Giáo dục cho học sinh khiếm thính với thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau”

GD&TĐ - Sáng nay 13/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp về việc cho Trường CĐSP Trung ương tiếp tục thực hiện Đề án dạy học cho trẻ em khiếm thính.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh chủ trì phiên họp

Tổng kết kết quả thực hiện Đề án Tổ chức các lớp dạy học học sinh điếc và đề xuất của Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho biết: Sau kết quả 5 năm thực hiện thí điểm mô hình giáo dục học sinh điếc cấp trung học theo chương trình giáo dục thường xuyên và dạy bằng ngôn ngữ kí hiệu (năm học 2010 đến 2015), các học sinh sau khi tốt nghiệp THCS có nhu cầu được học tiếp tục lên cao và trở thành những người điếc có trình độ THCS đầu tiên hỗ trợ cho cộng đồng người điếc thông qua các hội, nhóm, câu lạc bộ người điếc tại các địa phương.

Từ kết quả thành công của mô hình thí điểm GD học sinh điếc sau 10 năm thực hiện, đến nay Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập của Trường CĐSP Trung ương đã thực hiện tốt sứ mệnh được Bộ GD&ĐT giao. Tạo cơ hội cho học sinh điếc được học tập lên các bậc học cao hơn. Hỗ trợ sự phát triển và tăng cường vị thế tham gia của cộng đồng người điếc.

Học sinh điếc và sinh viên điếc của trường đã tham gia vào các chương trình trong cộng đồng người điếc, phát triển bổ sung hệ thống kí hiệu được sử dụng trong quá trình dạy học các môn học phổ thông...

Thực hiện giáo dục học sinh điếc không chỉ tạo cơ hội học tập và hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông của người điếc, mà còn mở ra cơ hội được học lên cao đẳng với các ngành nghề phù hợp. Mô hình giáo dục phổ thông dành cho học sinh điếc tại Trường CĐSP Trung ương là cơ sở triển khai các hoạt động thí điểm về giáo dục học sinh điếc của Bộ GD&ĐT. Là nơi chia sẻ các nguồn tài liệu, cách thức thực hiện chương trình, tổ chức các hoạt động học tập, thăm quan, kết nối với các cơ sở giáo dục đang thực hiện giáo dục học sinh khiếm thính trong cả nước.

Kết quả thực hiện GD học sinh điếc phổ thông góp phần bổ sung hệ thống ngôn ngữ kí hiệu của người điếc Việt Nam để đảm bảo bổ sung, làm phong phú và phổ biến ngôn ngữ kí hiệu của người điếc Việt Nam, đồng thời thúc đẩy kết quả thực hiện tinh thần của Luật người khuyết tật về người khuyết tật được học và sử dụng ngôn ngữ kí hiệu phù hợp với chính mình. Đồng thời cũng mở ra cơ hội cho học sinh điếc được học lên các cấp học cao mà hiện nay các địa phương trong cả nước chưa có đủ giáo viên sử dụng thành thục ngôn ngữ kí hiệu dạy học nhóm đối tượng có nhu cầu đặc biệt này.

Việc thực hiện giáo dục thường xuyên cho học sinh điếc bằng phương pháp sử dụng ngôn ngữ kí hiệu đã tạo cơ hội cho một số lượng lớn học sinh điếc của các địa phương có nhu cầu học tập, được đi học và được đảm bảo quyền được hưởng một nền giáo dục phù hợp, có chất lượng.
Trường CĐSP Trung ương đề xuất: Cần mở rộng mô hình dạy học sinh điếc đa cấp học ở các địa phương để đảm bảo mọi học sinh điếc có nhu cầu sử dụng ngôn ngữ kí hiệu để giao tiếp và học tập.

Duy trì và phát triển mô hình để các địa phương đến học tập kinh nghiệm tổ chức, triển khai chương trình, kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ, phát triển học liệu và thu hút sự tham gia đồng thuận của cộng đồng người điếc; huy động các nguồn lực trong giáo dục học sinh điếc... một cách hiệu quả nhất. Đồng thời giúp bồi dưỡng giáo viên ở tại các địa phương bài bản, có kiến thức, kinh nghiệm, giúp tăng cường chất lượng nguồn nhân lực giáo dục học sinh điếc của Việt Nam.

Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đồng tình với kiến nghị kéo dài Đề án. Tuy nhiên, kiến nghị Trường CĐSP Trung ương cần lãm rõ nhiều nội dung về mô hình, cơ sở vật chất, đội ngũ, tài chính và giải pháp phù hợp với các quy định của các bộ, ngành trên cơ sở đó đề xuất để có chính sách ổn định phát triển.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả đạt được của đề án trong thời gian qua. Thứ trưởng cho rằng: Đề án đã có những kết quả tốt và nên tiếp tục triển khai để tạo cơ hội cho các học sinh điếc với thông điệp "Không ai bị bỏ lại phía sau". Các đơn vị chức năng của Bộ cần tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan.

Trường CĐSP Trung ương cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án giai đoan 2021-2025, chủ động kết nối với các địa phương để lan tỏa những giá trị giáo dục cho trẻ khuyết tật, xây dựng mô hình điểm về giảng dạy cho học sinh điếc và bồi dưỡng ngôn ngữ kí hiệu... cho đội ngũ giáo viên dạy hòa nhập. Tham mưu cho chiến lược phát trển giáo dục đặc biệt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế.

Hệ thống ngôn ngữ kí hiệu của người điếc Việt Nam hiện nay còn hạn chế, chưa đủ để các địa phương thực hiện giáo dục cho học sinh điếc ở tất cả các cấp học. Đây chính là rào cản cơ hội được học lên cao của rất nhiều học sinh điếc sau khi học xong tiểu học tại các địa phương.

Để có một mô hình và cơ sở thực tiễn vững chắc trong triển khai và thực thi các chính sách về giáo dục cho trẻ em khuyết tật nói chung và giáo dục cho học sinh điếc nói riêng, cần tiếp tục triển khai đảm bảo tính bền vững của mô hình, lan tỏa hiệu quả này tới địa phương, giúp Bộ GD&ĐT có căn cứ khoa học và thực tiễn để triển khai các mô hình, chương trình, chính sách về giáo dục bằng ngôn ngữ kí hiệu cho người điếc Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.