Số trường đạt chuẩn tăng
Bà Ngô Thúy Anh - Trưởng phòng, Phòng GDMN - TH (Sở GD&ĐT) cho biết: toàn tỉnh có 184 trường mầm non (giảm 2 trường công lập so với cuối năm học 2021 - 2022), 272 điểm trường, 2.135 nhóm, lớp với 63.229/90.346 trẻ địa bàn đến trường, nhóm, lớp (tính theo quy mô 64.495/90.346 trẻ)
Mạng lưới cơ sở GDMN trên địa bàn được quy hoạch, sắp xếp và đầu tư điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học. Số trường đạt chuẩn về cơ sở vật chất tăng 15 trường; Số trường đạt chuẩn quốc gia tăng 7 trường so với cuối năm học trước; Tăng số phòng học kiên cố 59 phòng, giảm số phòng học nhờ, mượn 14 phòng, xoá phòng học tạm
183/184 trường mầm non trong tỉnh đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đạt tỷ lệ 99,46%. Còn 1 trường, tỷ lệ 0,54% (Mầm non Minh Đức, huyện Tháp Mười) do ngưng hoạt động nên phòng GDĐT không đánh giá.
Tất cả cơ sở Giáo dục Mầm non (GDMN) đã triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non. Đặc biệt, tập trung vào nâng cao chất lượng thực hiện chương trình, đưa ra hướng phát triển Chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, với trẻ là trung tâm.
Thông qua các hoạt động giáo dục, như bài học thực tế và trò chơi phù hợp với nhận thức của trẻ, giáo viên đã hình thành và tổ chức rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cần thiết như kỹ năng tự lập, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thể hiện bản thân, kỹ năng bảo vệ bản thân, và tính kỷ luật.
Công tác tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em được thực hiện tốt; Công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được đẩy mạnh; Các chế độ chính sách được tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, đúng đối tượng theo quy định.
Hoạt động giáo dục tại trường MN Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) |
Đời sống giáo viên mầm non còn khó khăn
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được trong năm học vừa qua, ngành GD mầm non tỉnh vẫn còn những khó khăn, trong đó áp lực nhất là về thiếu giáo viên.
Nguyên nhân chủ yếu là do chế độ và chính sách về tiền lương đang tồn tại nhiều bất cập, với mức lương khởi điểm thấp, áp lực công việc ngày càng gia tăng, nhiều giáo viên mầm non xin việc nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội kinh tế ngoài ngành với thu nhập tốt hơn.
Chính sách đãi ngộ đối với giáo viên mầm non chưa thoả đáng so với các ngành nghề khác, đại bộ phận giáo viên mầm non có mức lương thấp, đời sống khó khăn.
Đồng thời, một phần giáo viên và viên chức do tuổi cao và sức khỏe suy giảm, đang gặp khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm, khiến họ xin nghỉ việc sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên năm học mới, Sở cũng chỉ đạo phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu giáo viên sau khi sắp xếp, sáp nhập trường lớp theo lộ trình từng năm để sử dụng, bố trí đội ngũ giáo viên đảm bảo hợp lý, tiết kiệm trong sử dụng biên chế.
Cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, cha mẹ học sinh về công tác đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu tuyển dụng, sử dụng.
Thực hiện tốt công tác phối hợp cá nhân, từng bộ phận, các ban ngành, địa phương; quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông để cộng đồng hiểu về tầm quan trọng của ngành học mầm non và cùng đồng hành để xây dựng ngành mầm non phát triển
Đồng thời phát huy khả năng, năng lực của hội đồng chuyên môn cấp tỉnh, huyện; cán bộ quản lí phải là người biết lắng nghe, đồng hành, truyền cảm hứng và thực hiện quản lí thật, dạy thật. học thật, chất lượng thật.