Giáo dục bảo vệ môi trường qua tranh vẽ

GD&TĐ - Những năm gần đây, các cuộc thi vẽ tranh về môi trường dành cho lứa tuổi học đường đã thu hút hàng vạn bài dự thi. Từ thực tiễn cuộc sống, những hình ảnh tái hiện trong tranh vẽ, thông qua cảm nhận của các em, góp phần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, cũng như phát hiện và bồi dưỡng mầm non nghệ thuật trong bộ môn hội họa. 

Bức tranh đoạt giải Nhất của học sinh Võ Đặng Thúy An
Bức tranh đoạt giải Nhất của học sinh Võ Đặng Thúy An

Sân chơi hội họa học đường

Từ khi vấn đề bảo vệ môi trường được quan tâm, rất nhiều cuộc thi đã thu hút lượng lớn học sinh tham gia. Có thể nói, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) là một trong số những trường học hưởng ứng mạnh mẽ. Những bức tranh vẽ của học sinh được đóng quyển trang trọng, đồ sộ.

Nhiều em đoạt giải cao. Với chủ đề “Trái đất trong tay em”, từ 3.000 bức tranh nhà trường đã chọn ra 100 bức để triển lãm. Những bức tranh được lồng trong khung kính, treo trang trọng tại Trung tâm Văn hóa Pháp. Mỗi bức vẽ được học sinh lựa chọn chất liệu vẽ khác nhau như màu chì, màu nước, sơn acrylic, sơn dầu, chất liệu tổng hợp, tạo nên sự phong phú, đa dạng, cuốn hút người xem.

TS Đồng Xuân Thụ - Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam - Trưởng ban tổ chức Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Vì môi trường tương lai”, vừa trao giải tháng 1/2019, chia sẻ: “Năm đầu tiên tổ chức, nhưng chúng tôi đã nhận được gần 3 vạn tranh đến từ 1.702 đơn vị gửi về dự thi.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã ghi nhận đây là cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề môi trường có số lượng tranh tham gia nhiều nhất Việt Nam. Tranh tham dự giải đến từ các trường học, trung tâm văn hóa thiếu nhi, câu lạc bộ nghệ thuật, lớp vẽ. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong ở Hải Phòng có số lượng tranh tham dự lớn nhất, với 1.789 tranh vẽ.

Những bức tranh do các em thiếu nhi vẽ thể hiện cách nhìn độc đáo nhưng sâu sắc, đa dạng về chủ đề môi trường hiện nay như ô nhiễm nguồn nước, vấn nạn chặt phá rừng, biến đổi khí hậu, sự nóng lên của Trái đất, bảo tồn động vật, thực trạng sử dụng túi nilon. Tranh có bố cục chặt chẽ, màu sắc đa dạng, tươi sáng, hồn nhiên nhưng rất sáng tạo.

Qua đó, có thể thấy tình yêu dành cho đất nước, nhận thức bảo vệ môi trường của các em học sinh. Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 6 giải Nhì, 15 giải Ba và 144 giải Khuyến khích”. 

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Ban tổ chức chọn tranh chấm giải
 Ban tổ chức chọn tranh chấm  giải

Khi xem các tác phẩm của học trò dự thi, người xem cảm nhận rõ nét tinh thần hội họa của các họa sĩ nghiệp dư với cái nhìn độc đáo và sâu sắc trước thực trạng biến đổi khí hậu. Nó tác động đến môi trường sống như thế nào, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người, qua đó, tác động nhận thức và hành động cho mỗi học sinh, các em cần làm gì để bảo vệ môi trường, vấn đề có ý nghĩa toàn cầu.

Đúng với tên gọi của chủ đề cuộc thi: Môi trường và cuộc sống, các tác phẩm dự thi đã thể hiện những nét đẹp kỳ diệu của thiên nhiên, khoảnh khắc con người lao động và sinh hoạt gắn với môi trường, hình ảnh con người đối mặt với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nét đẹp khi con người nỗ lực xây dựng, gìn giữ, bảo vệ môi trường, thực trạng ô nhiễm môi trường và tác động của nó tới đời sống, sức khỏe con người.

Những khoảnh khắc đó được thể hiện dưới nhiều góc nhìn phong phú, độc đáo và đầy tính nghệ thuật. Môi trường - Bảo vệ Môi trường - Phát triển môi trường bền vững là thông điệp được kêu gọi trên khắp cả nước.

Cô giáo dạy Mỹ thuật Trần Kim Oanh, Trường THCS Nguyễn Khuyến (Bình Lục, Hà Nam) cho biết: “Những bức tranh do các em thiếu nhi nói riêng, học sinh nói chung gửi tham dự tại các cuộc thi lớn đã thể hiện cách nhìn độc đáo nhưng rất sâu sắc, đa dạng về chủ đề môi trường hiện nay. Tuy là những họa sĩ nhí nhưng các bức tranh đều có bố cục chặt chẽ, sáng tạo. Qua đó thấy tình yêu của các em dành cho quê hương, đất nước và vai trò quan trọng của việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống”.

Thực tế cho thấy, khi được tham gia cuộc thi vẽ tranh với chủ đề môi trường, học sinh đã gửi vào chính đứa con tinh thần hội họa của mình nhận thức sâu sắc, hiểu biết của cá nhân về hiện trạng và hiểm họa khủng khiếp của biến đổi khí hậu, từ đó góp phần giáo dục các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho chính mình.

Theo Vũ Kiên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.