bước vào năm học mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ