Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức: Đi tìm giải pháp

Giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức: Đi tìm giải pháp

Doanh nghiệp luôn chờ đón những cử nhân, kỹ sư được đào tạo chất lượng cao
Doanh nghiệp luôn chờ đón những cử nhân, kỹ sư được đào tạo chất lượng cao

(GD&TĐ) - Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), để nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GD&ĐT với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước sẽ: Rà soát, xem xét, đánh giá quy mô, cơ cấu các ngành đào tạo hiện đang triển khai tại các cơ sở giáo dục ĐH; kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, các điều kiện về đội ngũ giảng viên (đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định), cơ sở vật chất, nhu cầu xã hội về ngành đào tạo...

Nếu cơ sở nào chưa công bố chuẩn đầu ra và chưa thực hiện trách nhiệm đối với người học, với xã hội cũng như các bên liên quan thì sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành.

Xa lánh thực tế

Theo một cuộc khảo sát hẹp của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), cho thấy có tới 26,2% số cử nhân chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong đó có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. 

 Một tỉnh Bắc Trung bộ như Nghệ An với 5 trường đại học, hơn 20 trường cao đẳng, trung cấp đào tạo tất cả các ngành. Mỗi năm, Nghệ An có hàng nghìn cử nhân cao đẳng, đại học tốt nghiệp, trong số đó rất nhiều người không tìm được việc làm hoặc phải làm trái ngành, nghề đào tạo.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT, nhiều cử nhân phải vào miền Nam làm công nhân, làm thuê trái nghề hoặc đi xuất khẩu lao động… Đây là thực trạng khá phổ biến ở Nghệ An. 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Chế biến thực phẩm, Hàn công nghệ cao, Thiết kế đồ họa, Tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính...

Công nghệ ô tô, Cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), Công nghệ thông tin, Điện tử, Thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài...), Nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, Điện lạnh, Thẩm mỹ.

Có điều, nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa. Dường như nguyên nhân của việc này có căn nguyên từ việc đào tạo chưa gắn với thị trường lao động. Việc đào tạo còn chạy theo thị hiếu, thiếu những điều tra xã hội học cần thiết là điều đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác và điều này dẫn đến những bất hợp lý trong cơ cấu đào tạo ngành nghề, làm trầm trọng hơn tình trạng làm trái so với ngành nghề được đào tạo, chất lượng đào tạo không được đảm báo khiến nhà tuyển dụng từ chối. Chính điều này đã gây lãng phí cho người học và xã hội. 

Thực ra, những số liệu khảo sát được đưa ra trên đây, không mới và cũng làm các chuyên gia giáo dục ngạc nhiên vì thực tế này đã được cảnh báo từ lâu, nhưng tiếc rằng không có những điều chỉnh hợp lý. Có điều, điều chỉnh thế nào thì quả là bài toán khó.

Thực tế là các cơ quan quản lý nhà nước mong muốn có sự đổi thay phát triển. Doanh nghiệp sử dụng lao động muốn có nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu tuyển dụng cho mình. Các nhà trường muốn có người học nhiều thêm lên, nhưng lại thiếu tầm nhìn xa mang tính chiến lược.

Giải pháp hữu hiệu

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, cần phải có sự kiểm soát việc đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về chương trình, tài liệu, giáo viên và cơ sở vật chất của các trường. Phân tầng trong giáo dục đại học là điều cần thiết và nên làm, có sự phân định rạch ròi nhiệm vụ của đại học nghiên cứu và đại học ứng dụng.

Khi đó Nhà nước tập trung đầu tư cho một vài trường đại học công có nhiệm vụ đào tạo chuyên gia hàng đầu các lĩnh vực nghiên cứu. Các đại học còn lại sẽ tham gia đào tạo theo theo hướng đại chúng. Việc đầu tư trọng điểm sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, khắc phục tình trạng nguồn kinh phí dàn trải dẫn đến kém hiệu quả.

Khẳng định quyết tâm chấn chỉnh hoạt động đào tạo của các nhà trường, được biết, nhiều giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã và đang đưa ra là sẽ tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng, giảm chỉ tiêu tuyển sinh vừa học vừa làm, liên thông chính quy.

Đối với đào tạo sau ĐH, Bộ cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo sau ĐH; xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng; rà soát chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao chất lượng luận văn, luận án thông qua quy trình đăng ký công khai, minh bạch.

Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dừng tuyển sinh đào tạo đối với các ngành, chuyên ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng; tiếp tục triển khai thẩm định luận án tiến sĩ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. 

 Còn theo TS Nguyễn Thị Thanh Phượng (Quỹ Giáo dục Việt Nam), giải pháp hữu hiệu để các đại học hoạt động hiệu quả là điều hành theo hướng quản trị đại học.

Theo bà Phượng, Luật Giáo dục đại học đã nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm với xã hội. Điều hành một nhà trường theo hướng Quản trị GDĐH, sẽ giúp hiệu trưởng hiểu được một cách toàn diện về các mặt của trường đại học và những yếu tố của môi trường bên ngoài có thể ảnh hưởng đến trường. Từ đó đưa ra những hoạch định, triển khai thực thi, đánh giá và sử dụng kết quả tốt hơn.  

Thực tế, Quản trị đại học là cách điều hành hiệu quả nhà trường ở các nước tiên tiến, còn ở Việt Nam, cụm từ này cũng đã dần xuất hiện ở một số đại học.

Tuy nhiên để triển khai điều hành theo hướng quản trị đại học thì rất ít trường làm được, có chăng chỉ một vài đại học lớn.

Đại diện Hội đồng trường của một trường đại học xin được dấu tên, cho rằng: Quản trị đại học là cách điều hành hợp lý đã được các đại học lớn áp dụng hiệu quả.

Có thể hiểu quản trị đại học là điều hành một nhà trường theo hướng như quản trị doanh nghiệp, phát huy thế mạnh nguồn nhân lực – chất xám, tận dụng tối đa năng lực nhà trường, điều hành hiệu quả tránh lãng phí.... Nhưng tiếc rằng, hiểu được là thế, nhưng thay đổi nếp nghĩ cũ, để làm mới mình cho dù biết là tốt hơn, nhưng cũng chưa có nhiều trường làm được. 

Hiên Kiều

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.