Giáo dục QPAN: Là môn học chính khóa cho học sinh THPT trở lên

Giáo dục QPAN: Là môn học chính khóa cho học sinh THPT trở lên

(GD&TĐ) - Dự thảo Luật giáo dục Quốc phòng - An ninh (GDQPAN) đã được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và thông qua tại kỳ họp này. Một số điểm trong Dự thảo vẫn còn những ý kiến khác nhau như nên đưa Luật này vào giảng dạy chính khóa từ cấp Tiểu học hay từ cấp THPT? Nếu đưa vào từ cấp Tiểu học thì thời lượng bao nhiêu phần trăm là vừa?

Nhiều đại biểu tán thành việc ban hành Luật GDQPAN
Nhiều đại biểu tán thành việc ban hành Luật GDQPAN

Là môn chính khóa trong hệ thống GD quốc dân

Dự thảo quy định: GDQPAN là môn học chính khóa trong hệ thống GD quốc dân và được giảng dạy chính khóa từ cấp THPT và cơ sở GD nghề nghiệp (Điều 11) và trong các trường cao đẳng, đại học (Điều 12). Theo đó: Tổ chức dạy và học GDQPAN theo phân phối chương trình. Trong năm học, các cơ sở GD căn cứ vào điều kiện cụ thể, phối hợp với cơ quan, tổ chức đơn vị liên quan tổ chức cho người học nghiên cứu, học tập ngoại khóa với nội dung và hình thức thích hợp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường cho rằng, trong thực tế hiện nay, đa số các cơ sở GD rất khó khăn về giảng đường, sân bãi cũng như trang thiết bị để tổ chức giảng dạy môn GDQPAN. Nhiều cơ sở GD đại học không thể thành lập khoa, tổ bộ môn GDQPAN. Ở một số cơ sở có khoa, tổ bộ môn GDQPAN nhưng GV chủ yếu là sĩ quan quân đội biệt phái, cán bộ, công an nghỉ hưu đảm nhiệm. Do đó, Luật cũng cần quan tâm đến yếu tố này để quy định cho phù hợp.

Về vấn đề này, Ban soạn thảo Luật đã có giải trình: Để từng bước tiến tới chuẩn hóa GDQPAN, đồng thời giảm bớt khó khăn cho các cơ sở GD đại học, trong những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch hệ thống trung tâm GDQPAN theo nguyên tắc không tổ chức ở tất cả các cơ sở GD đại học và các trường quân đội mà căn cứ vào mật độ trường và quy mô sinh viên trong từng khu vực. Đến nay, cả nước đã có 32 trung tâm đi vào hoạt động, phân bố hợp lý, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, hàng năm có khoảng 28 đến 32 vạn SV (đạt tỷ lệ 50%) được học tập, bồi dưỡng. Chính vì vậy, Điều 8 của Dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định rõ chức năng và nhiệm vụ của trung tâm GDQPAN.

Theo quy định mới, từ cấp THPT trở lên, GDQPAN là môn học chính khóa
Theo quy định mới, từ cấp THPT trở lên, GDQPAN là môn học chính khóa

Không quy định cứng GDQPAN cho HS tiểu học

Tại buổi thảo luận, một số ý kiến đề nghị cần quy định GDQPAN cho đối tượng là HS tiểu học và THCS phù hợp với lứa tuổi và xác định yêu cầu, nội dung cụ thể. Chẳng hạn quy định cụ thể về thời lượng là 15% đối với HS tiểu học và 20% đối với HS THCS. Cũng có ý kiến không đồng tình và đề nghị nếu đưa GDQPAN vào trường tiểu học và THCS sẽ trở thành gánh nặng cho HS và giữ nguyên như quy định của Bộ GD&ĐT quy định hiện hành. Đó là GDQPAN không là môn học riêng mà được lồng ghép vào môn học phù hợp của chương trình với thời lượng mà Bộ GD& ĐT đã tính toán được cho là phù hợp (tiểu học là 16,48%, THCS là 21,96% so với tổng thời lượng các môn học).

Cuối cùng, nhiều ý kiến đồng tình với Dự thảo việc không quy định cứng tỷ lệ phần trăm và để Bộ GD& ĐT căn cứ vào tình hình thực tế để cân đối trong quá trình xây dựng chương trình (Điều 10: GDQPAN trong trường tiểu học, THCS được thực hiện lồng ghép qua nội dung các môn học trong chương trình, kết hợp với hoạt động ngoại khóa phù hợp với lứa tuổi, để hình thành những cơ sở hiểu biết ban đầu về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc...).

Người Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước làm việc cần được GDQPAN

Dự thảo Luật Giáo dục quốc phòng - An ninh có 8 chương, 46 điều được trình Quốc hội cho ý kiến lần cuối để thông qua ngay trong kỳ họp này (diễn ra từ ngày 20/5 và dự kiến kết thúc vào 21/6/2013). Khi được thông qua, Luật này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2014.

Có nhiều ý kiến cho rằng người Việt Nam công tác, học tập ở nước ngoài sau tốt nghiệp về nước phải được bồi dưỡng GDQPAN. Tuy nhiên, khi đưa vào dự thảo rất khó khả thi, vì số lượng người Việt Nam công tác, học tập ở nước ngoài rất lớn nhưng phân tán và đa dạng. Thứ hai, nếu đã quy định phải học môn GDQPAN cho các đối tượng này thì cũng phải đặt vấn đề bổ sung các môn học khác rất cần thiết như chính trị, lịch sử, triết học...; hoặc với những người đi du học từ cấp Tiểu học, THCS cũng phải bổ sung cả chương trình, nội dung GDQPAN chưa học.

Cuối cùng, nhiều ý kiến đồng tình với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là: Người Việt Nam công tác ở nước ngoài khi hết thời hạn về nước nếu được bổ nhiệm hoặc bầu giữ chức vụ cao hơn thì phải tham gia bồi dưỡng GDQPAN theo quy định. Còn người Việt Nam học tập ở nước ngoài về nước nếu đã tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học thì khi được tiếp nhận vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức sẽ được GDQPAN phù hợp theo từng đối tượng.

Thanh An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.