Pakistan: Báo động tình trạng sinh viên nghiện ma túy

GD&TĐ - Thủ tướng Pakistan Imran Khan vừa tuyên bố thành lập một hội đồng đặc biệt với đại diện từ các bộ khác nhau, trong đó có Bộ GD và Bộ Y tế.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi dữ liệu do cơ quan chống ma túy của Pakistan công bố cho thấy tình trạng nghiện ngập của SV các trường ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, nhiều người chỉ trích việc đối phó với việc lạm dụng ma túy trong trường học ít được thực hiện.

Nỗ lực xóa bỏ mối đe dọa

Thủ tướng Khan cho biết sẽ thực hiện một chiến lược để hạn chế việc sử dụng ma túy tại các cơ sở GD khi lưu ý rằng 7 triệu người trẻ tuổi của Pakistan đã rơi vào cảnh nghiện ma túy. “Loại ma túy tổng hợp được gọi là “đá” đã xâm nhập vào các trường ĐH, CĐ. Ma túy phá hủy nhân cách, kỷ luật, sức khỏe và tương lai của người trẻ tuổi” – ông Khan nói khi đề cập tới một đánh giá của thanh tra cảnh sát Islamabad khi báo cáo Thủ tướng việc SV đang dùng “đá” là đáng báo động.

Ông Khan cho biết, các bộ, ngành liên quan sẽ họp “để hoạch định chính sách trong bối cảnh xu hướng lạm dụng ma túy ngày càng tăng tại các cơ sở GD. Chúng ta phải cứu các thế hệ tiếp theo của mình khỏi gông cùm của việc lạm dụng ma túy” – ông nói.

Chỉ ra việc tăng cường các biện pháp chống ma túy, Bộ trưởng về Kiểm soát ma túy Azam Khan Swati nói trước khi chuyển sang một vị trí khác trong cuộc cải tổ nội các mới đây: “Bên cạnh các hành động thực thi pháp luật khác ở cấp quốc gia, chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các trường ĐH và sẽ làm việc với Ủy ban GDĐH để xóa bỏ mối đe dọa của ma túy bất hợp pháp tại các khu học xá. Chúng tôi thường xuyên tiến hành các cuộc truy quét tại ở khu vực gần các trường ĐH để phá vỡ và kiềm chế chuỗi cung ứng”.

Ma túy ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần nhiều người trong thế hệ trẻ Pakistan.
Ma túy ảnh hưởng tới cả thể chất và tinh thần nhiều người trong thế hệ trẻ Pakistan.

Tháng trước, TT Pakistan Arif Alvi đã chỉ đạo tất cả các hiệu trưởng trường ĐH thực hiện những biện pháp hạn chế sử dụng chất gây nghiện trong khuôn viên trường và yêu cầu Ủy ban GDĐH xây dựng những hướng dẫn và hành động chính sách để hỗ trợ các trường ĐH giải quyết việc sử dụng ma túy trong SV.

Trong cuộc họp với tất cả các phó hiệu trưởng trường ĐH, Bộ trưởng GD Shafqat Mahmood, Bộ trưởng Kiểm soát ma túy Azam Khan Swati, Bộ trưởng Nhân quyền Shireen M Mazari, Chủ tịch Ủy ban GDĐH Tariq Banuri và người đứng đầu lực lượng chống ma túy Muhammad Arif Malik, ông Alvi nói: “Các trường ĐH phải thực hiện mọi bước cần thiết để làm cho khu học xá của mình an toàn trước ma túy. Đây không chỉ là mệnh lệnh đạo đức mà các trường phải có trách nhiệm pháp lý trong việc thực hiện tất cả các luật quốc gia có liên quan”.

Giám đốc Amra Raza của Trung tâm nghiên cứu Pakistan tại ĐH Punjab của Lahore cho biết: “Đó là một mối quan tâm lớn của chính phủ và ban quản lý các trường ĐH. Các chế độ giám sát nghiêm ngặt, nâng cao nhận thức và thay đổi chương trình giảng dạy nên được thực thi trong khuôn viên các trường ĐH và chính phủ phải hành động để ngăn chặn việc dễ dàng cung cấp ma túy cho SV”. Ông nói rằng, tất cả SV ĐH nên được sàng lọc. “Những người bị phát hiện có thói quen sử dụng ma túy nên được chuyển đến các trung tâm phục hồi chức năng”.

Nhiều vụ liên quan đến sinh viên

Việc sử dụng ma túy tại các trường ĐH nổi lên kể từ năm 2018 khi lần đầu tiên nó được tiết lộ trong một cuộc khảo sát, cứ 10 SV thì có 1 người nghiện ma túy.

Tháng 11/2018, 2 SV ĐH Quaid-i-Azam của Islamabad đã bị bắt vì có 3 kg ma túy. Trong một cuộc đột kích riêng cùng tháng, 3 công dân Nigeria đã bị bắt gần ĐH Quaid-i-Azam và số ma túy trị giá 53.000 USD đã được thu hồi từ họ. Theo cảnh sát, họ là những người bán hàng rong cung cấp ma túy trong các trường ĐH.

Tháng11/2020, Cơ quan Điều tra tội phạm của Cảnh sát Islamabad đã bắt một kẻ bán rong ma túy và thu hồi hơn 1 kg cần sa. Tên này được cho là đã cung cấp ma túy cho SV ĐH Quaid-i-Azam. Vào tháng 2 năm ngoái, cảnh sát Karachi triệt phá một băng nhóm và bắt giữ 6 thành viên, thu hồi 5 kg cần sa và 50 gói heroin. “Băng nhóm này cung cấp ma túy cho SV các trường ĐH, CĐ và con em các gia đình giàu có trong thành phố” - cảnh sát trưởng cho biết trong một cuộc họp báo.

Các báo cáo tương tự về việc bán rong ma túy trong trường ĐH ở các thành phố lớn khác cũng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Trong một tiết lộ gây kinh ngạc khi phát biểu tại hội thảo năm 2018 tại ĐH Nông nghiệp Rawalpindi, Giám đốc Lực lượng chống ma túy Hammad Dogarcho biết 67% SV ĐH ở Pakistan sử dụng ma túy bất hợp pháp. Ông Shehryar Khan Afridi khi đó là Bộ trưởng Nội vụ liên bang, đã trích dẫn những số liệu này trong một chương trình trò chuyện trên truyền hình, khiến cả nước chỉ trích về tính xác thực của dữ liệu.

Tại sao SV dùng ma túy?

Nhiều SV Pakistan lạm dụng ma túy.
Nhiều SV Pakistan lạm dụng ma túy.

Các loại ma túy phổ biến nhất mà SV sử dụng là morphin, thuốc phiện, cocain, cần sa. Theo các chuyên gia, nguyên nhân phổ biến khiến họ rơi vào tình trạng lạm dụng ma túy là căng thẳng xã hội hoặc gia đình, lo lắng liên quan đến thi cử, ma túy luôn dễ tìm và tác động tiêu cực khi có bạn bè dùng ma túy.

Một nghiên cứu về nghiện ma túy trong các cơ sở GD ở Pakistan do Science Direct công bố tháng trước cho thấy, SV tiêu thụ ma túy trong trường ĐH mà không bị hạn chế nhiều vì các cơ sở không thực hiện những bước đi để giải quyết vấn đề này một cách nghiêm túc. SV ở các ký túc xá và SV nam thường xuyên dùng ma túy nhiều hơn so với SV nữ và ở các nơi khác. Các nhà nghiên cứu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc sử dụng ma túy gia tăng tại các trường ĐH trong vài năm gần đây và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của SV ở Pakistan.

Những lý do chính dẫn đến SV lạm dụng ma túy được một nghiên cứu đưa ra là do áp lực từ bạn bè (96%), căng thẳng trong học hành (90%), sự tò mò (88%). Ở Pakistan, số người nghiện ma túy là 7,6 triệu người, chủ yếu là người trẻ tuổi, trong đó có 78% là nam giới và 22% là nữ giới. Con số này đang tăng lên 40.000 người mỗi năm.
Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ