Giáo dục thể chất học đường vẫn là nền tảng

Giáo dục thể chất học đường vẫn là nền tảng

(GD&TĐ) - Muộn hơn so với nhiều lĩnh vực khác, ngành thể dục thể thao (TDTT) nước ta chính thức có “ngày truyền thống” chỉ mới 22 năm, từ Quyết định số 25/CT (ngày 29/1/1991) của Hội đồng Bộ trưởng, lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Từ đó đến nay, “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động văn hoá thể thao lành mạnh. Thực tế, “Ngày Thể thao Việt Nam” bắt nguồn ngay từ buổi ban đầu của nền TDTT cách mạng.

Ngay từ khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, giữa bao bộn bề khó khăn thách thức, bên cạnh mối quan tâm hàng đầu là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy tầm quan trọng của TDTT đối với việc nâng cao sức khỏe  người dân. Ngày 30/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khoẻ quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao Trung ương có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Giáo dục thể chất học đường vẫn là nền tảng ảnh 1
Giáo dục thể chất học đường góp phần rèn sức luyện tài cho các thế hệ trẻ của đất nước. Ảnh: K.S

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, ngày 27/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên Trung ương và Phòng Thể dục Trung ương. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc gia giáo dục, Phòng Thể dục Trung ương đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục Trung ương  cũ. Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới. 

Một sự kiện nữa cũng cần phải nêu lại là cũng trong ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khoẻ và nhiều tờ báo khác đã đồng loạt đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, ngay trong năm 1946, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào Khoẻ vì nước rất sôi động. Với những ý nghĩa lịch sử sâu sắc đó, ngày 27/3 được Nhà nước lấy làm “Ngày Thể thao Việt Nam” hàng năm; trong đó cột mốc được xác định ngày truyền thống bắt đầu từ 273/1946 – ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào tập thể dục.

Ôn lại truyền thống đó để thấy một điều rằng những nền móng đầu tiên của ngành TDTT cách mạng lại gắn liền với giai đoạn xây dựng ban đầu của Bộ Quốc gia giáo dục, tiền thân của Bộ GD&ĐT ngày nay. Trong suốt 67 năm qua, dù ở giai đoạn nào, điều kiện lịch sử nào, giáo dục thể chất trong nhà trường cũng luôn được ngành Giáo dục coi trọng và luôn song hành với nhiệm vụ giáo dục kiến thức nói chung. Ngành Giáo dục đã xác định thể chất là một trong 4 mục tiêu giáo dục con người toàn diện của xã hội ta hiện nay (đức – trí - thể - mỹ), là cơ sở để tiếp nhận những mặt giáo dục còn lại. Giáo dục thể chất trong trường học góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, giúp học sinh phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn. Đồng thời giáo dục thể chất trong trường học phần nào còn làm cho các em học sinh năng động, hưng phấn hơn trong học tập, là giây phút giảm tải những áp lực trong học văn hoá… 

Nói sâu rộng hơn, chính ngành Giáo dục đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào TDTT nước nhà, thực hiện đúng lời dạy “Dân cường thì nước thịnh” mà  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra khi viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” cách đây vừa tròn 67 năm. Thực hiện tư tưởng của Người về TDTT tức là góp phần tích cực xây dựng con người mới XHCN phát triển toàn diện, đó là điều mà ngành Giáo dục đã và đang làm, với đối tượng là các em học sinh sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hoàng Quân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.