Quyền lựa chọn của người học
Theo lãnh đạo các trường ĐH Anh, nền kinh tế Anh sẽ thiệt hại ít nhất khoảng 26 tỷ bảng mỗi năm nếu không có các SV nước ngoài. Nguồn tiền này chắc chắn sẽ đổ sang các quốc gia khác đang thu hút nhiều du HS như Mỹ, Canada và Úc.
Nghiên cứu cho thấy, nước Úc đã vượt qua Vương quốc Anh như là điểm đến lớn thứ hai cho SV nước ngoài tại các quốc gia phương Tây. Trong khi đó, chính phủ Anh lại đặt giới hạn cho phép đối với số lượng SV quốc tế được ở lại sau khi học xong cũng như cơ hội tiếp cận việc làm.
Vào tháng 8 vừa qua, Ủy ban Tư vấn di trú đã đưa ra lời khuyên độc lập của chính phủ về nhập cư, đồng thời cũng là báo cáo về tác động của SV quốc tế - hiện được tính là những người bên ngoài Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu. Theo đó, SV quốc tế bị ràng buộc bởi các quy định khá chặt chẽ về di trú, sau khi Anh hoàn tất quá trình rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).
Lãnh đạo các trường ĐH hàng đầu của Anh đang tranh luận về cần có một thông điệp mở rộng hơn, bằng cách cho SV quốc tế quyền ở lại và làm việc tại Anh khi họ hoàn thành khóa học của mình – điều vốn được phép trước khi có những thay đổi để xiết lại, bắt đầu từ năm 2012.
Hiện các quốc gia hàng đầu như Mỹ, Úc và Canada vẫn cho phép SV quốc tế ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Theo các lãnh đạo của những trường ĐH hàng đầu nước Anh, kết quả khảo sát của họ cho thấy đối với người học đến từ các quốc gia như Ấn Độ, việc được lưu trú để làm việc sau tốt nghiệp là một trong những điểm nhấn quan trọng để người học lựa chọn quốc gia nào mình sẽ theo học.
Kiến nghị đang được đưa ra với chính phủ là có thể cho SV ở lại Anh sau khi tốt nghiệp; nhưng có những ngưỡng về số lượng SV tốt nghiệp phải kiếm việc làm, trong khoảng thời gian bao nhiêu lâu khi có bằng và thu nhập ở mức nào. Tức là, các quy định về lưu trú sau tốt nghiệp cho SV quốc tế cần cởi mở hơn so với hiện nay.
Sự bảo thủ khó hiểu
Giáo sư - Sir Steve Smith, thuộc Trường ĐH Anh, cho biết Vương quốc Anh đã “bỏ lỡ” cơ hội thu hút sinh viên quốc tế trong giai đoạn toàn cầu hóa này. Nguyên nhân đến từ việc chính phủ đã xóa quyền làm việc của lưu HS, sau khi tuyên bố rằng SV nước ngoài đã ở lại quá mức và sử dụng thị thực du học như là một con đường cửa sau để phục vụ cho mục tiêu định cư. Thế nhưng Sir Steve khẳng định đó là nhận định vô căn cứ và dữ liệu mới nhất cho thấy, 98% SV nước ngoài tuân thủ các yêu cầu về thị thực của họ.
Không chỉ là sự mất mát tài chính, việc ngăn cản SV nước ngoài có cơ hội được trải nghiệm ở Anh sau khi học xong còn gây nguy cơ “thiệt hại dài hạn bất thường” về sự suy giảm ảnh hướng quốc tế cũng như thu hẹp nguồn tuyển dụng tài năng quốc tế cho nghiên cứu của Anh. Theo Sir Steve, sau Brexit, nước Anh sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với các công nhân lành nghề và đáng lẽ chính phủ phải mở rộng cánh cửa quốc tế thì họ lại đang làm ngược lại. Sir Steve cho rằng, đó là sự bảo thủ khó hiểu.
Các thống kê mới nhất cho thấy, tổng số SV quốc tế đến Vương quốc Anh chỉ tăng 3% trong thập kỷ qua - trong khi Mỹ tăng 40%, Úc 45% và Canada 57%. Một nghiên cứu từ Đại học College London vào tháng Bảy cho thấy rằng, vị trí lâu đời của Vương quốc Anh là nhà tuyển dụng quốc tế lớn thứ hai, sau Mỹ, đã bị mất vào tay nước Úc. Các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng khan hiếm nhân lực, đặc biệt là chỉ vài tháng nữa, nguồn nhân lực từ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu sẽ trở thành người ngoại quốc, sau khi Anh hoàn thành Brexit.
Trung Quốc là nơi cung cấp nguồn SV quốc tế lớn nhất ở Anh hiện nay, với khoảng 95.000 SV. Có khoảng 17.000 SV đến từ Ấn Độ - nhưng các trường ĐH Anh cho biết, con số này đã giảm đi một nửa trong 5 năm qua. Các trường ĐH hàng đầu của Anh cũng cho biết chi tiêu của SV nước ngoài hỗ trợ hơn 200.000 việc làm - với tác động kinh tế, qua chi phí học tập, chi phí đi lại và sinh hoạt trị giá 25,8 tỷ bảng, bao gồm 1 tỷ bảng doanh thu thuế.