Không vì lợi nhuận, chất lượng dễ đạt đỉnh cao
Phi lợi nhuận là mô hình hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, từ thiện hoặc các lĩnh vực phục vụ cộng đồng. Doanh nghiệp (DN) hoạt động phi lợi nhuận là các DN được thành lập và hoạt động như các DN vì lợi nhuận nhưng toàn bộ hoặc phần lớn lợi nhuận sẽ không phân chia cho chủ sở hữu /cổ đông mà được dùng để tái đầu tư cho chính hoạt động của doanh nghiệp hoặc cho các mục đích phát triển an sinh xã hội.
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fullbright, trên thế giới, khái niệm ĐH tư thục không vì lợi nhuận rất phổ biến. Tại các nước phát triển như Mỹ và Anh, những đại học tư thục có chất lượng nhất là các trường danh giá như Harvard, Princeton, Stanford hay Oxford, Cambridge đều hoạt động không vì lợi nhuận. Tương tự là các mô hình giáo dục - y tế phi lợi nhuận nổi tiếng khác như Mayo Clinic, Cleveland Clinic, John Hopkins Medicine (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc); Keio (Nhật), Yonsei (Hàn Quốc)… Có được điều này là nhờ chính sách kiểm soát chặt chẽ từ nhà nước và cơ chế tự quản giúp các trường có được sự minh bạch trong quản lý, điều hành.
Tiêu chí để xác định một trường đại học phi lợi nhuận là tái đầu tư tất cả lợi nhuận vào việc thực hiện mục tiêu giáo dục và vận hành trường. Nếu xét đại học như một đơn vị, tổ chức thì doanh thu của nó là từ các nguồn sau: đóng học phí, tài trợ của ngân sách chính phủ, quyên góp của nhà hảo tâm, cựu học viên, các hoạt động kinh doanh phi giáo dục khác…Chi phí của một trường đại học sẽ bao gồm: chi phí trả lương giáo viên, mua sắm thiết bị dạy học, mua hoặc thuê địa điểm, đóng thuế..
Vậy nên, một đại học nếu được xét là “phi lợi nhuận” thì toàn bộ lợi nhuận của nó không được phép phân chia cho các cổ đông, chủ sở hữu và nhân viên của trường. Bên cạnh đó, vì không có chủ sở hữu, không phân chia lợi nhuận, tài sản đóng góp của trường được đảm bảo không phục vụ lợi ích cá nhân hay lợi ích nhóm nên chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao và dễ dàng thu hút nguồn tài trợ từ các quỹ giáo dục, các tổ chức, cá nhân và cả nguồn tài trợ từ chính phủ. Đơn vị phi lợi nhuận cũng dễ dàng thu hút những trí tuệ đỉnh cao và đầy đủ nguồn lực thực hiện nghiên cứu phát triển nhằm phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng
Mô hình tiên phong
Ở Việt Nam, mô hình phi lợi nhuận đã manh nha xuất hiện. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được thành lập theo luật doanh nghiệp và hoạt động như các doanh nghiệp thông thường khác, tuy nhiên DNXH sẽ phải cam kết sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đăng ký. Như vậy, các mô hình phi lợi nhuận ở Việt Nam nếu thực hiện đúng quy định về doanh nghiệp xã hội thì cũng chưa thực sự đúng mô hình thế giới vì vẫn được sử dụng ít nhất 49% lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, việc Vingroup tuyên bố chuyển Vinmec và Vinschool sang mô hình phi lợi nhuận với cam kết dành 100% lợi nhuận để tái đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, y tế đã gây sự thú ý của dư luận. Như vậy, với cam kết này, Vinmec và Vinschool sẽ là những mô hình phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam theo đúng chuẩn thế giới, do một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện.
Lý giải quy định về doanh nghiệp xã hội sẽ khiến Việt Nam chưa thể có những mô hình phi lợi nhuận đúng nghĩa mà thế giới đang làm, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong hoàn cảnh hiện nay, Chính phủ khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực y tế, giáo dục là chủ trương đúng. Nhưng vì trong giai đoạn bước đầu nên việc cho phép doanh nghiệp xã hội chỉ cần dùng 51% lợi nhuận để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đăng ký, còn lại cho phép nhà đầu tư được hưởng một mức lợi nhuận nhất định. Đây là quy định nhằm khuyến khích đầu tư.
“Khi doanh nghiệp đã phát triển mạnh đạt tới đỉnh cao như Vingroup thì sẽ khác, họ không chỉ có 2 lĩnh vực giáo dục và y tế mà còn có các lĩnh vực khác, vì vậy họ có thể lấy anh này để nuôi anh kia”, ông Lợi nói.
Như vậy có thể thấy, trong tổng thể kinh doanh của doanh nghiệp, họ có thể dành một số lĩnh vực hoàn toàn mang tính phúc lợi xã hội để góp phần cho xã hội phát triển bằng cách lấy lĩnh vực khác để bù vào. Suy rộng ra toàn nền kinh tế cũng vậy, có những ngành phát triển đỉnh cao, lợi nhuận lớn, có những ngành ở mức hòa vốn và có những ngành phải chấp nhận chịu lỗ.
“Hoặc có những ngành tư nhân họ không làm mà nhà nước phải bỏ tiền ra làm để lo cho dân. Đó chính là nguyên tắc của nền kinh tế” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.