Sống buông thả
Nói về thực trạng đạo đức của HS hiện nay, ThS Đặng Văn Nâu, giáo viên, Chi hội trưởng Chi hội Tâm lý - Giáo dục, Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang) cho biết: Hiện nay giới trẻ có lối sống thực dụng chỉ chạy theo những giá trị vật chất mà bỏ quên giá trị tinh thần. Tình trạng giới trẻ sống buông thả, không coi trọng giá trị đạo đức đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.
Bằng chứng là các phương tiện truyền thông, mạng Internet đã đăng tải các bài viết phản ánh thực trạng này. HS THPT khi bắt đầu bước vào học cấp 3, một bộ phận nhỏ các em thường ỷ lại trong việc học của mình.
Theo ThS Đặng Văn Nâu, bắt đầu vào học lớp 10, các em tiếp xúc với môi trường mới, bạn mới, thầy cô mới. Một số em chưa bắt kịp với phương pháp học tập ở bậc THPT, sau thời gian tỏ ra chán nản, sa sút ý chí. Từ đó, các em dễ bị các phần tử xấu lôi kéo dẫn đến nghiện game, tham gia tụ tập theo bạn bè xấu, tệ nạn xã hội.
Cần sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội
Để ngăn ngừa bạo lực học đường, theo thầy Lê Minh Thiêm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình cần yêu cầu HS lập kế hoạch về các công việc trong ngày, trong đó có việc đọc sách; dành tối thiểu 30 phút đọc sách mỗi ngày; Tạo môi trường sống gần gũi, thấu hiểu, chan hòa, yêu thương; Thường xuyên liên lạc chặt chẽ với nhà trường để trao đổi và có hướng GD các lệch lạc về hành vi đó.
Với nhà trường, chú trọng đến việc rèn tính kiên nhẫn và lòng yêu thương cho HS như tổ chức giờ đọc sách hàng tuần; trò chơi tập thể, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động từ thiện… Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương cho HS về tính kiên nhẫn và lòng yêu thương con người qua hoạt động dạy học và ngoại khóa.
Với xã hội, các cơ quan ban ngành cần chú trọng đến việc xây dựng gia đình có đạo đức, có đủ trình độ trong việc GD đạo đức nói chung, tính kiến nhẫn và lòng yêu thương con người nói riêng.