(GD&TĐ)-Đội ngũ giảng viên trẻ là nguồn lực vô cùng quan trọng trong các trường ĐH, CĐ. Do những khó khăn trong giai đoạn đầu tiên của sự nghiệp, thì ngoài sự quan tâm giúp đỡ của nhà trường và lãnh đạo, giảng viên trẻ rất cần một môi trường năng động để hoạt động và phấn đấu.
Ảnh minh họa |
Để trở thành giảng viên: không dễ dàng
ThS. Nguyễn Việt Hà, một giảng viên trẻ của Trường CĐ Sư phạm Hà Nội tâm sự, để trở thành giảng viên thực sự là một việc không hề dễ dàng. Một sinh viên muốn trở thành giảng viên và được ở lại trường sau khi tốt nghiệp đại học phải đạt được những tiêu chí tương đối khắt khe như: Tốt nghiệp đại học loại giỏi, có bằng thạc sĩ và cử nhân hệ chính quy đúng chuyên ngành loại khá trở lên đối với vị trí giảng, tiếng Anh trình độ TOEFL 500 trở lên, sử dụng thành thạo máy vi tính.
Bên cạnh đó, ứng viên còn phải tham gia các kì sát hạch gắt gao về cả nhận thức chính trị cũng như về chuyên môn. Trước khi giảng chính thức phải có 1 năm trợ giảng và thử việc. Sau đó mới chính thức trở thành giảng viên của một trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Nhưng khi đã trở thành giảng viên của một trường đại học, cao đẳng thì người giảng viên trẻ phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo đức và nhân cách, đồng thời phải thường xuyên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và kĩ năng sư phạm. Điều này tưởng chừng rất đơn giản và tất nhiên, nhưng với các giảng viên trẻ lại là sự thách thức vô cùng to lớn nhất là với giảng viên của trường sư phạm.
Theo ThS. Nguyễn Việt Hà, các giảng viên trẻ phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía: áp lực về kinh tế, về bằng cấp, về thời gian, do đó thời gian đầu tư vào chuyên môn nghiệp vụ sẽ bị xao nhãng dẫn đến sự mai một về tay nghề. Nhiều giảng viên trẻ đã không chịu được các áp lực này nên lòng tin về nghề, lòng yêu nghề đã giảm sút và có xu hướng rời bỏ nghề giáo để đi tìm các công việc có thu nhập cao và tính chất công việc nhẹ nhàng hơn.
Không chỉ thế, người giảng viên lại phải kiêm nhiệm hai nhiệm vụ chuyên môn cơ bản đó là giảng dạy và nghiên cứu. Mỗi giảng viên phải hoàn thành nhiệm vụ NCKH được giao, chức danh hoặc vị trí công việc, phải công bố kết quả nghiên cứu (sản phẩm, bài báo, đề tài,…). Ngoài ra người giảng viên trẻ còn phải học thêm ngoại ngữ và hoàn thành các chỉ tiêu về chuyên môn do nhà trường quy định: Hoàn thành thạc sĩ, tiến sĩ, các văn bằng chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, lí luận chính trị,…
Vừa soạn bài, vừa phải tự bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức sư phạm và kĩ năng giảng dạy, lại phải chịu các áp lực rất lớn về kinh tế và công việc, để có một chuyên môn giảng dạy tốt đối với người giảng viên trẻ đó thực sự là một chặng đường gian nan vất vả.
Cần có chính sách phù hợp hơn đối với cán bộ giảng viên trẻ
Nhận định, chế độ lương hiện nay không hấp dẫn cán bộ trẻ có năng lực làm giảng viên ĐH, nhất là ở các chuyên môn như công nghệ thông tin, kỹ thuật, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Viết Thịnh cho rằng cần có chính sách lương phù hợp hơn đối với cán bộ giảng viên trẻ. Riêng với ngành sư phạm, theo Hiệu trưởng Nguyễn Viết Thịnh nên tính toán lại giờ lao động của giảng viên cho phù hợp với đặc điểm lao động của họ, nên có chế độ phụ cấp, bồi dưỡng đứng lớp, tính ngay từ giờ đầu tiên, điều này có lợi cho cán bộ trẻ và không biến họ trở thành "thợ dạy".
Nhấn mạnh đến vấn đề NCKH cho giảng viên trẻ, TS. Đoàn Văn Thược-Khoa Sinh học, Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng, Nhà nước và các trường đại học cần tăng cường nguồn kinh phí cho các tài liệu khoa học. Cùng với nguồn tài liệu, các cán bộ trẻ cần được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ tiếng Anh, nâng cao văn hóa đọc, tích cực tìm kiếm thông tin tài liều từ nhiều nguồn khác nhau. Bên cạnh nguồn kinh phí thường xuyên dành cho đào tạo, các trường đại học cần có chiến lược huy động và dành kinh phí mua sắm trang thiết bị phục vụ NCKH....
Giảng viên Nguyễn Hà My - Khoa Giáo dục Đặc biệt, Trường ĐHSP Hà Nội yêu cầu, nhà trường và Đoàn trường nên có nhiều hình thức và biện pháp hoặc chính sách để động viên, khuyến khích giảng viên đặc biệt là giảng viên trẻ NCKH, có những công trình có giá trị cao để áp dụng vào thực tiễn giảng dạy như những nghiên cứu về đổi mới phương pháp dạy học, đề xuất, thử nghiệm các nội dung dạy học mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, ứng dụng CNTT trong quá trình dạy học,… và có cơ chế đảm bảo thực hiện các hoạt động NCKH, đổi mới phương pháp dạy học của giảng viên trẻ.
Tiến sĩ Đỗ Tiến Sĩ, Học viện Quản lý giáo dục thì đề nghị cần có một chế độ pháp lý sao cho việc phát triển nghề nghiệp của giảng viên không phải là chuyện của cá nhân, mà là chiến lược phát triển chung của nhà trường.
Hiếu Nguyễn