Giáo dục đạo đức, lối sống HSSV: Giáo dục nhân cách bằng nhân cách

GD&TĐ - Trong trường học, thầy cô chính là người gieo mầm đạo đức. Nếu gieo hạt mầm khỏe và chăm sóc tốt, chúng ta sẽ nhận được quả ngọt.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng các hoạt động ngoại khoá. Ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng các hoạt động ngoại khoá. Ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Lắng nghe học sinh nói

Từng bị bạn bè xa lánh vì không phải là học sinh giỏi trong 4 năm học THCS, N.T.N – học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) rất buồn khi mọi sự cố gắng của mình không được ai công nhận, kể cả thầy cô giáo. Từ đó, N.T.N không muốn cố gắng nữa và càng ngày càng trở nên bướng bỉnh. Sự bướng bỉnh ấy theo em cho đến khi lên THPT.

May mắn N.T.N gặp được cô giáo chủ nhiệm hiểu tâm lý học trò. “Cô đã gieo niềm tin, giúp em hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống. Dưới sự hỗ trợ của cô chủ nhiệm, em được thể hiện mình, tham gia nhiều hoạt động của trường, lớp; thậm chí cô còn tin tưởng giao cho em làm cán bộ lớp” - N.T.N bộc bạch.

Với những gì đã từng xảy ra, N.T.N nhận ra rằng, áp lực học tập không chỉ dừng lại ở điểm số, nó còn là tinh thần (đối xử của bạn bè, thầy cô dành cho học sinh). “Hơn bao giờ hết, chúng em mong muốn được bố mẹ, thầy cô lắng nghe, thấu hiểu và biết nói lời động viên, khích lệ mỗi khi chúng em có tiến bộ, dù đó là việc nhỏ” - N.T.N bày tỏ.

Theo cô Trần Thị Mỹ Hoa – Trường Tiểu học Vĩnh An (Tây Sơn, Bình Định), giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cần được quan tâm hàng đầu, nhất là với học sinh tiểu học, bởi đây là bậc học nền tảng, cơ bản cho các bậc học sau. Vì vậy, giáo viên có vai trò quan trọng và phải thực sự là tấm gương sáng để học sinh noi theo.

Tôn trọng sự khác biệt và cá tính của học sinh là quan điểm của cô Bùi Ngọc Lan - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) trong hành trình gieo chữ của mình. Ngoài ra, theo cô Lan, giáo viên cần đổi mới, cập nhật xu hướng để đồng cảm với tiếng nói, nhu cầu thẩm mỹ của học sinh, hướng đến giá trị chân – thiện – mỹ bằng việc hướng dẫn các em xử lý các tình huống trong thực tiễn như: Cách ứng xử với bạn bè, thầy cô…

Cô Lan chia sẻ: Một trong những nguyên tắc giáo dục học là luôn bao dung nhưng nghiêm khắc. Thầy cô luôn là người bạn, trân trọng khi các em làm được việc tốt hay có sự tiến bộ trong học tập. Phần thưởng mà học trò mong chờ là những lời khen tặng, động viên nhẹ nhàng, những cuốn sách, hay đôi khi chỉ là chiếc kẹo nhỏ.

Điều này dạy cho học sinh biết trân quý tấm lòng của bạn, biết khích lệ, động viên người khác… Khi học trò mắc lỗi, giáo viên không nên quát mắng hay trách phạt. Thay vào đó, cần ân cần giảng giải, phân tích để các em hiểu và biết cách sửa sai; từ đó hình thành phẩm chất biết vị tha, biết cảm thông, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng của bản thân.

Thầy cô giáo chính là người gieo mầm đạo đức. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19
Thầy cô giáo chính là người gieo mầm đạo đức. Ảnh chụp tại thời điểm chưa có dịch Covid-19 

“Tam bảo” trong giáo dục đạo đức, lối sống

Nhấn mạnh, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, cần có sự   vào cuộc sát sao của gia đình, xã hội, cô Lan phân tích: Trong mối quan hệ “kiềng 3 chân”: Gia đình, nhà trường và xã hội, gia đình giữ vai trò quan trọng hàng đầu, bởi đây là nơi các em gắn bó, gần gũi nhất. Vì thế, phụ huynh chính là “người thợ tài hoa” để “vẽ” lên tâm hồn như “tờ giấy trắng” của các con... Nhà trường là nơi dìu dắt, định hướng, giúp học trò trau dồi kiến thức và ý thức. Xã hội là môi trường để học sinh rèn luyện, trải nghiệm.

“Ba yếu tố trên tương quan chặt chẽ như một, nhưng lại rất riêng. Nếu con ngoan ở trường, nhưng về nhà bố mẹ không gương mẫu, thì con cái sẽ không ngoan ngoãn. Nếu phụ huynh “khoán” cho nhà trường giáo dục, dạy dỗ để các con hình thành nhân cách “Chân - Thiện – Mỹ” là cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm đối với con mình” - cô Lan trao đổi.

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga  - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, giáo dục là con đường cơ bản nhất trong việc phát triển nhân cách của con người thông qua định hướng và tổ chức dẫn dắt quá trình hình thành, phát triển.

TS Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ, nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy. Chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, bậc thầy hiền trí mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được.

“Vì vậy, tôi đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường. “Tam bảo” để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh gồm: Người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay” – TS Nguyễn Thị Thanh Nga nhấn mạnh, đồng thời diễn giải:

Người thầy cần có đủ năng lực và phẩm chất nhân cách. Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em. 

Yếu tố cốt lõi của giáo dục nhân cách là giúp học sinh nhận thức đúng đắn về phẩm chất, đạo đức. Dựa trên nền tảng kiến thức đó, nhà giáo dục giúp các em rèn luyện trong từng giao tiếp, ứng xử hàng ngày. Gieo hành vi, gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt nhân cách. Trong giáo dục phổ thông, việc đưa 12 giá trị sống do UNESCO đề xuất là hoàn toàn cần thiết. - TS  Nguyễn Thị Thanh Nga

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ