Giáo dục - Đào tạo năm 2022: Tự tin tiến về phía trước

GD&TĐ - Dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song bức tranh giáo dục - đào tạo trong năm 2021 có nhiều điểm sáng.

Chuyển động tích cực trong đổi mới giáo dục thể hiện rõ qua việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Ảnh minh họa
Chuyển động tích cực trong đổi mới giáo dục thể hiện rõ qua việc triển khai Chương trình GDPT năm 2018. Ảnh minh họa

Đây là tiền đề để chúng ta tin tưởng, ngành Giáo dục sẽ có những bứt phá với nhiều bước tiến mới trong năm 2022.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam): Chuyển động tích cực

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ.

Năm 2021, giáo dục đại học có sự chuyển động tích cực. Toàn hệ thống đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo, xây dựng các nguồn tài nguyên mở nhằm thích ứng với công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với đại dịch. Có thể thấy, giáo dục đại học ngày càng nâng cao tính hội nhập và quốc tế hóa; đồng thời đã gắn kết mạnh mẽ hơn với nghiên cứu khoa học; công bố quốc tế tiếp tục gia tăng mạnh mẽ về số lượng và dần cải thiện chất lượng; thứ hạng của các trường đại học Việt Nam trên các bảng xếp hạng khu vực và thế giới được duy trì và cải thiện như: THE, QS, ARWU…

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ; đặc biệt là chủ động trong việc phối hợp với doanh nghiệp để triển khai hoạt động đào tạo. Do đó, chất lượng đào tạo được nâng cao… tạo nên những kết quả đáng khích lệ cho giáo dục đại học.

Đặc biệt, nếu như trước đây, tự chủ đại học còn mới mẻ ở Việt Nam, thì nay nhà trường đã nhanh chóng thích ứng, thay đổi định hướng đào tạo ở các hệ khác nhau; quy mô đào tạo chính quy đại trà có chiều hướng giảm trong khi quy mô đào tạo chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh.

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ động dừng và loại bỏ các ngành đào tạo không phù hợp; đồng thời mở thêm nhiều ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Dưới tác động của làn sóng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà cốt lõi là chuyển đổi số; tôi cho rằng, tới đây, giáo dục đại học tiếp tục phải đổi mới mạnh mẽ.

Đây là yếu tố quan trọng nên cần được nghiên cứu, phân tích, nhìn nhận thấu đáo. Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục xác định quan điểm, định hướng phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045 mà Bộ GD&ĐT được giao chủ trì xây dựng.

Giáo dục miền núi từng bước phát triển vững chắc. Ảnh minh họa
Giáo dục miền núi từng bước phát triển vững chắc. Ảnh minh họa

Tôi mong muốn, ngành Giáo dục cần thực hiện một trong ba đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng...

Cùng với đó là các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, ngành Giáo dục cần thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục, đào tạo, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển, phương thức đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành; triển khai kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp cơ sở dữ liệu ngành vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh dạy học trực tuyến; phát triển kho học liệu số toàn ngành.

Tiếp tục rà soát và bảo đảm các điều kiện thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình, thực hiện kiện toàn Hội đồng trường theo thời hạn quy định. Tăng cường kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Luật Giáo dục Đại học. Cùng với đó, phát triển các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực và thế giới, để thu hút số sinh viên có nhu cầu và điều kiện du học ở nước ngoài về học tập trong nước.

Mặt khác, cử tri mong muốn, ngành Giáo dục cần rà soát các vấn đề giáo dục, đào tạo trong toàn ngành để chủ động chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập. Kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại cơ sở giáo dục, đặc biệt là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hoặc những vấn đề nóng mà dư luận xã hội quan tâm. 

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị): Mong ngành Giáo dục có nhiều bứt phá

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh.
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh.

Tôi ấn tượng và hoan nghênh những nỗ lực của ngành Giáo dục trong năm 2021. Toàn ngành đã chủ động, linh hoạt thích ứng với đại dịch Covid-19 và hoàn thành tốt mục tiêu kép.

Điều đáng ghi nhận, ở những vùng khó khăn, nhiều thầy cô tổ chức xây dựng video clip các bài giảng gửi lên YouTube, Zalo, Facebook và các ứng dụng khác để việc học của học sinh không bị gián đoạn. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở nhiều địa phương nhưng hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ.

Nhiều địa phương, cơ sở giáo dục áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục mới, góp phần hoàn thành nhiệm vụ dạy - học; tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Giáo dục. Qua đó cho thấy, ngành Giáo dục không chỉ nỗ lực, mà còn có sức “chịu đựng”, biến nguy thành cơ trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Cũng trong năm 2021, trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt. Kỳ thi diễn ra thành công trên mọi phương diện, đáp ứng được mục tiêu kép. Thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Qua đó khẳng định thành quả của quá trình đổi mới tổ chức kỳ thi cũng như những nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua.

Với những thành công trong năm 2021, tôi kỳ vọng và tin tưởng rằng, năm 2022 và những năm tiếp theo, ngành Giáo dục tiếp tục có những bước tiến mới, với những bứt phá để mang lại nhiều thành công mới. Muốn vậy, việc đầu tiên cần làm là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết

29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trước mắt, là triển khai thành công Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

TS Trịnh Ngọc Thạch – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội: Hướng đi đúng của giáo dục

TS Trịnh Ngọc Thạch.
TS Trịnh Ngọc Thạch.

Thời gian qua, ngành Giáo dục đã và đang cụ thể hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng, từng bước đưa nghị quyết vào cuộc sống; trong đó có Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Mặc dù, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhưng về tổng thể, giáo dục và đào tạo nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực, khẳng định vị thế quan trọng dẫu rằng phía trước còn rất nhiều việc phải làm, đổi mới. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên ở tất cả cấp học. Một số trường đại học đã cải thiện vị trí xếp hạng trong bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Học sinh của chúng ta đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam, được bạn bè quốc tế ghi nhận và được toàn xã hội đánh giá cao.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng nặng nề... Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 bùng phát, với sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến cả nước nói chung và ngành Giáo dục nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đảng, Nhà nước và Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ những vất vả, khó khăn của cả ngành Giáo dục, của hơn 24 triệu học sinh, sinh viên.

Thẳng thắn mà nói, “Lửa thử vàng - Gian nan thử sức” hay “Trong cái khó ló cái khôn”. Đại dịch Covid-19 là cú hích để ngành Giáo dục thay đổi tư duy quản lý, phát huy sự sáng tạo trong mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và toàn ngành Giáo dục, nâng cao khả năng thích ứng với hoàn cảnh mới và là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới trong giáo dục.

Có thể nói, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến đâu, ngành Giáo dục mà trong đó các thầy cô giáo chính là lực lượng nòng cốt đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi sang phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Nhiều thầy cô đã phát huy sáng tạo tìm mọi cách để đưa bài học, kiến thức đến với học trò.

Ngành Giáo dục đã và đang triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới (năm học này áp dụng đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6). Đây là lần đổi mới quan trọng, chuyển từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của cá nhân. Do đó, đổi mới lần này có thành công hay không phụ thuộc phần lớn vào chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trước yêu cầu đó, tôi mong mỗi thầy cô giáo cần nỗ lực, đổi mới, sáng tạo hơn nữa nhằm đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Tôi cũng mong muốn các địa phương sớm khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, ưu tiên cho phát triển giáo dục và đào tạo, chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Những năm qua, nhiều chính sách nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao hơn nữa đời sống, thu nhập cho giáo viên đã được ban hành.

Ngành Giáo dục cũng cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân; đồng thời quan tâm nâng cao thể lực, sức vóc cho học sinh, sinh viên, coi trọng phát triển toàn diện Đức - Trí - Thể - Mĩ cho học sinh, sinh viên. Ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

“Các địa phương cần thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên theo quy định của Nhà nước. Có thể đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo từng môn học, cấp học, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; đồng thời đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”. - Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ