(GD&TĐ) - Quảng Ninh – một vùng đất được thiên nhiêu ưu đãi, với nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế xã hội. Tuy nhiên để thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu lớn của tỉnh đã đề ra thì việc phát triển giáo dục xứng tầm, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trở thành điều kiện tiên quyết. Điều đó cũng đồng nghĩa, ngành GD&ĐT Quảng Ninh đang gánh vác trên vai trọng trách lớn, đòi hỏi những quyết sách phù hợp, hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Thuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện cùng báo GD&TĐ.
+ Thưa ông, Quảng Ninh được biết đến như vùng đất phiên dậu của tổ quốc với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch… Vậy với ngành giáo dục, Quảng Ninh có những khó khăn và thuận lợi ra sao?
Ông Đỗ Văn Thuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh |
Không thể phủ nhận giáo dục Quảng Ninh có nhiều thuận lợi. Về cơ bản giáo dục đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các ngành, địa phương với mục đích sao cho phát triển GD&ĐT tương xứng với sự phát triển nền kinh tế đang được kỳ vọng và muốn đột phá… Cùng đó, giáo dục Quảng Ninh đến nay đã có được nền móng, sự chuẩn bị sau nhiều năm phấn đấu, đầu tư cho mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự đầu tư cho kiên cố hóa trường lớp, thiết bị dạy học. Mặt khác, kinh tế Quảng Ninh đang phát triển đã trở thành điều kiện quan trọng để xã hội, đoàn thể, gia đình quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của giáo dục và đào tạo.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức với giáo dục cũng không ít.
Giáo dục Quảng Ninh đang phải đối diện với mong muốn của xã hội: Làm sao để giáo dục phải phát triển nhanh hơn đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CHN - HĐH của tỉnh. Sự phát triển của giáo dục còn được đặt ra trong các nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ, của HĐND, trong các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chuẩn hóa kiến cố hóa trường chuẩn quốc gia… Đây thực sự là thách thức để ngành giáo dục phải đạt được mục tiêu đề ra.
Khó khăn khác, Quảng Ninh tuy được xác định là tỉnh có nhiều động lực, tiềm năng về kinh tế nhưng có nhiều vùng miền khác nhau. Vùng hải đảo, biên giới, vùng dân tộc chiếm tới 8/14 đơn vị hành chính cấp huyện là những khu vực khó khăn. Vì vậy phát triển giáo dục gặp nhiều trở ngại, không đồng đều. Vùng thuận lợi phải gánh hộ cho vùng không thuận lợi.
Ngoài ra, vị trí địa lý Quảng Ninh nằm ở cực Đông Bắc, không phải là vị trí trung tâm, giao lưu giữa các vùng nên việc giao lưu, thu hút các nguồn lực, đầu tư đến các trường học, cơ sở giáo dục cũng không được dễ dàng…
+ Được biết, giáo dục ở các huyện và xã vùng hải đảo ở Quảng Ninh còn gặp nhiều khó khăn. Vậy những chính sách giáo dục riêng nào đã được Quảng Ninh áp dụng để thúc đẩy?
Trước và nay chúng tôi rất quan tâm đến phát triển hệ thống mạng lưới trường lớp ở các xã, huyện vùng đảo. Ở những nơi này việc đi lại khó khăn do bị chia cắt nên hệ thống trường lớp được ưu tiên thành lập đến từng đảo riêng. Bên cạnh đó, ở mỗi vùng, mỗi trường cũng quan tâm hỗ trợ cho học sinh học bán trú riêng trên đảo. Tại đảo Quan Lạn – Minh Châu mặc dù chỉ có hai xã nhưng cũng bố trí một trường THPT để học sinh không phải đi lại xa. Hay ở huyện Vân Đồn trường THPT ngoài việc tiếp nhận học sinh bình thường đến học thì còn có chế độ nội trú cho học sinh hải đảo học THPT. Ở huyện đảo Cô Tô với chỉ ba đơn vị hành chính cấp xã nhưng được đầu tư kinh phí tới 60 tỷ đồng để xây dựng trường THPT hiện đại phục vụ học sinh học tập, ăn ở nội trú. Ngoài ra, ở tất cả các xã đảo đều có hệ thống trường lớp phủ kín từ mầm non đến TH, THCS, THPT.
Đối với đồng bào sinh sống không định cư trên Vịnh Hạ Long những năm qua ngành giáo dục cũng có giải pháp: tổ chức lớp học nổi trên biển cho học sinh tiểu học và có chế độ chính sách, ưu tiên cho giáo viên tình nguyện, giáo viên được phân công ra giảng dạy. Không những thế ở những nơi này còn nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ trang thiết bị dạy và học (cung cấp hệ thống pin mặt trời, nước ngọt, học phẩm học tập). Với những học sinh tiểu học sau khi hoàn thành chương trình cũng được đưa lên bờ để học tại các lớp bán trú thuộc các xã ven biển…
Tuy nhiên, giải pháp đó chỉ mang tính tạm thời. Trong chiến lược đang thực hiện (hoàn thành trước năm 2015), sẽ đưa đồng bào làm ăn không định cư trên Vịnh tái định cư trên đất liền, sẽ ưu đãi nhà ở, các công trình phúc lợi cho những người làm ăn, giúp người dân được đảm bảo quyền lợi tốt nhất về giáo dục đồng thời góp phần làm cho môi trường Vịnh Hạ Long trong sạch hơn.
Niềm vui tới trường/Nguồn: Internet |
+ Đào tạo mũi nhọn cũng là thế mạnh của giáo dục Quảng Ninh. Vậy chiến lược và lộ trình thực hiện đã được đề ra thế nào, thưa ông?
Ngày GD&ĐT đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho tỉnh để phục vụ CNH - HĐH như mục tiêu đã đề ra. Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bằng nhiều cách.
Đối với giáo dục phổ thông, vấn đề đầu tư chung cho toàn bộ ngành là chiến lược. Tuy nhiên sẽ không làm dàn trải hết các trường mà trước mắt tập trung đầu tư cho hệ thống các trường trọng điểm chất lượng cao ở các cấp học và ngành học… Các trường chuyên THPT hoạt động theo các điều lệ của Bộ GD&ĐT nhưng các trường trọng điểm ở các cấp thấp hơn có sự đầu tư ưu tiên để tạo nguồn cho cấp cao hơn.
Ở cấp mầm non, cũng xác định trong hệ thống chung để công lập hóa các trường mầm non phục vụ mục tiêu phổ cập GDMN. Mỗi một huyện có ít nhất một trường mầm non được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ tốt hơn so với các trường khác để làm khuôn mẫu cho các trường khác phấn đấu, học tập, rút kinh nghiệm. Ở cấp TH, THCS đã trao đổi học tập kinh nghiệm của Bắc Ninh, vẫn giữ đầu tư cơ sở vật chất, chế độ chính sách riêng của tỉnh cho giáo viên các trường trọng điểm chất lượng cao... Đối với khối THPT, trong những năm qua, đã đầu tư trường chuyên Hạ Long lớn hơn gấp nhiều lần. Việc đầu tư cho trường chuyên Hạ Long cũng nhằm tạo nguồn học sinh vào các trường ĐH, CĐ…
Đặc biệt, vừa qua việc xây dựng chính sách cho giáo viên và học sinh đạt giải cấp tỉnh, giải quốc gia, giáo viên có công phát hiện bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia cũng được thưởng theo số lượng học sinh của mình đạt giải… đã tạo đà cho sự phát triển của trường chuyên.
Chúng tôi luôn xác định, nguồn học sinh khá tốt nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên vẫn là hàng đầu để tương xứng với đào tạo, bồi dương, phát hiện học sinh ở tầm cao hơn thì cần phải có sự đào tạo. Tỉnh đã gửi liên kết đào tạo giáo viên với ĐHQG Hà Nội; khối chuyên ĐH KHTN và khối chuyên ĐHSP Hà Nội để quay về giảng dạy. Ngoài ra cũng đang kết nối các với các trường ĐH để xác định số sinh viên của Quảng Ninh có học lực loại giỏi ở các ngành, các học sinh giỏi ở các trường phổ thông… sau khi ký cam kết với tỉnh, sẽ có quỹ để đầu tư cho các học sinh này.
+ Điều mong muốn nhất của ông cho giáo dục Quảng Ninh thời gian tới là gì, thưa ông?
Đối với giáo dục Quảng Ninh, điều mong muốn nhất là xây dựng cho vùng đất Quảng Ninh một truyền thống, đặc thù để tiếp thu được tinh hoa truyền thống của vùng đồng bằng bắc bộ; khu vực chiến khu cách mạng… Từ đó biến Quảng Ninh thành một vùng đất học. Giáo dục vùng mỏ xây dựng được thương hiệu và phát triển tương xứng với đặc điểm của một vùng đất phiên dậu, huyệt thiêng của tổ quốc.
+ Xin cám ơn ông!
Năm học 2013 – 2014, giáo dục Quảng Ninh sẽ tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính giáo dục. Xây dựng trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu năm 2014 có 65% trường học các cấp được công nhận đạt chuẩn; nâng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa lên 95%. Tiếp tục trang cấp đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho giáo dục mầm non, thiết bị dạy học đặc thù cho các cấp học; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục… |
Nhóm PV