Giáo dục môi trường từ trường học sinh thái

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mô hình giáo dục trường học sinh thái (Eco-Schools) càng trở nên phổ biến.

Trồng cây giúp bảo vệ môi trường xanh.
Trồng cây giúp bảo vệ môi trường xanh.

Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, mô hình giáo dục trường học sinh thái (Eco-Schools) càng trở nên phổ biến. Thông qua giáo dục, trẻ em, thanh thiếu niên nâng cao nhận thức về môi trường và xây dựng thế giới bền vững.

Học sinh trồng cây trong trường

Khi tiếng chuông báo hiệu giờ học vang lên, thay vì ổn định trật tự trong lớp, em Moushika, học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Krishna Namal, thành phố Coimbatore, Ấn Độ, và bạn bè tất bật ngoài vườn. Ở đó, các em tưới nước, bón phân cho những cây chuối đang phát triển.

Moushika cho hay: “Cháu được dạy rằng cây chuối có rất nhiều công dụng. Ngoài cho quả, lõi chuối có thể giúp tiêu sỏi thận còn lá chuối có thể chữa đau họng, tăng sức đề kháng, làm đẹp... Chúng cháu hy vọng những cây chuối trong vườn trường sẽ ngày một tươi tốt”.

Hoạt động trồng cây nằm trong nội dung giáo dục môi trường, do Trường Mầm non và Tiểu học Krishna Namal đưa vào chương trình giảng dạy chính thức. Vào đầu năm học, nhà trường sẽ trao tặng mỗi học sinh một mầm cây để các em chăm sóc nó trong suốt thời gian học tại trường.

Cô R. Bhuvaneshwari, giáo viên nhà trường cho hay: Chúng tôi bắt đầu dạy trẻ về thực vật, trồng trọt, môi trường từ lớp Một. Chương trình học được đưa vào sách giáo khoa, giúp học sinh dễ dàng tìm hiểu và trau dồi kiến thức. Bên cạnh nâng cao ý thức của học sinh về môi trường, hoạt động này giúp các em ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế và hiểu được giá trị của từng mầm xanh.

Nằm cách Ấn Độ gần 6.000 km, tại Trường THCS Tampines, Singapore, trong nội dung giáo dục môi trường, học sinh được dạy về tính bền vững. Tính bền vững được hiểu là khả năng đáp ứng các nhu cầu của hiện tại nhưng không làm ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ trong tương lai. Ba trụ cột của tính bền vững là kinh tế, môi trường và xã hội.

Việc giáo dục học sinh về tính bền vững được lồng ghép trong các môn văn hóa, hoạt động ngoại khóa. Đơn cử, học sinh được dạy về năng lượng tái tạo và các biện pháp khai thác năng lượng tái tạo trong môn Khoa học.

Ở môn Hóa học, học sinh tìm hiểu về các khí độc hại thải ra môi trường do hoạt động của con người. Trong môn Giáo dục nhân cách và công dân, học sinh đi sâu tìm hiểu quá trình đốt chất thải ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ và cuộc sống của con người.

Về hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp, học sinh sẽ dọn rác trong lớp học, phân loại rác. Học sinh sẽ tái chế các vật dụng bỏ đi thành sản phẩm có thể tiếp tục sử dụng như bàn, đèn, hộp bút... Ngoài ra, nhà trường cũng lắp đặt quạt, đèn LED tiết kiệm năng lượng, sơn phản nhiệt lên các bức tường ở hướng đón ánh sáng để làm mát tòa nhà, giảm lượng khí thải carbon ròng.

Cô Seri - giáo viên môn Địa lý và Nghiên cứu xã hội cho biết: “Tôi hy vọng việc thực hành thường xuyên giúp thanh, thiếu niên hình thành những thói quen sống lành mạnh. Tôi rất vui khi thấy các em hào hứng với việc phân loại rác. Những điều này sẽ trở thành thói quen nhưng xây dựng văn hóa cần có thời gian”.

Trong khi đó, Trường Tiểu học số 1 Mee Toh, Singapore, giáo dục môi trường cho học sinh từ lớp Một. Nằm trong chương trình học tập ứng dụng về giáo dục môi trường, học sinh học về đa dạng sinh học và cách trân trọng thiên nhiên, môi trường thông qua làm áp phích, thuyết trình.

Học sinh từ lớp 3 sẽ tìm hiểu về an ninh lương thực và học cách trồng rau. Các em trồng rau theo phương pháp thủy canh hoặc trồng nấm. Một nửa thành phẩm thu hoạch bán trong căng-tin, nửa còn lại quyên góp cho viện dưỡng lão.

Giải thưởng 'Cờ xanh' vinh danh các trường đã nỗ lực thúc đẩy sự

Giải thưởng 'Cờ xanh' vinh danh các trường đã nỗ lực thúc đẩy sự

Mô hình hoạt động như thế nào?

Trường Mầm non và Tiểu học Krishna Namal ở Ấn Độ hay Trường Tiểu học số 1 Mee Toh, Trường THCS Tampines đều đang theo đuổi mô hình trường học sinh thái (Eco-School). Chương trình này được phát triển từ năm 1992 bởi Quỹ Giáo dục Môi trường (FEE) nhằm mục đích trao quyền cho học sinh tham gia vào các dự án môi trường và xây dựng thế giới bền vững.

Mô hình trường học sinh thái hoạt động dựa trên phương pháp bảy bước: (1) Thành lập Ủy ban Sinh thái, (2) Thực hiện đánh giá tình trạng môi trường trong khu vực và trên thế giới, (3) Lập kế hoạch hành động, (4) Giám sát và đánh giá, (5) Lồng ghép nội dung về trường học sinh thái trong chương trình nhà trường, (6) Thúc đẩy sự tham gia của toàn trường và cộng đồng, (7) Thiết lập các bộ quy tắc thực hành xanh tại trường học.

Chương trình trường học sinh thái tập trung vào các chủ đề gồm tự nhiên và đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, năng lượng, thực phẩm, công dân toàn cầu, sức khoẻ thể chất và tinh thần, đại dương và bờ biển, nước, giao thông, quản lý rác thải, khuôn viên trường học... Các trường không nhất thiết phải thực hiện tất cả các chủ đề trên mà có thể lựa chọn những chủ đề phù hợp với điều kiện, môi trường học tập để triển khai.

Em Moushika, học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Krishna Namal, Ấn Độ, chăm sóc cây chuối trồng trong vườn trường.

Em Moushika, học sinh Trường Mầm non và Tiểu học Krishna Namal, Ấn Độ, chăm sóc cây chuối trồng trong vườn trường.

Đơn cử, chương trình trường học sinh thái tại Ấn Độ nghiên cứu 5 chủ đề trọng tâm gồm nước, đa dạng sinh học, quản lý chất thải, cuộc sống lành mạnh và biến đổi khí hậu. Mỗi trường sẽ giảng dạy ít nhất 3 chủ đề mỗi năm và học sinh phải thực hiện tất cả các chủ đề đó.

Sau 2 năm triển khai chương trình và thiết lập bộ quy tắc thực hành xanh, các trường có thể nộp hồ sơ xét trao giải thưởng “Cờ xanh” (Green Flag). Giải thưởng được quốc tế công nhận nhằm ghi nhận những trường học đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự bền vững. Giải thưởng cũng là minh chứng về sự nỗ lực của các trường trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh.

Để triển khai 7 bước và 12 chủ đề, các trường học sinh thái sáng tạo rất nhiều hoạt động dạy học và trải nghiệm khác nhau. Trường THCS Thomas A Becket, Vương quốc Anh vừa giành giải thưởng “Cờ xanh” năm 2023 - 2024.

Bà Michelle Mayes, điều phối viên chương trình trường học sinh thái nhà trường, cho biết các hoạt động giáo dục sinh thái trong nhà trường tương đối đa dạng. Hồi tháng 7 vừa qua, học sinh được đi thăm trang trại nhím và tìm hiểu về lối sống của loài nhím. Tại trường, các em học cách ấp trứng và chăm sóc gà con. Qua đó, học sinh có thể tìm hiểu về vòng đời cũng như quá trình trứng phát triển thành gà con.

Nhà trường cũng tổ chức “Tuần lễ đi bộ đến trường”, trong đó khuyến khích học sinh đi bộ đi học thay vì sử dụng phương tiện giao thông để giảm phát khí thải. Nhà trường cũng mời diễn giả là các chuyên gia về môi trường, thực vật học, động vật học... đến trò chuyện với học sinh.

Bên cạnh đó, học sinh có thể tự làm gạch sinh thái, tái chế đồ bỏ đi, làm băng rôn, áp phích tuyên truyền về bảo vệ hệ sinh thái, trải nghiệm một ngày làm công nhân vệ sinh thành phố... Những hoạt động trên đều nhằm tạo cơ hội cho học sinh thực hành các hoạt động bảo vệ và duy trì tính bền vững của hệ sinh thái.

Học sinh học về phân loại và tái chế rác thải.

Học sinh học về phân loại và tái chế rác thải.

Phát huy lối sống bền vững

Hiện nay, hơn 80 quốc gia đã thành lập hơn 60.000 trường học sinh thái. Riêng tại Đông Nam Á, mô hình này có mặt tại hầu hết quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia... Tại Việt Nam, cách tiếp cận trường học xanh phổ biến là thực hiện chương trình học “Xanh – Sạch – Đẹp”.

Tại Malaysia, đánh giá hệ thống trường học là nền tảng lý tưởng để thúc đẩy sự thay đổi và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, từ năm 2011, Bộ Giáo dục đã công nhận chương trình trường học sinh thái và cho phép các trường phổ thông tham gia vào chương trình này.

Học sinh Malaysia sẽ trau dồi kiến thức về các vấn đề môi trường và cuộc sống bền vững thông qua bài học về tái chế, bảo tồn năng lượng, giảm lượng khí thải carbon. Học sinh được khuyến khích áp dụng kiến thức trên vào cuộc sống hàng ngày và tuyên truyền cho gia đình, cộng đồng.

Một trong những mục tiêu chính của trường học sinh thái Malaysia là khuyến khích các nhà trường giảm lượng khí thải carbon thông qua giảm tiêu thụ năng lượng và phát sinh chất thải, cũng như thúc đẩy việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Các trường học cũng được khuyến khích áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường như sử dụng vật liệu phân huỷ sinh học và giảm sử dụng nhựa.

Học sinh tìm hiểu về thảm thực vật.

Học sinh tìm hiểu về thảm thực vật.

Theo phân tích của Quỹ tăng trưởng Xanh châu Á, mô hình trường học sinh thái mang lại nhiều lợi ích cho học sinh, trường học và cộng đồng tại Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Khi tham gia chương trình, học sinh học được các kỹ năng quan trọng như tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, lãnh đạo. Các em cũng nhận thức tốt hơn về các vấn đề môi trường và lối sống bền vững.

Các trường học tham gia chương trình có thể giảm chi phí năng lượng và phát sinh chất thải, cải thiện hiệu quả môi trường. Họ có cơ hội tham gia mạng lưới trường học có chung quan điểm và chia sẻ những phương pháp xây dựng môi trường bền vững.

Về phía cộng đồng, họ được nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường và hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái. Thông qua việc hợp tác với trường học và học sinh, cộng đồng có thể xây dựng một tương lai bền vững hơn cho chính họ và thế hệ tương lai.

“Nhìn chung, trường học sinh thái là ví dụ nổi bật về cách giáo dục giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và thúc đẩy sự thay đổi từ cấp cơ sở. Bằng cách giáo dục giới trẻ về bảo tồn thiên nhiên và khuyến khích họ hành động, trường học sinh thái đang giúp xây dựng một tương lai bền vững hơn cho khu vực Đông Nam Á và thế giới”, báo cáo của Quỹ tăng trưởng Xanh châu Á kết luận.

Trường học sinh thái đầu tiên ra mắt vào năm 1992 tại Đan Mạch với sự hỗ trợ của Ủy ban châu Âu. Đến năm 2003, mô hình trường học sinh thái được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đánh giá là sáng kiến kiểu mẫu cho giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.