Chuyện chấm thi đại học trên thế giới

GD&TĐ - Trung Quốc, Hàn Quốc tính điểm thi đại học dựa trên kỳ thi chung. Thí sinh Anh có thể sử dụng điểm A-level, IB, GCSE trong khi thí sinh Mỹ phải nộp hồ sơ xét tuyển gồm điểm SAT hoặc ACT và thành tích học tập.

Thí sinh tham gia kỳ thi thử GCSE.
Thí sinh tham gia kỳ thi thử GCSE.

1. Trung Quốc

Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia tại Trung Quốc (còn gọi là gaokao) được đánh giá là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới. Kỳ thi này gồm 4 môn: Tiếng Trung, Toán, Ngoại ngữ (thường là Tiếng Anh nhưng thí sinh có thể chọn ngoại ngữ thay thế như Tiếng Nhật, Tiếng Nga, Tiếng Pháp) và môn tự chọn. Thí sinh đăng ký một trong 2 môn tự chọn: Khoa học Tự nhiên (tổ hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (tổ hợp môn Lịch sử, Địa lý, Chính trị). Hầu hết các bài thi dưới hình thức trắc nghiệm nhưng bài thi tiếng Trung sẽ yêu cầu tự luận.

Cách chấm gaokao có nhiều điểm khác biệt giữa các tỉnh, thành phố tại Trung Quốc. Cách chấm phổ biến nhất dựa trên thang điểm 750. Trong đó, điểm tuyệt đối 3 môn Tiếng Trung, Toán và Tiếng Anh là 150, môn tự chọn là 300. Thí sinh đạt từ 640 điểm (bậc 1) trở lên được đánh giá là có năng lực khá, giỏi. Đạt từ 480 điểm (bậc 2) là năng lực trung bình và đạt từ 400 điểm (bậc 3) là trung bình thấp.

Trung bình, trên toàn quốc, khoảng 10% thí sinh nhận được điểm bậc 1 (cho phép đăng ký vào các trường tốp đầu), trong khi 20% khác nhận được điểm bậc 2.

2. Hàn Quốc

Một kỳ thi “khó nhằn” khác tại châu Á là kỳ thi đánh giá năng lực đại học của Hàn Quốc, còn gọi là Suneung (tiếng Anh là CSAT). Thí sinh có thể chọn tất cả hoặc 5 bài thi trong số các môn sau: Tiếng Hàn, Tiếng Anh, Toán học, Khoa học, Nghiên cứu xã hội, Ngoại ngữ 2, Giáo dục nghề nghiệp, Lịch sử, Chính trị.

Bài thi Tiếng Hàn và Tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm với 5 bài nghe. Bài thi môn Toán có hai lựa chọn là Toán A và Toán B, đều gồm 30 câu hỏi trắc nghiệm. Cụ thể, Toán A gồm Toán 1, Giải tích cơ bản, Thống kê. Toán B gồm Toán 1, Toán 2, Tích phân, Thống kê, Hình học và Vectơ.

Với bài thi Ngoại ngữ 2, thí sinh chọn một trong các ngôn ngữ như Tiếng Ả Rập, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Nhật, Tiếng Việt và Tiếng Tây Ban Nha. Bài thi này gồm 30 câu trắc nghiệm. Các môn còn lại là 20 câu trắc nghiệm.

Bài kiểm tra Tiếng Hàn, Toán, Tiếng Anh thang điểm 100, còn 50 là điểm tối đa cho các môn còn lại. Điểm từng môn tính từ A (cao nhất) đến D. Chỉ những thí sinh đạt toàn điểm A, B mới có thể trúng tuyển một trong các trường đại học SKY (3 trường danh tiếng hàng đầu Hàn Quốc gồm Trường ĐH Quốc gia Seoul, Trường ĐH Hàn Quốc và Trường ĐH Yonsei).

Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành kỳ thi gaokao năm 2021.
Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành kỳ thi gaokao năm 2021.

3. Mỹ

Không giống như Hàn Quốc, Trung Quốc dựa trên điểm số, hồ sơ ứng tuyển vào các trường ĐH Mỹ yêu cầu khá nhiều tiêu chí. Về điểm số, thí sinh cần tham dự SAT hoặc ACT, hai kỳ thi chuẩn hóa năng lực quốc tế.

Bài thi SAT gồm Đọc hiểu (52 câu), Viết (44 câu) và Toán (58 câu) và bài luận (không bắt buộc). Bài thi SAT có thang điểm là 1600, trong đó Toán 800 điểm, Tiếng Anh, Đọc và Viết tổng 800 điểm. Thí sinh không bị trừ điểm nếu trả lời sai.

Bài thi ACT gồm Tiếng Anh (75 câu), Toán (60 câu), Đọc hiểu và Khoa học (40 câu), bài luận (không bắt buộc). Bài thi ACT có thang điểm là 36.

Ngoài ra, thí sinh phải nộp thành tích ngoại khóa; bài luận chung; bài luận riêng theo yêu cầu của từng trường; thư giới thiệu của giáo viên, cố vấn học tập (nếu có). Hội đồng tuyển sinh các trường ĐH, CĐ Mỹ sẽ lựa chọn thí sinh dựa trên tổng thể các yếu tố trên.

4. Anh

Tại Anh, các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả từ nhiều kỳ thi chuẩn hóa như GCSE, A-level và IB (bằng tú tài quốc tế). Cụ thể, GCSE là chứng chỉ giáo dục THPT dành cho học sinh từ 14 - 16 tuổi (tương đương với trình độ lớp 10 tại Việt Nam). Kỳ thi này gồm 3 môn chính là Tiếng Anh, Toán và Khoa học. Điểm từng môn lẻ được tính từ A* (cao nhất) đến G.

Sau khi nhận chứng chỉ GCSE, học sinh Anh có thể đi làm hoặc học tiếp chương trình A-level (chứng chỉ giáo dục THPT bậc cao), tương đương chương trình lớp 11, 12 tại Việt Nam. Thường kéo dài 2 năm, chương trình A-level là tiền đề để thí sinh ứng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Hiện nay, chương trình A-level gồm có hơn 50 môn học như Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hoá học, Địa lý… Thí sinh có thể chọn học và kiểm tra năng lực trong những môn này. Các bài thi A-level có điểm từ A* (cao nhất) đến E.

Các trường ĐH, CĐ xác định điểm đạt theo từng môn lẻ. Thông thường, A, B là điểm đầu vào những trường đại học hàng đầu. Một số quốc gia như Mỹ, Australia, Singapore, Canada cũng sử dụng điểm A-level để xét tuyển đại học.

Bên cạnh đó là kỳ thi IB, sử dụng tại Anh và cho các trường quốc tế. Các môn học IB chia thành 6 nhóm gồm nhóm 1 (Văn học Anh và Ngôn ngữ), nhóm 2 (Ngoại ngữ), nhóm 3 (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế), nhóm 4 (Sinh học, Hóa học, Vật lý), nhóm 5 (Toán học, Khoa học máy tính), nhóm 6 (Nghệ thuật thị giác, Âm nhạc, Sân khấu). Học sinh chọn 5 môn từ nhóm 1 - 5, môn thứ 6 có thể chọn từ nhóm 6 hoặc trong 5 nhóm còn lại. Trong đó, 3 môn học theo cấp độ chuẩn và 3 môn học nâng cao.

Bài thi IB gồm 6 môn thí sinh chọn với điểm từng môn từ 1 (thấp nhất) đến 7 (cao nhất). Trong đó, tổng điểm tối thiểu để nhận chứng chỉ là 24 điểm. Tổng điểm tối đa là 45 điểm, gồm 42 điểm các môn và 3 điểm cộng. Thí sinh sẽ sử dụng điểm số này để ứng tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Gaokao có tiêu chuẩn ngang bằng với GCSE (kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Anh). Hiện nay, một vài cơ sở giáo dục đại học trên thế giới chấp nhận điểm số của gaokao, trong đó yêu cầu thí sinh đạt trên 85% tổng số điểm và có trình độ ngoại ngữ cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ