Ra mắt Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập đầu tiên tại khu vực Tây Bắc

GD&TĐ - Vừa qua, sự kiện ra mắt và khai giảng năm học mới của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên là bước khởi đầu triển vọng trong việc tạo cơ hội để trẻ khuyết tật được hòa nhập, phát huy tối đa tiềm năng của mình.

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Lễ ra mắt
Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Lễ ra mắt

Năm 2016, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên ký Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong việc thành lập và vận động nguồn vốn đầu tư xây dựng Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên.

Với sự hỗ trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, các nhà tài trợ Hà Lan, quỹ Thiện Tâm (Vingroup) và công ty PwC, tháng 10/2019, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động. Tháng 12/2019, Trung tâm đón những học sinh đầu tiên.

Được xây dựng trong khuôn khổ dự án "Nâng cao năng lực của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên" triển khai bởi MCNV, nhiệm vụ chính của Trung tâm là phát hiện các trường hợp khuyết tật để tư vấn, lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp, hỗ trợ trẻ khuyết tật tại gia đình, cơ sở giáo dục và cộng đồng…

Sau hai đợt tuyển sinh, hiện tại, Trung tâm hiện có 41 trẻ đang theo học và hỗ trợ can thiệp cá nhân cho 2 trẻ. Học sinh đến với Trung tâm thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau như tự kỷ, khuyết tật ngôn ngữ, khiếm thính...

Giáo viên hướng dẫn học sinh ghép hình và tập đếm trong giờ can thiệp nhóm.
Giáo viên hướng dẫn học sinh ghép hình và tập đếm trong giờ can thiệp nhóm.

Nằm trên diện tích hơn 6.000 mét vuông, Trung tâm gồm 6 dãy nhà khang trang với tổng số 24 phòng trong đó có nhiều phòng chức năng như Điều hòa và Vận động, Can thiệp cá nhân...

Để đáp ứng nhu cầu dạy, học và trị liệu đặc thù, đa dạng, Trung tâm được trang bị đầy đủ các đồ dùng, công cụ giáo dục như bảng chữ cái, đồ xếp hình gỗ, bóng điều hòa cảm giác, cầu thăng bằng...với màu sắc tươi sáng, thiết kế thân thiện, phù hợp với trẻ khuyết tật.

Giờ học kỹ năng của cô và trò tại Trung tâm.
Giờ học kỹ năng của cô và trò tại Trung tâm.

Theo ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh Điện Biên có gần 4.000 học sinh ở các dạng khuyết tật như khuyết tật vận động, nghe nhìn, thần kinh. Trong số đó, rất nhiều học sinh không thể đến trường hoặc gặp phải khó khăn, trở ngại trong việc học tập, hòa nhập tại các trường phổ thông. Bởi vậy, sự ra đời của Trung tâm có ý nghĩa rất lớn đối với địa phương.

Nhân dịp này, ông Lê Văn Quý đã bày tỏ mong muốn Trung tâm sẽ nỗ lực từng bước hoàn thiện phương pháp giáo dục đối với từng đối tượng trẻ khuyết tật, để các học sinh khuyết tật có thể coi Trung tâm là "mái nhà thứ hai", "mang lại môi trường giáo dục phù hợp nơi các gia đình có thể tin tưởng gửi gắm con em mình".

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục hòa nhập đồng thời đánh giá cao vai trò của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân.

"Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập không chỉ có chức năng can thiệp sớm, phát hiện sớm để giúp trẻ có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng của mình, mà còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là hỗ trợ các nhà trường, các cơ sở giáo dục tại tỉnh Điện Biên thực hiện tốt phương thức giáo dục hòa nhập", Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí nhận định.

Giám đốc MCNV Phạm Dũng phát biểu.
Giám đốc MCNV Phạm Dũng phát biểu.

Chia sẻ tại sự kiện, Giám đốc quốc gia MCNV, ông Phạm Dũng cho biết: “MCNV mong muốn Trung tâm sẽ không ngừng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xa hơn nữa sẽ đóng vai trò như là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho các Trung tâm tương tự của khu vực Tây Bắc. Việc hợp tác, kết nối mạng lưới và giúp đỡ nâng cao năng lực giữa các Trung tâm là rất quan trọng. Cũng như trước đây Trung tâm Đắk Lắk đã giúp Trung tâm Cao Bằng, Trung tâm Cao Bằng lại hỗ trợ trung tâm của tỉnh Phú Yên và giờ là trung tâm Điện Biên”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ