Giảng viên trẻ chế tạo máy tách vỏ dừa tự động

GD&TĐ - Máy tách vỏ dừa tự động phục vụ sản xuất tơ dừa có thể tách đến 700 vỏ dừa/giờ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, là sản phẩm của ThS Đặng Hoàng Vũ, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh.

Nhóm nghiên cứu bàn giao máy tách vỏ dừa cho doanh nghiệp tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Nhóm nghiên cứu bàn giao máy tách vỏ dừa cho doanh nghiệp tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Tách vỏ để sản xuất xơ dừa

Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Trà Vinh do ThS Đặng Hoàng Vũ đứng đầu đã nghiên cứu “Chế tạo máy tách vỏ trái dừa tại Trà Vinh phục vụ sản xuất tơ xơ dừa”. ThS Vũ cho biết, tơ xơ dừa là một dạng sản phẩm từ vỏ dừa, chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu, sợi xơ dừa dùng để làm chổi, bàn chải, thảm chùi chân, thảm lót sàn, đệm xơ dừa, tấm xơ dừa tráng cao su....

Nhu cầu tiêu thụ và thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ xơ dừa là rất lớn, song năng lực sản xuất của doanh nghiệp trong nước còn hạn chế do khâu tách vỏ lấy xơ vẫn phải thực hiện bằng phương pháp thủ công.

Phương pháp này không những tiềm ẩn nguy cơ về an toàn cho người lao động mà còn làm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gặp tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động trong khâu tách vỏ dẫn đến hạn chế về năng suất.

Hiện, một số cơ sở chế biến dừa đã có máy tách vỏ tự chế nhưng chỉ là sản phẩm đơn lẻ, năng suất thấp, đặc biệt là chưa có khả năng tích hợp với dây chuyền sản xuất công nghiệp. Với mong muốn góp phần giảm thiểu nguy cơ về tai nạn lao động, đồng thời nâng cao năng suất sản phẩm cho các cơ sở chế biến tơ xơ dừa, nhóm nghiên cứu đã bắt tay thực hiện sản phẩm.

Nhóm đã tìm ra nguyên lý tách trục răng quay dựa trên nguyên lý chuyển động quay tròn hai trục ru-lô mang nhiều răng nhọn. Trên trục ru-lô răng bố trí các trụ nhọn có khả năng đâm xuyên qua lớp vỏ trái dừa.

Các răng trên hai trục ru-lô được bố trí lệch nhau theo vòng răng, tăng khả năng bấu răng liên tục lên vỏ trái dừa dẫn đến vỏ dừa được tách liên tục cho đến khi hoàn toàn ra khỏi hột dừa.

Qua đó, nhóm nghiên cứu tiến hành chế tạo mẫu máy và cải tiến thêm một số yếu tố như biên dạng răng trên trục ru-lô răng tách, bố trí thêm cơ cấu trợ lực giữ dừa trái và tỳ quả dừa vào sát trục răng tách, biên dạng cánh cao su tại vị trí tiếp xúc với quả dừa.

Kết quả cho thấy, máy có khả năng tách được 500 - 700 trái dừa/giờ. Máy sử dụng nguồn điện lưới gia đình (220 V, 1 pha), điện năng tiêu thụ 6 kW/h, đơn giản, dễ sử dụng. Tơ xơ dừa được tách bằng máy và bằng tay có chất lượng tương đồng nhau cả về màu sắc và độ tơi xốp (hình 2). Tỷ lệ tách sạch vỏ trái dừa khô của máy lên tới 98%. Khối lượng tơ phủ còn lại trên hột dừa là 10 - 15g.

Tơ xơ dừa phủ trên chóp khoảng 30 -45% diện tích hột dừa, giúp bảo quản hột dừa ít bị hư hỏng bởi thời tiết. Máy tách vỏ dừa tự động giúp cho cơ sở, doanh nghiệp chế biến dừa không chỉ tiết kiệm chi phí, thời gian sản xuất, mà còn chủ động trong khâu tách vỏ để sản xuất tơ xơ dừa.

Giảm nhân công, tiết kiệm chi phí

Ngày 11/01/2022, nhóm nghiên cứu sản xuất do ThS Đặng Hoàng Vũ làm Trưởng nhóm cùng với TS Phạm Quốc Phong – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Sản xuất, Dịch vụ (CSP) thuộc Trường Đại học Trà Vinh đã bàn giao máy tách vỏ dừa cho một doanh nghiệp chế biến dừa tại xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

TS Phạm Quốc Phong cho biết, hiện nay, máy có giá thành tương đối phù hợp với cơ sở, khả năng thu hồi vốn đầu tư máy nhanh (khoảng 100 triệu đồng/máy). Với năng suất của máy tách vỏ sẽ giúp cho cơ sở, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian sản xuất trong ngành chế biến dừa, chủ động khâu tách vỏ trong sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Phù Xuân Tâm, chủ doanh nghiệp, cho biết, máy tách vỏ giúp doanh nghiệp chủ động trong khâu thuê nhân công, tiết kiệm chi phí, hơn nữa nguồn điện vận hành cho máy cũng rất tiện lợi vì sử dụng chung điện lưới gia đình, hột dừa sau khi lột vỏ khá sạch, thuận lợi cho việc sản xuất nước cốt dừa, việc vận hành máy cũng khá đơn giản và thuận lợi”.

Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm phiên bản nâng cấp nhằm cải tiến bộ cánh ép để lột vỏ dừa tươi, góp phần tạo sức cạnh tranh, mang lại doanh thu và lợi nhuận cao hơn cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến dừa tại địa phương và các tỉnh lân cận. Định hướng nghiên cứu gắn với sản xuất cũng mục tiêu đang được đẩy mạnh của Trường Đại học Trà Vinh.

Hoạt động này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của các giáo viên trong trường, mà còn đồng thời góp phần đưa tiến bộ kỹ thuật vào đời sống, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và người dân tăng thêm thu nhập từ dừa cũng như nhiều các loại cây trái khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quang Hải cân nhắc tiếp tục xuất ngoại.

Quang Hải chuẩn bị xuất ngoại?

GD&TĐ - Quang Hải hiện đang nhận được sự quan tâm của một số câu lạc bộ ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cả Thái Lan nên cân nhắc xuất ngoại thêm một lần nữa.