"Giáo dục giới tính không sâu sát, học sinh trả giá đắt cả cuộc đời"

Học sinh tuổi teen lên chức cha mẹ là câu chuyện buồn đang xảy ra, trong đó có một phần trách nhiệm của nhà trường và gia đình vì không sâu sát trong việc giáo dục con cái.

"Giáo dục giới tính không sâu sát, học sinh trả giá đắt cả cuộc đời"

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho biết ông sững sờ khi theo dõi thông tin nam sinh lớp 10 ở Phú Thọ làm bạn gái mang thai.

Ông cho rằng đây không phải câu chuyện mới mẻ nên nhiều người dễ dàng tặc lưỡi cho qua. Nhưng với chính hai em này, đó là cú vấp đầu đời rất lớn và hậu quả để lại quá rõ ràng, ảnh hưởng lâu dài về sau.

Từ câu chuyện này, hồi chuông cảnh báo về những lỗ hổng trong việc giáo dục một đứa trẻ, một lần nữa được nêu ra, cả với phía gia đình, nhà trường.

"Dù việc làm của hai em không vi phạm pháp luật, rõ ràng, cả hai đã có bước đi rất dài trong cuộc đời so với tuổi đời của các em. Bước đi này, nhà trường đã không kiểm soát được. Tuy không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường, chúng ta nhận thấy công tác giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản đã được triển khai nhưng chưa trúng, chưa tới. Chúng ta làm không tới thì chính học sinh là người trả giá, lãnh hậu quả", ông Phú nói.

"Giáo dục giới tính không sâu sát, học sinh trả giá đắt cả cuộc đời" ảnh 1
Các chuyên đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh ở nhiều trường vẫn chưa hấp dẫn, chưa mang lại hiệu quả. Ảnh: Minh Hoàng.

Theo hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, có thể thầy cô dạy những chuyên đề này không nói kỹ, không nói hết thế nào là tình dục an toàn, cách phòng tránh thai khi quan hệ tình dục, hậu quả của sinh đẻ ở tuổi vị thành niên.

Nhiều thầy cô sợ "vẽ đường cho hưu chạy" nhưng chính vì thế mà nhiều em chạy nhầm đường. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, giáo viên còn ngần ngại hoặc không đầu tư cho các chuyên đề này.

"Tâm sinh lý của học sinh lớp 9, 10 ngày nay khác xưa rất nhiều. Chế độ dinh dưỡng cũng khác 20-30 năm về trước. Các em cũng tiếp xúc hàng ngày với nhiều thông tin tràn lan trên mạng, trong đó có cả phim ảnh, chuyện về quan hệ tình dục.

Lứa tuổi teen lại hay tò mò làm thử. Có thể nói, cách giáo dục giới tính của chúng ta vẫn dậm chân tại chỗ, vừa cũ vừa chán trong khi học sinh đã phát triển, tự tìm hiểu, tò mò hơn trước rất nhiều", thầy Phú phân tích.

Thầy giáo này cho rằng đây cũng là dịp để các trường nhìn lại công tác giáo dục giới tính của mình. Thầy cô phải đầu tư hình ảnh, tư liệu, số liệu, phim ảnh, hoạt động để hấp dẫn, làm cho các em hiểu về quan hệ tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản.

"Vấn đề bây giờ không phải là đổ lỗi cho trường hay cho cha mẹ mà làm sao để giúp đỡ các em, hạn chế ảnh hưởng. Nên động viên nam sinh kia tiếp tục đi học, nữ sinh kia thì cũng nên đi học sau khi ổn định sức khỏe sau sinh. Cả nhà trường và gia đình nên ngồi lại để cùng tìm cách hỗ trợ các em trước khi nghĩ đến những vấn đề khác", thầy Phú cho ý kiến.

Chia sẻ quan điểm trên, cô Thảo Vân, giáo viên cấp ba tại TP.HCM, cũng cho rằng cha mẹ nên thẳng thắn nhìn vào trách nhiệm của mình. Phụ huynh cũng nên tự hỏi mình đã thực sự làm bạn với con, hiểu được tâm, sinh lý của con, dạy con về những cách phòng tránh thai an toàn khi quan hệ tình dục hay chưa. Đừng để vì giáo dục giới tính không sâu sát mà nhiều học sinh phải trả giá đắt cả cuộc đời.

Theo zing.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ