Khi hiểm họa “bủa vây” nghề dạy học

GD&TĐ - Là những người đứng trên giảng đường, song, giáo viên thường xuyên đối mặt với nhiều nguy hiểm. Không ít giáo viên bị học sinh đe dọa, xúc phạm.

Nguy cơ mắc bệnh luôn “thường trực” với các giáo viên.
Nguy cơ mắc bệnh luôn “thường trực” với các giáo viên.

Trong khi đó, nhiều nhà giáo khác phải đối mặt với nguy cơ nhiễm Covid-19 do giảng dạy trực tiếp.

Anh

Giáo viên tại Anh đang phải đối mặt với ngôn ngữ “quấy rối tình dục” và mối đe dọa từ một số học sinh mất kiểm soát trong lớp. Hội nghị thường niên của công đoàn đại diện giáo viên Anh - NASUWT cho biết, những năm gần đây, hành vi của học sinh đang ngày một “xấu đi”. Đặc biệt là khi nhiều giáo viên phải “một mình chống chọi” với những trường hợp nghiêm trọng.

Một cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 4.700 công đoàn viên cho thấy, 38% giáo viên đã bị học sinh xúc phạm trong năm qua. Trong khi đó, 10% người bị học sinh đe dọa bạo hành thể xác. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, 6% giáo viên đã bị học sinh bạo hành thể xác trong năm ngoái.

Wendy Exton - thành viên điều hành công đoàn, cho biết: “Chúng tôi cần thay đổi lớp học, nhưng không thể làm điều đó một mình. Ngày nay, chúng ta phải đối phó với nhiều vấn đề của xã hội trong trường học, các vấn đề về ma túy và bạo lực. Những thực trạng này thường không được báo cáo vì các trường học sợ hậu quả”.

Theo bà Exton, nhiều giáo viên không chỉ bị miệt thị, mà còn gặp những câu nói mang tính chất quấy rối tình dục, bạo lực, cũng như đe dọa. Một đề nghị được thông qua tại hội nghị đã lên án những tổ chức giáo dục cho rằng, hành vi không thể chấp nhận đó của học sinh chỉ là “một phần của công việc”.

Cũng theo công đoàn, giáo viên thường không được tiếp cận với sự hỗ trợ thích hợp. Bởi, nhiều lãnh đạo trường học và đại học không được đào tạo đầy đủ về cách đối phó với hành vi thách thức của học sinh.

Gary Upton - một thành viên của điều hành công đoàn, cho rằng việc thiếu kinh phí đã dẫn đến sự cắt giảm nhân viên hỗ trợ. Trong khi đó, sĩ số lớp học lớn hơn khiến giáo viên khó đối phó với hành vi của học sinh.

Các đại biểu đã nhất trí vận động những nhà tuyển dụng và chính phủ. Nhờ đó, đảm bảo rằng, giáo viên và hiệu trưởng được đào tạo thích hợp về vấn đề quản lý hành vi học sinh. Họ kêu gọi hỗ trợ giúp giáo viên “sử dụng mọi phương tiện thích hợp” khi phải đối mặt với hành vi “không thể chấp nhận được của học sinh”.

Tiến sĩ Patrick Roach - Tổng Thư ký NASUWT cho biết: “Rõ ràng là không học sinh nào được phép đưa ra bất kỳ hình thức lạm dụng bằng lời nói hoặc thể chất nào, dù là trong lớp học hay trên mạng”.

Trước bối cảnh này, người phát ngôn của Bộ Giáo dục cho biết: “Trong mọi trường hợp, giáo viên không nên bị lạm dụng chỉ vì công việc của họ.

Chúng tôi đang thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để cải thiện hành vi và kỷ luật trong trường học, bao gồm cả chương trình trị giá 10 triệu bảng được thiết kế để mô hình hóa và chia sẻ thực hành gương mẫu.

Cần đưa việc quản lý hành vi trở thành một phần cốt lõi của đào tạo giáo viên và cải thiện hướng dẫn cho các trường học”. 

Nhật Bản

Sau gần một năm mở cửa trường học, Nhật Bản tiếp tục đưa ra hàng loạt hạn chế, quy tắc, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Lý do Nhật Bản có thể duy trì việc giảng dạy trực tiếp mà không gặp phải những trở ngại lớn là một câu hỏi khó. Bởi, quốc gia này là nơi có những lớp học đông nhất trong số các nước phát triển.

“Quy mô lớp học của Nhật Bản thực sự lớn so với các nước phát triển khác. Vì vậy, từ quan điểm giãn cách xã hội, các lớp học ở Nhật Bản thực sự có thể có nguy cơ lây lan virus cao hơn”, Masatoshi Senoo - cố vấn trường học cho biết.

Thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho thấy, Nhật Bản có quy mô lớp học ở cấp tiểu học lớn thứ hai vào năm 2018, với 27,2 học sinh/lớp. Con số này vượt xa so với 23,5 ở Australia, 20,9 ở Mỹ và 19,0 tại Italy.

Trước những khó khăn trong việc giữ trẻ duy trì khoảng cách trong các lớp học, có thể nói, các trường học Nhật Bản chỉ trụ vững nhờ những nỗ lực và hy sinh to lớn của giáo viên, cũng như trẻ em.

Ở một quốc gia nơi lớp học “chật cứng”, một số người có thể mong đợi các giáo viên sẽ phản đối ý tưởng quay trở lại trường học. Song, thực tế, những gì đang diễn ra ở Nhật Bản hoàn toàn ngược lại. Liên minh Giáo viên Nhật Bản (JTU) không đưa ra bất kỳ phản đối nào về việc mở cửa trường học.

“Chúng tôi thậm chí không nghĩ tới việc phản đối hình thức giảng dạy trực tiếp. Gần gũi với trẻ em là điều mà các trường học hướng đến. Lập trường cơ bản của chúng tôi là các trường học nên mở cửa càng nhiều càng tốt”, phát ngôn viên của JTU - Nobuyuki Uchiyama cho biết.

Song, theo ông Hisashi Tanno - Giám đốc Văn phòng Chính sách của JTU, không ít giáo viên - đặc biệt là những người đang mang thai và có tình trạng sức khỏe không tốt, lo lắng về việc bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc.

Họ đang gặp phải một khoảng thời gian thực sự khó khăn. Tuy nhiên, công đoàn cho biết chưa bao giờ nhận được bất kỳ báo cáo nghiêm trọng nào về việc các thành viên phàn nàn đối với hình thức giảng dạy trực tiếp do lo ngại về sự an toàn của bản thân.

Một cuộc khảo sát của JTU vào tháng 3 cho thấy, trong số 245 cơ sở giáo dục nơi giáo viên phải chịu trách nhiệm khử trùng trường học sau khi đồng nghiệp hoặc học sinh nhiễm Covid-19, gần 50% người không hài lòng với cách làm đó.

Người phát ngôn Uchiyama - người đang dạy tại các trường tiểu học và trung học cho biết: “Các giáo viên Nhật Bản có quan điểm mềm mỏng đối với ý tưởng vì lợi ích của trẻ em”.

Trong khi đó, ông Tanno - người đã giảng dạy tại các trường trung học khoảng 20 năm trước khi đảm nhận vị trí công đoàn, nhất trí với ý kiến này.

“Khi tôi nghĩ về câu hỏi tại sao giáo viên ở Nhật Bản không lên tiếng phản đối việc mở lại trường học, tôi cảm thấy dường như có suy nghĩ rằng, họ muốn làm điều gì đó cho trẻ em.

Ý thức về sứ mệnh và trách nhiệm to lớn này - điều mà tôi biết không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe - là cốt lõi của các giáo viên Nhật Bản. Khi chúng tôi nhìn thấy những đứa trẻ gặp khó khăn, chúng tôi cảm thấy cần phải chăm sóc chúng, bất kể khi nào”, ông Tanno nhấn mạnh.

Mỹ

Giáo viên giáo dục đặc biệt không thể giảng dạy trực tuyến.
Giáo viên giáo dục đặc biệt không thể giảng dạy trực tuyến.

Các giáo viên giáo dục đặc biệt tại California đã trở lại giảng dạy, khi áp lực giảng dạy trực tiếp đang ngày một lớn. Song, không ít giáo viên mô tả, trải nghiệm này là sự kết hợp giữa sợ hãi, lo lắng và niềm vui.

Đối với những giáo viên như bà Susan Cheramy-McNesby, việc gặp trực tiếp học sinh không hề dễ dàng hơn dù đã nhiều tháng trôi qua. Hai ngày một tuần, bà đeo khẩu trang, găng tay và một tấm chắn nhựa hình nón.

Bà ngồi sau một tấm chắn trong khi đánh giá xem trẻ em có thể đánh vần, nói hoặc đếm tốt như thế nào để được xếp vào các lớp giáo dục đặc biệt. Phòng học được trang bị máy lọc không khí và nước rửa tay. Mọi người được đo nhiệt độ ít nhất một lần.

Tuy nhiên, nữ giáo viên này vẫn lo lắng khi một số đồng nghiệp của mình đã mắc Covid-19. Bởi, bà Cheramy-McNesby hiện 60 và có hệ miễn dịch bị tổn thương.

“Tôi thực sự yêu công việc của mình, nhưng điều này vô cùng căng thẳng. Tôi đang rất cẩn thận. Tôi đang cố gắng hết sức để giữ sức khỏe, nhưng thật đáng sợ”, nữ giáo viên chia sẻ.

Giáo dục đặc biệt đã là một thách thức đối với nhiều học khu trong thời kỳ đại dịch. Bởi, học sinh có nhu cầu đặc biệt thường cần tới các dịch vụ như vật lý trị liệu. Các bài đánh giá, bắt buộc đối với học sinh vào chương trình giáo dục đặc biệt, cũng như những trẻ đã đăng ký, hầu như không thể được cung cấp trực tuyến.

Quận Marin là một trong những khu vực đầu tiên ở California cung cấp chương trình giáo dục đặc biệt trực tiếp. Maren và Tracy Kelly - đôi vợ chồng sống ở Tehachapi, phía Đông Nam Bakersfield, đều là giáo viên giáo dục đặc biệt. Mặc dù cho biết thật tuyệt vời khi gặp lại học sinh, nhưng trải nghiệm này khiến họ bất an.

Việc tận mắt nhìn thấy học sinh phải trải qua các quy trình chống dịch đã khiến bà Tracy Kelly trở nên căng thẳng. Học sinh thường bỏ khẩu trang, hoặc quên các quy tắc về khoảng cách. Một số học sinh của Tracy Kelly bị khuyết tật nặng và cần được giúp đỡ cá nhân. Những điều đó không thể được thực hiện từ khoảng cách 2 mét.

Nữ giáo viên này cho biết, việc nhắc học sinh đeo khẩu trang, rửa tay và đứng cách nhau 2 mét dường như đã mất 1/2 ngày học. Trong khi đó, chồng của cô - người trong hội đồng trường Tehachapi Unified và dạy ở Thung lũng Antelope ở phía Đông Quận Los Angeles, cho biết không lo lắng khi trực tiếp giảng dạy.

“Phải mất một chút thời gian để làm quen, nhưng sau ba ngày, tôi cảm thấy chúng tôi đã ổn. Điều đó có vẻ bình thường. Nếu giáo viên có đủ các quy trình an toàn, điều đó có vẻ đáng để mạo hiểm”, ông Maren chia sẻ.

Theo Japantimes; Edsource; Dailymail

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...