Trong những ngày cả nước đồng lòng “chống dịch như chống giặc”, có một bộ phận không nhỏ những người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Họ không chỉ tuân thủ quy định chống dịch của nhà nước mà còn đóng góp cho cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau, thể hiện tình yêu và sự trân trọng với Việt Nam.
Đó là những gì mà các giảng viên đang công tác tại trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã thực hiện trong suốt hơn một năm nay và đặc biệt vào các giai đoạn dịch bệnh bùng phát khó khăn như vừa qua.
Dù không cùng quốc tịch, không chung ngôn ngữ, nhưng khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam, họ cũng cảm nhận được những nỗ lực của chính phủ Việt Nam, sự đồng lòng của các y bác sĩ nơi tuyến đầu ngày đêm “chiến đấu” chống lại dịch bệnh, hàng trăm người tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện, cơ sở cách ly để đưa cuộc sống trở về trạng thái “bình thường mới”.
Tại BUV, tất cả các chương trình quyên góp, hoạt động ủng hộ công tác chống dịch cũng luôn có mặt đội ngũ giảng viên nước ngoài tham gia, giúp lan tỏa sức mạnh và niềm tin chiến thắng đại dịch.
Đầu năm 2020, trên khắp các trang mạng và đặc biệt là các diễn đàn dành cho người nước ngoài lan truyền một bức ảnh chụp chung cư Hà Nội rợp màu quốc kỳ Việt Nam để ủng hộ những người đang chiến đấu chống dịch Covid-19. Đó là tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Ấn Độ Prabu Mohan, đã đoạt giải Nhất hạng mục “Thế giới trong lệnh cách ly” tại cuộc thi quốc tế Aerial Photography Awards 2020.
Prabu Mohan là giảng viên cấp cao đồng thời là Quản lý chương trình Đại học London được giảng dạy tại BUV. Bản thân đã gắn bó với Việt Nam 9 năm qua, anh cảm giác mình "là một phần của Việt Nam" khi xem bức ảnh và bày tỏ sự yêu mến đất nước, con người nơi đây. “Đó là một trong những bức ảnh của tôi thể hiện tình đoàn kết của người Việt Nam và nó kết nối tình cảm của mọi người. Ở khía cạnh đó, đây là bức ảnh đẹp nhất đối với tôi”, anh Prabu Mohan chia sẻ.
Không chỉ Prabu, các giảng viên khác tại BUV cũng không ngần ngại tham gia các chiến dịch do nhà trường khởi xướng để lan tỏa tinh thần gắn kết và sẻ chia với sinh viên và đội ngũ nhân viên trong trường. Với mong muốn truyền đi sự lạc quan, lối sống lành mạnh trong mùa dịch và gây quỹ ủng hộ, Francesco Meca (Quản lý chương trình Quản trị Du lịch và Tổ chức sự kiện, BUV) là một trong những giảng viên tích cực góp mặt trong chiến dịch luyện tập tại nhà “You train. BUV donates” do BUV phát động năm 2020.
Toàn thể sinh viên, giảng viên, nhân viên BUV và cộng đồng được kêu gọi với mỗi động tác chống đẩy, đứng lên-ngồi xuống hay gập bụng, mỗi cá nhân đã đóng góp 5.000 VNĐ cho Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Francesco Meca là một trong nhiều giảng viên tại BUV tích cực tham gia vào các hoạt động ủng hộ công tác chống dịch.
Khi giãn cách xã hội đã được nới lỏng vào thời điểm sau đó, nhận thấy vẫn còn rất nhiều cá nhân cần được hỗ trợ sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, BUV tiếp tục phát động chiến dịch thứ hai mang tên “Keep moving forward - Luôn Tiến Về Phía Trước”- với mỗi bài đăng facebook về một thông điệp tích cực, mỗi cá nhân đã đóng góp 100.000 VNĐ cho Quỹ phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chiến dịch này nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều giảng viên nước ngoài tại BUV.
Sau 20 ngày thực hiện sôi nổi 2 chiến dịch, BUV đã quyên góp được tổng số tiền 100 triệu VNĐ để trao tặng cho đại diện Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam vào ngày 12/05/2020.
Gần đây nhất, hòa chung tinh thần đồng lòng chống dịch với cả nước, BUV tiếp tục kêu gọi nhân viên quyên góp để ủng hộ thiết bị bảo hộ lao động (PPE), găng tay, khẩu trang,…tới đội ngũ tình nguyện viên tại tâm dịch huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang- những người đang phải căng mình làm việc trong những điều kiện khó khăn và ngặt nghèo.
Xúc động trước những tấm lòng cao cả của đội ngũ y bác sĩ nơi tuyến đầu, Aiman Abousher (Quản lý chương trình Quản trị Marketing, BUV) đã bày tỏ lòng biết ơn khi quyên góp cho chiến dịch: “Lời kêu gọi ủng hộ của nhà trường đã thực sự chạm tới rất sâu trái tim tôi. Có lẽ không có lời nào đủ để diễn tả lòng biết ơn của tôi tới những Ngôi sao (Real Star) và Anh hùng (Real Hero) giữa đời thực- những người đang mạo hiểm mạng sống của chính mình và gia đình họ để giữ cho chúng ta an toàn trước tử thần từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.
Tôi khâm phục sự hi sinh vô giá của họ đối với đồng bào, ở đó, tinh thần quyết tâm và sự sẵn lòng cống hiến để cứu người đã thực sự tỏa sáng và truyền cảm hứng. Tôi nghe thấy, cảm nhận thấy và sẽ đáp lại lời kêu gọi thiết thực này với tất cả sự tử tế, nhân văn và lòng khiêm tốn của mình.”
Đây có lẽ cũng là tiếng lòng chung của những giảng viên quốc tế tại BUV- những người chia sẻ rằng họ cảm thấy may mắn khi dịch bệnh tại Việt Nam được xử lý rất tốt, ít nghiêm trọng hơn nhiều nơi khác trên thế giới, giúp công việc của họ không bị ảnh hưởng và cuộc sống được duy trì một cách “bình thường”.
Hơn tất cả các khoản hỗ trợ, quyên góp, điều còn lại đáng quý nhất sau đại dịch có lẽ chính là tinh thần tương thân tương ái của không chỉ người dân Việt Nam mà còn từ những người bạn quốc tế, vì một tình yêu với con người và đất nước Việt Nam- nơi họ cảm thấy “thuộc về”.