Vai trò trong xã hội hiện đại
Theo bà Stafania Gianini, trong thời đại này, sự cạnh tranh về vốn nhân lực giữa các quốc gia nói chung và giữa các trường ĐH nói riêng ngày càng gia tăng. Những quốc gia giàu có, đủ khả năng thu hút nhân lực chất lượng cao và nhất là mở ra cơ hội, điều kiện cho họ thể hiện và phát triển năng lực, sẽ dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh không khoan nhượng này. Tương tự, những trường ĐH danh tiếng, có uy tín về chất lượng đào tạo sẽ thu hút những người học có tiềm năng nhất, cũng như được các doanh nghiệp hàng đầu đặt hàng (về nguồn nhân lực hay hỗ trợ tạo nguồn nhân lực).
Tuy vậy, cơ hội không phải là đã cạn với phần còn lại vốn ở thế yếu. Các quốc gia này cũng sẽ phải chú trọng xây dựng một xã hội hòa nhập hơn, một hệ thống GD ĐH lớn mạnh hơn và mở rộng cho tất cả những ai có nhu cầu học tập. Một đất nước có hệ thống GD ĐH phát triển có thể góp phần giảm bớt căng thẳng xã hội, giúp mọi người khoan dung nhân ái hơn, đồng thời tăng hiểu biết cho người dân về các nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ khác nhau - điều mà rất khó đặt được ở các cấp học của GD phổ thông.
Bà Gianini nêu rõ, UNESCO với tư cách là tổ chức quốc tế hàng đầu của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực GD, khoa học và văn hóa, có thể phải gặp nhiều trở ngại cam go trong bối cảnh khó khăn và phức tạp hiện nay, khi mà sự phản đối về đa phương hóa và toàn cầu hóa ngày càng gia tăng. Dù vậy, với trọng trách được giao là góp phần xây dựng một nền hòa bình, thịnh vượng và trí tuệ cho nhân loại, UNESCO vẫn còn nhiều giải pháp để cung cấp nguồn lực và thúc đẩy GD, khoa học và văn hóa cho toàn cầu.
|
Chất lượng là chìa khóa để tồn tại
Nhắc lại bài phát biểu của mình trong lễ kỷ niệm 70 năm Tuyên ngôn Nhân quyền (diễn ra hồi tháng 8/2018), bà Gianini nhấn mạnh rằng GD ĐH là một quyền cơ bản của con người và hơn bao giờ hết, GD ĐH ngày nay đang là cơ sở hạ tầng chính, thiết yếu và ban đầu để có thể xây dựng một xã hội phát triển bền vững và toàn diện.
Nói rõ hơn, GD ĐH có vai trò tuyến đầu trong việc tìm hiểu và tìm giải pháp cho những thách thức ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, kể cả trong khía cạnh đạo đức của họ. Các tổ chức GD ĐH là một trong những tác nhân thúc đẩy sự phát triển của xã hội, để từ đó thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chúng liên kết chặt chẽ với nhau để định hình cấu trúc kinh tế, xã hội và môi trường mỗi quốc gia hay của cả thế giới.
Giám đốc GD của UNESCO cho rằng đang có một cuộc cách mạng diễn ra trong GD ĐH và rằng UNESCO là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có trọng trách trong lĩnh vực này, có trách nhiệm hướng dẫn các quốc gia tránh được những sai lầm, hoặc sửa chữa các sai lầm đó, để giúp mọi người học được hòa nhập trong một môi trường học tập phù hợp và hiệu quả.
Nhấn mạnh việc đảm bảo chất lượng là chìa khóa để tồn tại của một trường ĐH hay cả hệ thống GD ĐH, bà Gianini cho rằng, cuộc cách mạng đang diễn ra trong GD ĐH phản ánh việc thúc đẩy toàn cầu hóa, thay đổi số lượng người học và bước tiến bộ nhảy vọt trong công nghệ đang biến đổi sâu sắc cách chúng ta sống, làm việc và học hỏi, thậm chí làm mờ ranh giới của con người.
Bà Gianini lưu ý, mặc dù có truyền thống xuất sắc ở một số trường ĐH lâu đời, nhưng thách thức của mọi trường ĐH ngày nay là cung cấp các chương trình chất lượng cao, đáp ứng mong đợi của người học, truyền cảm hứng cho họ sáng tạo, cởi mở và đổi mới. Điều đó đòi hỏi vai trò quan trọng của những nhà tư tưởng với tham vọng lớn và kiến thức vững chắc, để vượt qua những thách thức phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau của thời đại này.
“Chúng ta cần xây dựng các hệ thống GD ĐH chất lượng, luôn mở rộng cửa để ai có nhu cầu cũng có thể tham gia vào. Nhưng đó phải là những hệ thống có trách nhiệm và sẵn sàng chịu trách nhiệm: Đảm bảo về chất lượng GD mà mình cung cấp” - bà Gianini nêu rõ.