Giảng viên đại học Mỹ 'truy xuất' giọng nói xứ Quảng

GD&TĐ - Sau nhiều năm nghiên cứu, PGS.TS Andrea Hoa Pham thuộc Đại học Florida (Hoa Kỳ) sắp ra mắt công trình “truy xuất” nguồn gốc giọng Quảng Nam.

Trải qua 25 năm, tác giả Andrea Hoa Pham mới hoàn thành công trình nghiên cứu về giọng Quảng Nam.
Trải qua 25 năm, tác giả Andrea Hoa Pham mới hoàn thành công trình nghiên cứu về giọng Quảng Nam.

Giọng nói của người Quảng Nam và ở phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi là nguồn cảm hứng cho nhiều giai thoại và truyện cười dân gian.

Dù đã có nghiên cứu, nhưng chưa công trình nào giải thích lý do vì sao có sự khác biệt quá lớn, cũng như các biến đổi âm thanh. Andrea Hoa Pham đã đi sâu “giải mã” các căn nguyên giọng Quảng.

Nguồn gốc di dân

Tác giả Andrea Hoa Pham quê gốc Quảng Nam. Cô tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto, hiện đang là PGS.TS tại Khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa (Đại học Florida, Mỹ). Cô trải qua 25 năm nghiên cứu về âm vị giọng Quảng Nam, kể từ luận văn Thạc sĩ năm 1997.

Mở đầu lời ngỏ của công trình nghiên cứu “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam”, Andrea Hoa Pham viết: “Trước hết miêu tả giọng nói của người Quảng Nam, sau nữa là cố gắng đưa ra giả thuyết vì sao giọng Quảng Nam lại khác xa đến thế.

Nhiều chuyến điền dã đã được thực hiện không chỉ ở Quảng Nam, mà còn ở Hà Tĩnh và Thanh Hóa - hai phương ngữ nền tảng đã cung cấp chất liệu cho việc hình thành giọng nói Quảng Nam”.

Quảng Nam là vùng đất trải qua nhiều biến động trong lịch sử Nam tiến của các triều đại phong kiến. Đó cũng là nơi đầu tiên mà những nhà truyền giáo châu Âu đến sinh sống và sáng tạo ra chữ Quốc ngữ. Ở đó có sự giao thoavăn hóaViệt - Chăm, có lịch sử di dân từ miền Bắc vào trong nhiều giai đoạn, có sự đồng hóa và tiếp biến văn hóa…

Lịch sử di dân được nhắc đến trong các thư tịch xưa không nhiều, vấn đề quan trọng là cần phải tìm hiểu và xác định được nguồn gốc cũng như thân phận của những di dân đầu tiên. Có như vậy mới biết được phương ngữ nào được dùng đầu tiên trên vùng đất này, nói khác đi là tìm hiểu ai đã khai sinh ra giọng nói Quảng Nam hiện nay.

Andrea Hoa Pham đặt ra hàng loạt câu hỏi và cố gắng “truy xuất” nguồn gốc giọng Quảng Nam - không chỉ theo dòng nghiên cứu lịch sử, mà bằng khối kiến thức về ngôn ngữ, văn hóa cũng như những chuyến đi điền dã.

“Phủ tập Quảng Nam ký sự” từng ghi chép việcBùi Tá Hántổ chức di dân từ phía Bắc vào trấn Quảng Nam. Bấy giờ, di dân ồ ạt vào Quảng Nam sinh sống lập nghiệp xuất phát từ Thanh Hóa, Nghệ An và Hải Dương.

Tác giả Andrea Hoa Pham cho rằng: “Nghệ An và Thanh Hóa đã sớm có duyên với đất Quảng Nam, là nơi xuất thân của di dân ngay từ đầu, là quê hương gốc gác của các quan tướng, và của các di dân nghèo. Khi vào đất Quảng, những người này đã mang theo giọng nói từ quê cha đất tổ”.

Tuy đi sâu tìm nguồn gốc hình thành giọng Quảng, nhưng trong lời ngỏ - tác giả cho biết, cuốn sách không phải là một công trình hoàn chỉnh. Những kết quả tìm tòi và trình bày chỉ̉ là một phần của bài toán khó.

Trước đây, theo lý giải của GS Trần Quốc Vượng về việc thế nào là giọng nói đặc biệt của người Quảng Nam, được nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú dẫn lại - thì “đó chính là giọng của các bà mẹ Chàm nói tiếng Việt! Các mẹ Chàm có chồng Việt phải nói tiếng Việt bằng cái giọng lơ lớ của mình. Cái giọng ấy truyền cho con cái để hình thành nên giọng Quảng”.

PGS.TS Andrea Hoa Pham (sau cùng bên phải) trong một chuyến đi thực địa tại Hà Tĩnh.

PGS.TS Andrea Hoa Pham (sau cùng bên phải) trong một chuyến đi thực địa tại Hà Tĩnh.

“Dị biệt” giọng Quảng

Sáng 9/7 tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, PGS.TS

Andrea Hoa Pham sẽ chính thức giới thiệu và trao đổi về nội dung công trình “Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam” cùng những vấn đề liên quan. Công trình ra đời dịp kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471 - 2021), nhằm góp thêm một tư liệu quý để tìm hiểu về nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này.

Một số từ ngữ và câu nói mang đặc trưng của chất giọng của người Quảng Nam mà GS Cao Xuân Hạo đưa ra: Máy bay – má ba, chảy máu – chả má, bói bài – búa bừa, đau đầu – đa dào, bãi sau – bữa sa, mây cói – mai cúa, cây măng – cai meng, sân sau – sang sa, cháo rau – chó ra, học làm – hạc lòm…

Một số câu nói mà người Quảng Nam cũng thường hay tự giễu mình: “Eng không eng téc đèng đi ngủ, đừng có kèng nhèng chó kéng nheng reng” (ăn không ăn tắt đèn đi ngủ, đừng có cằn nhằn chó cắn nhăn răng). Hay: “Mì tơm anh Tốm Quảng Nôm, hồi mô đúa bụng dô lồm một tô” (Mì tôm anh Tám Quảng Nam, hồi mô đói bụng vô làm một tô).

Còn theo Andrea Hoa Pham, khác biệt lớn nhất giữa giọng Quảng Nam với giọng Bắc và giọng Nam - là giọng Quảng có thêm một nguyên âm viết bằng “a” trong chữ Quốc ngữ, mà những phương ngữ khác không có.

Cụ thể, nguyên âm “a” trong các giọng địa phương khác được người Quảng phát âm như “oa” (trong âm tiết mở) hoặc ô (trước phụ âm m và p). Ví dụ: Ba, má, gà, cá, đạp được người Quảng Nam phát âm nghe như: Boa, móa, gòa, cóa, độp (xe đạp = xe độp).

Việt Nam có nhiều tỉnh, thành và gần 60 dân tộc, nhưng “chơi riêng” về giọng (phonology) như xứ Quảng thì không có mấy nơi tương đồng. Theo thời gian, những phát âm kiểu này tồn tại như một chỉ dấu để xác định căn cước người Quảng Nam.

Là nhà nghiên cứu khoa học, không chỉ đưa ra các chứng cứ cho những luận điểm của mình, Andrea Hoa Pham còn đặt ra các vấn đề và những giả thuyết để khơi gợi sự kiếm tìm khác.

Đối với tác giả, với những chứng cứ hiện có, đây chỉ là một cách hiểu hợp lý nhất. Cô mong muốn các nhà nghiên cứu sẽ góp phần làm rõ thêm nguồn gốc và sự hình thành một giọng nói đặc biệt “không giống ai” trên quê hương Việt Nam.

“Bảy chương sách là câu chuyện về cuộc hành trình ấy, để hiểu về những điều kỳ lạ và kỳ diệu trong giọng Quảng Nam, về các chuỗi biến đổi độc đáo trong phần vần. Vài câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ, và hẳn nhiên cần đến sự tiếp sức của rất nhiều đồng nghiệp và các thế hệ tiếp nối”, Andrea Hoa Pham chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ