Giáo dục phổ thông phải ít hàn lâm

GD&TĐ - Đây là nội dung được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh khi làm việc với đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) về dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông tại trụ sở Bộ GD&ĐT hôm nay (27/6).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với đại diện WB
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với đại diện WB
 Giáo dục phổ thông phải ít hàn lâm, quan trọng nhất là thực tiễn, nền nếp, hợp lý.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đánh giá cao Dự án, Bộ trưởng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ chính cần phải tập trung.

Thứ nhất, xây dựng được một chương trình tổng quát cho giáo dục phổ thông, đảm bảo chất lượng, có gắn kết cũ - mới, liên thông, liên cấp tốt; khả thi, hiệu quả;

Thứ hai, phải có bộ sách giáo khoa chuẩn, phù hợp nhất;

Thứ ba, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa ấy một cách bền vững.

Để làm được 3 cấu phần quan trọng này, Bộ trưởng đề nghị rà soát, thành lập Ban chỉ đạo, trực tiếp Bộ trưởng làm Trưởng ban để có sự thống nhất toàn bộ hệ thống.

“Ban quản lý dự án phải hết sức chuyên nghiệp và nhúng sâu vào chuyên môn, tránh tình trạng hành chính. Đây là ban để kết nối, điều phối giữa các thầy cô tham gia viết sách và các đối tác” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Yếu tố vô cùng quan trọng, quyết định thành công, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, là các hội đồng chuyên môn. Về vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng phải có tổng công trình sư – người không chỉ giỏi chuyên môn mà phải có uy tín.

Dưới đó là các hội đồng biên tập mà theo Bộ trưởng phải theo hướng mở, trong đó tránh tình trạng tập trung một nhóm các nhà khoa học; tăng cường sự tham gia sâu rộng của đội ngũ giáo viên phổ thông ưu tú.

Một cấu phần quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh là truyền thông. “Phải truyền thông chuyên môn. Ngay từ đầu, cần công khai, minh bạch để xã hội cùng đồng hành, làm sao khi đưa ra chương trình, sách giáo khoa mới, phụ huynh không xa lạ, đó mới là thành công” – Bộ trưởng lưu ý.

Đánh giá cao việc Bộ GD&ĐT coi dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông là một ưu tiên, ông Michel Welmond - Trưởng nhóm Chuyên gia giáo dục của Ngân hàng Thế giới - đồng thời cảm ơn Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến tính bền vững, cũng như việc thể chế hóa các hoạt động, cơ chế của Dự án.

“Tôi chắn chắn nhóm dự án sẽ có trao đổi tiếp theo với Bộ GD&ĐT để triển khai phù hợp với thực tế. Chúng ta đã xây dựng xong chương trình cho lớp 12 và như vậy sẽ có những chỉ số ban đầu để đánh giá về thành công của Dự án” - Ông Michel Welmond cho biết.

Trưởng nhóm Chuyên gia giáo dục của Ngân hàng Thế giới đồng thời cho rằng, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cần có sự phối hợp với “Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (ETEP)”, vì trong khuôn khổ của ETEP, giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng để có thể thực hiện theo chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Thực hiện từ năm 2015 đến 2020 với sự tài trợ của WB, dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông có mục tiêu hỗ trợ hiệu quả đổi mới giáo dục phổ thông và đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Cụ thể, dự án hỗ trợ xây dựng, ban hành chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh; hỗ trợ đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh; hỗ trợ tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới và năng lực nghiên cứu về đề thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; tăng cường năng lực khảo thí ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ