Giáo dục miền Trung gượng dậy sau bão

GD&TĐ - Suốt dọc dài từ Quảng Nam vào đến Quảng Ngãi, không trường học nào là không bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9. Nhẹ thì cây đổ, tốc mái một vài phòng học.

Khu nhà ở của HS Trường Tiểu học và THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn) ngập bùn, một số phòng bị sập do sạt lở. Ảnh: TG
Khu nhà ở của HS Trường Tiểu học và THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn) ngập bùn, một số phòng bị sập do sạt lở. Ảnh: TG

Nặng hơn thì “bốc” luôn toàn bộ mái của nhiều dãy phòng học, sập tường rào, cổng ngõ, hư hỏng thiết bị, đồ dùng dạy học… Quảng Nam có 7 HS bị thiệt mạng trong vụ sạt lở ở xã Trà Vân và xã Phước Lộc…

Tan hoang, xơ xác

Cơn bão số 9 gần như “bốc” toàn bộ Trường THPT Núi Thành (Quảng Nam). Cây cối gãy đổ ngổn ngang trong sân trường. Tôn, ngói, kính vỡ vương vãi khắp các lớp học. “Trường bị tốc mái toàn bộ dãy phòng thí nghiệm thực hành, thư viện nên ướt, hỏng toàn bộ máy móc, thiết bị, sách tham khảo... La phông chống nóng ở các lớp học rớt hết xuống sàn. Điện nước bị hư hỏng toàn bộ. Hệ thống cửa kính, kính chắn gió bị vỡ rất nhiều. Nhà kho, nhiều phương tiện phục vụ dạy học trong khu vực sân trường hư hại khá nhiều” – thầy Nguyễn Hữu Thiện, Hiệu trưởng nhà trường thông tin. 

Trường THPT Bình Sơn cũng thiệt hại nặng trong cơn bão số 9. Thầy Phạm Thạch Sinh – Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) không khỏi xót xa: “Nhìn cảnh trường tan hoang sau bão mà rớt nước mắt. Trường đang tìm kiếm thợ đến khắc phục các phòng học trước để HS đi học lại nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, sau bão, việc gọi thợ rất khó khăn do nhà dân cũng như các cơ quan, trường học đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Nhà trường cố gắng khắc phục hậu quả nhanh nhất có thể và những ngày đầu tháng 11, HS đã đi học trở lại” – thầy Sinh cho biết. 

Trường THPT Cao Bá Quát (Quảng Nam) đã phải phủ bạt lên mái phòng học để HS trở lại trường học ngay sau bão. “Năm nay, HS phải dừng học khá nhiều. Trước đó là dịch Covid-19 nên nếu tiếp tục nghỉ nữa sẽ không kịp chương trình. Chỗ nào ngói bị vỡ, nếu tận dụng được ngói, tôn cũ để lợp lại, chúng tôi sẽ tận dụng”. 

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Thiệt hại lớn quá, không thể thống kê hết được. Dù các trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng, chằng chống, giằng néo hệ thống cửa, mái tôn… nhưng không thể bảo đảm an toàn tài sản được. Như Trường THPT Núi Thành thiệt hại quá mức tưởng tượng. Phòng vi tính của Trường THPT Duy Xuyên cũng bị hỏng hết vì nước ngập, Trường THPT Cao Bá Quát cũng bị tốc mái nhiều phòng học… Nhà cửa của GV, nhất là GV vùng xa, vùng khó bị hư hỏng, thiệt hại khá nhiều. Nhà của gia đình HS thì chưa thể thống kê được thiệt hại, nhưng nhiều HS không có sách, vở để học. Không sao mà kể hết thiệt hại của ngành GD-ĐT Quảng Nam”. 

Tập trung khắc phục 

Giáo dục miền Trung gượng dậy sau bão ảnh 1

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) đã tập trung toàn bộ HS nội trú của trường để quản lý tại chỗ, không cho các em về nhà. Theo thầy Bùi Ngọc Luận – Hiệu trưởng nhà trường, nhà trường đã làm công tác tư tưởng, trấn an HS nội trú. Với em có người thân trong vụ sạt lở, ban giám hiệu và GV chủ nhiệm đã gặp riêng các em để hỗ trợ tâm lý, động viên.

Sở GD&ĐT Quảng Nam thống nhất ngày 30/10, HS sẽ đi học trở lại. Tuy nhiên, tùy tình hình khắc phục cụ thể, các trường tự quyết định thời gian đi học cũng như phương án tổ chức dạy – học theo nguyên tắc phải bảo đảm an toàn cho HS và GV. Như Trường THPT Núi Thành sẽ tận dụng tất cả các phòng học – phòng bộ môn để ưu tiên bố trí nơi học. Trường Tiểu học Hùng Vương – trường bị thiệt hại nặng nhất của TP Tam Kỳ sẽ sử dụng các phòng chức năng để dạy học tạm thời và chỉ tổ chức dạy 1 buổi/ngày để sửa sang lại trường lớp. 

Tại Quảng Ngãi, ngày 2/11, HS mới trở lại trường. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 151 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng nặng. Chỉ tính riêng huyện Bình Sơn có 22/66 điểm trường bị tốc mái. UBND huyện, ngoài vận động các nhà tài trợ, nhà hảo tâm, đã dùng quỹ dự phòng để mua vật liệu lợp tạm các phòng học bị tốc mái.

Huyện cũng chỉ đạo nhà trường tạm thời ghép, dồn lớp học, tổ chức cho HS tiểu học học 1 buổi/ngày và chia thành 2 ca để đủ phòng học. Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành chỉ đạo các trường học sử dụng phòng học chức năng để kê bàn ghế, thay thế cho cho các phòng học bị tốc mái chưa sửa chữa được. Với những điểm trường lẻ bị tốc mái, ngập lụt, trong thời gian chờ xin kinh phí để sửa chữa, sẽ chuyển HS về học ở điểm trường chính để bảo đảm khung thời gian năm học. 

Ông Hà Thanh Quốc khuyến nghị từ vụ sạt lở khu nhà công vụ của Trường Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My và khu nhà công vụ, nhà ở của HS Trường Tiểu học & THCS Phước Thành (huyện Phước Sơn), các trường học ở khu vực miền núi cần lưu ý quan sát những hiện tượng bất thường để có thể ứng phó kịp thời.

Trước đó, khi thấy dấu hiệu quả đồi phía sau dãy nhà công vụ của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My có hiện tượng đất trôi và nước chảy xuống, nhà trường huy động lực lượng di dời người, vật dụng thiết yếu sang khu vực trường học. Trong đêm đó, một khối lượng đất đá lớn từ quả đồi sạt xuống vùi lấp khoảng 1,5 - 2m xuống sát tường của dãy nhà công vụ 4 phòng, trong đó có 3 phòng gia đình, 1 phòng tập thể. Có một số vị trí tường đã bị lún, nứt. 

Chúng tôi xác định, thời điểm này, thầy cô giáo là chỗ dựa tinh thần duy nhất của các em nên sẽ theo dõi sát sao những diễn biến tình cảm của HS để có những động viên kịp thời. Thầy Bùi Ngọc Luận 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.