Giáo dục giá trị sống giữ vai trò quan trọng

Giáo dục giá trị sống giữ vai trò quan trọng

Tăng cường dạy giá trị sống

Nói về hành trình nhiều năm để xây dựng một mô hình trường học hạnh phúc, thầy Nguyễn Văn Hòa, người sáng lập Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Tôi và đội ngũ cán bộ quản lý Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng vấp phải vấn đề áp lực lên thầy cô, bạo lực học đường. Những chuyện ấy làm xói mòn sức khỏe, niềm tin của tôi và các thầy cô giáo, niềm tin của cha mẹ học sinh.

Từ việc đưa giá trị sống vào dạy học và các hoạt động giáo dục trong nhà trường, đưa khoa học tâm lý vào các hoạt động giáo dục, công tác chủ nhiệm, đồng thời nâng cao công tác chủ nhiệm lên một tầm mới - Nét đẹp văn hóa, nghệ thuật giáo dục tầm cao, đưa xây dựng văn hóa trường học vào đời sống của nhà trường.

Ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc tổ chức giáo dục đạo đức, dạy học sinh nên người có nhiều thay đổi. Tôi quan niệm giáo dục đạo đức phải bắt đầu từ quan niệm mục tiêu giáo dục. Dạy học ở trường phổ thông là dạy học sinh nên người. Đã là giáo dục học sinh nên người, giáo dục hình thành nhân cách thì phải giáo dục đạo đức thông qua tất cả các môn học, môn văn hóa, hoạt động giáo dục và đích đến cuối cùng là giáo dục con người.

Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức dạy đạo đức không chỉ trong các môn khoa học, mà còn thông qua các hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm, hoạt động xã hội, thiện nguyện, đền ơn đáp nghĩa để học sinh cảm nhận được khó khăn của người khác, biết yêu thương, chia sẻ và ý thức được tuổi trẻ cần đóng góp gì cho xã hội và sự phát triển chung của cộng đồng, để sống văn minh hơn, hạnh phúc hơn.

Các hoạt động này được tổ chức thường xuyên trong chương trình của nhà trường hàng tuần, hàng tháng và suốt cả năm học, lôi cuốn tất cả học sinh tham gia, làm cho học sinh cảm thấy hạnh phúc, thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Qua đó các con học tập tốt hơn, học để thành người có ích chứ không nhằm đến mục đích thi cử.

Nhiều năm nay, giáo dục giá trị sống – kỹ năng sống đã được nhà trường đưa vào thời khóa biểu, coi đó là hoạt động bổ sung trong chương trình bán trú từ lớp 1 đến lớp 12. Nhà trường cũng áp dụng phương pháp giáo dục phát huy tính tự nhận thức của con người, phát huy khả năng và ý thức tự giác của con người chứ không phải giáo huấn, ép buộc, là kích thích tiềm năng, giá trị nằm trong mỗi con người, đưa những giá trị và kỹ năng đó vào cuộc sống để làm cho học sinh thay đổi.

Thầy Hòa khẳng định: “Giáo dục đạo đức của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm là giáo dục ước mơ, lối sống, ý chí lập thân lập nghiệp ngay từ khi còn học ở trường phổ thông. Ở thế hệ chúng tôi cách đây 56 - 60 năm, tuổi trẻ có thể và sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình để cống hiến cho đất nước. Tôi nghĩ giáo dục đạo đức thời kỳ đó là tuyệt vời, có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thực sự, đó là thành công của giáo dục lý tưởng sống”.

Thầy Nguyễn Văn Hòa
 Thầy Nguyễn Văn Hòa

Gieo ước mơ, thu về hạnh phúc

Theo thầy Hòa, khái niệm “lý tưởng sống” ngày nay vẫn tồn tại. Tuy vậy, với học sinh ngày nay, cần giáo dục ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ, nó gắn với bản thân con người chứ không chỉ là hi sinh cho đất nước, cho cái gì đó rất cao xa. Ước mơ tạo ra lối sống phù hợp để thực hiện được ước mơ. Cho nên giáo dục ước mơ cần gắn với giáo dục lối sống, giáo dục ý thức lập thân lập nghiệp.

Thầy Hòa chia sẻ: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có chương trình giáo dục đạo đức ngay từ lớp 1 đến tận lớp 12, các thầy cô giáo luôn khuyến khích học sinh có ước mơ, hoài bão, tích cực khám phá bản thân, phát huy tiềm năng, khả năng nổi trội của mỗi học trò.

Khi các con tích cực tham gia các hoạt động xã hội, chăm chỉ lao động học tập, những tiêu cực sẽ giảm dần, tích cực sẽ lấn át tiêu cực. Cách giáo dục đạo đức của chúng tôi không mang tính giáo huấn, áp đặt, không dạy các bài học giáo dục đạo đức khô cứng mà bằng những câu chuyện, những việc làm thực tế.

Giáo dục đạo đức của chúng tôi là xây dựng văn hóa nhà trường, giáo dục văn hóa ứng xử, không phải đưa ra các quy tắc bắt học sinh phải thực hiện mà giáo dục phải xuất phát từ giá trị sống và giáo dục đạo đức. Để giáo dục giá trị sống và giáo dục đạo đức có hiệu quả, chúng tôi đưa tâm lý học đường và lồng ghép trong các hoạt động giáo dục.

Khẳng định tâm lý học là cơ sở của mọi hoạt động giáo dục, thầy Hòa cho rằng nếu không coi trọng khoa học tâm lý, chúng ta đã đánh mất đi giá trị cơ bản nhất của giáo dục. Bởi vậy, việc giáo dục phải xuất phát từ tâm lý con người, đi đúng tâm lý con người theo cách phát huy những mặt tích cực của bản thân, làm con người tự giác thay đổi để trở thành con người văn hóa, văn minh.

Nhờ kiên trì giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống, coi trọng mục tiêu giáo dục vì sự nghiệp phát triển con người và vì con người mà trong 26 năm nay, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm trở thành ngôi trường mà học sinh, cha mẹ học sinh đều gọi là trường học hạnh phúc. Mọi học sinh đều được chăm lo giáo dục, đều tiến bộ, nên người và cùng tự hào về ngôi trường đã dạy mình nên người. Những con người có đạo đức, có ý chí bản thân và thành công trong cuộc sống.

Xây dựng văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay và đó là nét khác biệt: Trường học thân thiện, thầy cô thay đổi. Khi tạo ra được bầu không khí hạnh phúc, hàng ngày học sinh tự lực vui vẻ, hết mình phấn đấu rèn luyện để trở thành con người tốt.                                                                 Thầy Nguyễn Văn Hòa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.