Giáo dục người lớn - đã đến lúc phải THỂ CHẾ HÓA THÀNH LUẬT

GD&TĐ - GD người lớn từ lâu đã được thế giới đặc biệt quan tâm bởi nhu cầu tất yếu của con người và của xã hội trong thời đại công nghiệp. Giờ đây trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 thì nhu cầu đó càng bức thiết hơn bao giờ hết. 

Giáo dục người lớn - đã đến lúc phải THỂ CHẾ HÓA THÀNH LUẬT

Ngành GD- ĐT và Nhà nước luôn quan tâm đến vấn đề này và đã chủ trương xây dựng xã hội học tập, giáo dục suốt đời, tuy nhiên do nhận thức chung còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao, chưa sát với thực tiễn đang diễn ra. Vậy đâu là giải pháp để GD người lớn đạt hiệu quả cao trong bối cảnh đất nước ta đang cần nâng cao chất lượng nguồn lực? Với kinh nghiệm, tâm huyết nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hinh - Vụ trưởng Vụ GD Thường xuyên - Bộ GD- ĐT cho biết:+ Đúng là vấn đề này trên thế giới họ đã quan tâm từ rất lâu và mang tính phổ biến. Nay nhiều nước phát triển đã chuyển sang giai đoạn mới- thúc đẩy học tâp người lớn.

Mới nghe, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Vì sao phải học khi đã tốt nghiệp vài tấm bằng đại học, thạc sĩ, cao học…Thực tế là, một người đã tốt nghiệp đại học mới chỉ có kiến thức nền tảng căn bản. Khi đi làm dù là đối tượng nào, công việc gì cũng cần phải bổ sung kiến thức và kỹ năng. Đó là nhu cầu, học để đáp ứng yêu cẩu vị trí việc làm; để nâng cao chất lượng công việc, tự tin bản thân; để có cơ hội cống hiến, tăng thu nhập; để tiến bộ, thăng tiến và phát triển bền vững… Đặc biệt, đối với người cao tuổi họ cũng có nhu cầu học rất lớn. Đó là học để chuẩn bị tâm lý cho lúc nghỉ hưu; học để có cơ hội tiếp tục cống hiến tốt hơn; học để tạo ra cuộc sống vui khỏe hơn, tuổi thọ tăng lên. Mỗi người đều phải biết và cập nhật những kiến thức cơ bản của cuộc sống. Do đó, người lớn cũng phải học để bổ sung những kiến thức cơ bản, những kỹ năng còn thiếu để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống vì thế, tôi cho rằng việc học tập của người lớn làm cho tài nguyên con người được tái tạo và phát triển.

Có thể nói, GD người lớn nếu phát huy hiệu quả sẽ đưa Chất lượng nhân lực được nâng lên mang lại giá trị lao động cao cho xã hội.

Vâng, như vậy sự học là suốt đời. Vậy chúng ta đã đáp ứng nhu cầu học tập đó như thế nào, thưa ông?

+ Việt Nam từ lâu cũng đã có chủ trương về vấn đề này, so với thế giới chúng ta làm muộn hơn nhưng làm rất bài bản. Chủ trương của ngành GD- ĐT và Nhà nước ta luôn chú ý đến đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, bên cạnh hệ thống các trường chính quy, còn các trung tâm GDTX, các trung tâm học tập cộng đồng (đến nay toàn quốc đã có hơn 700 TT GDTX và 11081 TTHTCĐ/ 11.159 xã, phường, thị trấn). Sau gần 20 năm hoạt động các trung tâm này đã tao cơ hội cho mọi người dân được học tập suốt đời và đang đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, thực hiện an sinh xã hội.

Đặc biệt, từ lâu các thiết chế văn hóa, bao gồm thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa đã được nhìn nhận là cơ quan giáo dục ngoài nhà trường, phục vụ cho người dân học tập suốt đời. Nhiều thư viện công cộng và thư viện trường học đã đổi mới phương thức hoạt động phát huy nguồn lực thông tin thư viện sẵn có mở rộng các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân hiệu quả hơn mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Được sự quan tâm của nhà nước và chính quyền đia phương, nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, TTHTCĐ được đầu tư sửa chữa, xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả. Các lớp học năng khiếu, các hội thi, hội diễn, câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt theo chuyên đề được tổ chức. Từ đó khơi dậy khả năng sáng tạo cho người dân ở cộng đồng, bao gồm cả giới trẻ. Trong quá trình tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ, các địa phương đã chủ động lồng ghép và hướng dẫn nội dung học tâp suốt đời tới các học viên. Thông qua các đơn vị này việc bổ sung kiến thức cho người lớn bao gồm nông dân, công nhân, phụ nữ, người cao tuổi…được thường xuyên, liên tục mang lại hiệu quả thiết thực cho người có nhu cầu.

Đặc biệt và rất riêng ở Việt Nam còn có phong trào “ học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”. Nhiều hộ gia đình đã đăng ký xây dựng “gia đình học tập”, nhiều dòng họ đăng ký “dòng họ học tập”; có những địa phương xây dựng phong trào “cộng đồng học tập” Có thể nói, hiếu học là truyền thống của người Việt Nam ta, việc phát huy truyền thống đó là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và dòng họ. Những phong trào và mô hình học tập này thực sự diễn ra sôi nổi, hào hứng và có sự thi đua trong mỗi cá nhân, gia đình và dòng họ trong cùng một địa phương. Đó là những dấu hiệu tích cực trong một xã hội học tập.

Tuy nhiên, do còn khó khăn về kinh tế xã hội nên nhiều nơi, nhiều địa phương và cả cá nhân chưa phát huy hết khả năng, làm giảm điều kiện tiếp cận môi trường học tập hữu ích này. Đó là những rào cản và thách thức hiện nay cần tháo gỡ.

Vậy những rào cản đó cụ thể là những vấn đề gì, thưa ông?

+ Luật Giáo dục cũng quy định GD thường xuyên, nếu họ không được thường xuyên cập nhật kiến thức thì chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước không thể đi vào cuộc sống. Do vậy, giáo dục người lớn phải được đầu tư đúng vị trí của nó. Tâm lý ngại học, tự bằng lòng với kiến thức đã có, điều kiện học tập khó khăn, cộng với sự nhận thức chưa rõ ràng của các cấp quản lý khiến cho việc học tập người lớn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Điều đó dẫn đến năng xuất lao động thấp; thói hư tật xấu gia tăng một số nơi; hội nhập khó khăn do thiếu hiểu biết; sự tụt hậu xa của đất nước so với khu vực và thế giới; sự lãng phí thời gian trong nhiều cơ quan, tổ chức; sự phát triển thiếu bền vững.

Một nguyên nhân quan trọng khác là công tác liên kết, phối hợp chưa tốt, chưa có quy chế phù hợp; chưa có chính sách khuyến khích, chưa có rằng buộc về trách nhiệm và cụ thể hóa quyền lợi, nghĩa vụ; chưa tạo được động lực để huy động các nguồn lực xã hội tham gia. Công tác phân nhiệm giữa các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương chưa rõ ràng nên chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các lực lượng xã hội để thúc đẩy học tập của người lớn.

Từ thực tiễn đó, xin ông cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để chính sách giáo dục người lớn đạt được hiệu quả và phát triển bền vững?

+ Nhận thức vấn đề này, từ lâu Bộ GD- ĐT đã xây dựng và tham mưu cho Chính phủ nhiều chính sách và giải pháp cụ thể. Từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010; ngày 9/01/2013 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012- 2020”. Trong đó với quan điểm: trong xã hội học tập, mọi cá nhân đều có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có nghề, lao động hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc. Đối với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời.

Những giải pháp chính tập trung là: nâng cao nhận thức của việc xây dựng xã hội học tập; tổ chức học tập ở nhà trường, hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng, thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ; củng cố phát triển các cơ sở GD; đẩy mạnh hình thức học tập từ xa, học qua mạng; triển khai các biện pháp hỗ trợ người học… Một giải pháp quan trọng là phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, việc quy định trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các tổ chức, cá nhân đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng xã hội học tập.

Như vậy, để thúc đẩy việc học tập của người lớn cần có luật có như vậy mới phát triển hiệu quả và bền vững thưa ông?

+ Đúng là như vậy, đã đến lúc chúng ta phải thể chế hóa thành luật thì công tác này mới đạt hiệu quả cao nhất và đúng với tầm quan trọng và vị trí của nó.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.