Phụ huynh Trung Quốc bất an sau lệnh cấm dạy thêm

GD&TĐ - Từ cuối tháng 7, Trung Quốc ban hành lệnh cấm hoạt động dạy thêm các môn học chính trong chương trình giáo dục phổ thông vì lợi nhuận nhằm giảm áp lực tài chính của phụ huynh.

Một lớp dạy thêm tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Một lớp dạy thêm tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.

Cụ thể, các công ty, tổ chức dạy thêm dựa trên chương trình học phổ thông sẽ không được phép huy động vốn qua niêm yết cổ phiếu hoặc các hoạt động về vốn.

Công ty trong nước hoặc nước ngoài không được đầu tư vào lĩnh vực này. Các trung tâm dạy thêm không được giảng dạy vào cuối tuần hoặc các ngày lễ.

Động thái này đã giáng đòn mạnh vào ngành công nghiệp dạy thêm tư nhân trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc. Đồng thời gây ra tình trạng bán tháo cổ phiếu của các công ty dạy thêm, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ.

Các lớp dạy thêm sau giờ học được đánh giá là công cụ quan trọng đối với kết quả học tập và kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào đại học nổi tiếng khốc liệt tại Trung Quốc.

Theo số liệu của Hiệp hội Giáo dục Trung Quốc, hơn 75% học sinh trong độ tuổi từ 6 - 18 đăng ký học thêm sau giờ học vào năm 2016. Con số đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Dù nhiều phụ huynh hoan nghênh nỗ lực giảm áp lực học tập cho trẻ em, số khác cho rằng, lệnh cấm chỉ gia tăng bất bình đẳng và gánh nặng tài chính lên các gia đình.

Chị Judith Bai, sống tại Bắc Kinh, chia sẻ, trước khi lệnh cấm được ban hành, gia đình chi hơn 20.000 nhân dân tệ (khoảng 71 triệu đồng) vào lớp học thêm Toán, tiếng Trung của con trai 7 tuổi.

Bà mẹ dự định thuê gia sư kèm riêng con trai tại nhà khi các tổ chức dạy thêm bị kiểm soát. Tuỳ theo năng lực của giáo viên, mỗi giờ học có giá từ 600 - 2.000 nhân dân tệ.

“Các quy định mới có thể tăng áp lực cho phụ huynh. Vì các lớp học thêm bị hạn chế, phụ huynh sẽ thuê gia sư riêng hoặc tổ chức dạy kèm theo nhóm nhỏ. Chúng tôi sẽ mất thêm thời gian và chi phí để chuẩn bị các lớp phụ đạo cho con, chưa kể công việc này khá khó khăn”, chị Bai cho biết.

Chị Min, sống tại Bắc Kinh, đánh giá, thay vì khuyến khích các gia đình sinh thêm con, quy định của chính phủ sẽ khiến mọi người nản lòng. “Chúng tôi hi vọng con cái có cuộc sống tốt hơn cha mẹ.

Nhưng do suy thoái kinh tế, số lượng gia sư tại Trung Quốc ít, chúng tôi không thể tìm được nền giáo dục tốt cho con cái. Vì vậy, tôi vẫn không có ý định sinh thêm con”, chị Min bày tỏ.

Phụ huynh tại thành phố nhỏ, nơi các trường phổ thông ít được tài trợ, đánh giá chính sách mới tác động tiêu cực đến con cái họ. Trong một số trường học, vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất nên một lớp học có thể có tới 60 học sinh.

Các em không được thầy cô quan tâm sát sao nên việc học tại trường kém hiệu quả. Học thêm là phương thức duy nhất giúp các em lấy lại những kiến thức đã bỏ lỡ trên trường học.

Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định, sẽ nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo trong các trường phổ thông để hạn chế tình trạng học thêm. Nhưng dù chất lượng giảng dạy được cải thiện, nhiều phụ huynh cho rằng không gì có thể phá vỡ tính cạnh tranh trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Khi năng lực của học sinh còn được đánh giá thông qua các bài kiểm tra, phụ huynh vẫn sẽ tìm cách học thêm để cải thiện điểm số.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.