Giáo dục Hà Nội sau 5 năm mở rộng: Chủ động phát triển giáo dục vùng nông thôn

Giáo dục Hà Nội sau 5 năm mở rộng: Chủ động phát triển giáo dục vùng nông thôn

(GD&TĐ) - Địa bàn quản lý tăng thêm 3,6 lần  với 2.302 trường, trên 1,3 triệu học sinh, số giáo viên còn thiếu... là những khó khăn mà ngành GD Hà Nội gặp phải trong những ngày đầu hợp nhất. Sau 5 năm hợp nhất, khoảng cách về chất lượng giáo dục, trình độ đội ngũ, cơ sở vật chất giữa Hà Nội mới và cũ đã từng bước xóa nhòa.

Trường học “phủ sóng” đến từng xã, phường

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, Hà Nội có quy mô lớn hàng đầu cả nước với 2.486 cơ sở giáo dục (tăng 183 cơ sở giáo dục so với đầu năm học 2008 - 2009), bao gồm 2081 trường công lập và 405 trường ngoài công lập với 1.532.961 học sinh của các cấp học tăng gần 200.000 học sinh các cấp so với đầu năm học 2008 - 2009.

Theo ông Ngô Văn Quý, GĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, thành phố xác định phát triển hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia được coi là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy, số trường đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội có bước phát triển đáng kể. Đến  nay, toàn thành phố đã có 768 trường học được kiểm tra, thẩm định, đủ điều kiện để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 32,1%, tăng 339 trường so với năm 2008.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học trong các trường học được cải thiện rõ rệt theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. Ông Quý cho biết: Hà Nội đã cơ bản xóa phòng học tạm, phòng học nhờ, cấp 4 xuống cấp, xây mới để thay thế được hơn 6.500 phòng học, với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng, làm cho diện mạo các nhà trường ở Hà Nội ngày càng thay đổi, rút ngắn khoảng cách về cơ sở vật chất giữa các trường trong toàn thành phố.

Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trên toàn thành phố đang thu hẹp. Ảnh: Thanh Tùng
Khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng trên toàn thành phố đang thu hẹp. Ảnh: Thanh Tùng

Nâng cao chất lượng GD: Bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo

Khoảng cách về trình độ, thu nhập giữa Hà Nội mới - cũ là vấn đề “nóng” của ngành sau hợp nhất. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, xác định đội ngũ nhà giáo là yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục nên thành phố đã dành một khoản kinh phí lớn cho công tác đào tạo bồi dưỡng hàng năm. Với nguồn kinh phí từ 8,4 tỷ năm 2008 lên 20 tỷ năm 2012, trong 5 năm qua đã có trên 150.000 lượt CBQL và giáo viên trong ngành được tham dự các lớp đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Giáo viên không chỉ được bồi dưỡng nâng cao trình độ mà đời sống cũng có sự thay đổi nhờ các chính sách về lương. Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) chia sẻ: Những quy định về lương, bảo hiểm, phụ cấp cho giáo viên mầm non như “làn gió mát” thổi vào mảnh đất vốn khô cằn, giúp giáo viên đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác, yêu nghề mến trẻ hơn.

- Từ năm học 2008 - 2009 đến nay, thành phố đã có thêm 7.841 phòng học văn hóa, 2.296 phòng học bộ môn; xây dựng mới 11.148 phòng học văn hóa, 1.071 phòng học bộ môn (trong đó xây mới thay thế 5.523 phòng học tạm và cấp 4 xuống cấp) của các cấp học. 100% trường học đã có thư viện. Chương trình chiếu sáng học đường, vệ sinh nước sạch  đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

- Đến hết năm 2012, có 467/577 xã, phường, thị trấn; 13/29 quận huyện  hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và thành phố sẽ hoàn thành phổ cập trong năm 2013.

La Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ