Đề tài NCKH “Về chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân TTON” từng công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) năm 2018 của chị vừa được đề cử nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
Góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ TTON thế giới
Nói về thành tựu của đề tài nghiên cứu vừa được đề cử nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu, BS Ngọc Lan vui mừng chia sẻ: Tôi nghĩ thành tựu lớn nhất là cùng các đồng nghiệp tìm ra phác đồ, kỹ thuật điều trị mới, hiệu quả để giúp chữa trị cho bệnh nhân.
Nghiên cứu “Về chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân TTON” của giảng viên - bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan có ý nghĩa rất lớn. Bởi mỗi trường hợp đều được đặt ra câu hỏi nên chuyển phôi tươi hay trữ đông lạnh rồi sau đó mới rã đông để chuyển. Nhiều chuyên gia trên thế giới vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải nên chọn phương pháp nào sẽ hiệu quả.
Trước đây, các trung tâm có xu hướng chuyển phôi tươi nhưng sau đó một số báo cáo cho thấy tỷ lệ có thai giảm. Một số nơi có xu hướng chuyển sang đông lạnh phôi toàn bộ để hy vọng cải thiện kết quả. Tuy nhiên, việc đông lạnh phôi toàn bộ lại làm tăng chi phí và làm trì hoãn cơ hội có thai của người bệnh thêm vài tháng.
Với nhiều thành quả trong NCKH, nổi bật trong lĩnh vực TTON, PGS.TS.BS Vương Thị Ngọc Lan vinh dự nhận được những danh hiệu cao quý: Giải thưởng Kovalevskaya 1998 (tập thể) vì công trình TTON đầu tiên tại Việt Nam; Giải thưởng Nhà nước 2005 (tập thể); Bằng khen của Bộ Y tế về NCKH 2018; Là một trong 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes bình chọn.
Từ nghiên cứu của giảng viên - bác sĩ Ngọc Lan và cộng sự, nhóm bệnh nhân hiếm muộn (không thuộc nhóm hội chứng buồng trứng đa nang) có tỷ lệ thai sống cao tương đương khi sử dụng phôi đông lạnh. Đây cũng là thông tin quan trọng đối với phụ nữ hiếm muộn trên thế giới. Phát hiện này có thể khuyến khích các bác sĩ chỉ cấy một phôi mỗi lần, giúp giảm nguy cơ dẫn đến đa thai và các biến chứng liên quan khi cấy nhiều phôi cùng lúc.
Công trình nghiên cứu “Về chuyển phôi tươi so với chuyển đông lạnh cho bệnh nhân TTON” là một hành trình dài hơn 3 năm từ khi thai nghén ý tưởng nghiên cứu, triển khai. Trong hành trình khó quên đó, chị và nhóm nghiên cứu đã học được rất nhiều từ cách làm việc chuyên nghiệp của GS ở các viện nghiên cứu tại Australia, cũng như những khó khăn nhóm phải trải qua. Vì thế, sau 17 lần chỉnh sửa bản thảo nội bộ, 5 lần chỉnh sửa với biên tập của tạp chí NEJM, công trình nghiên cứu mới được đăng tải vào tháng 1/2018. Sự kiện này đánh dấu thành tựu y khoa Việt Nam lên bản đồ TTON của thế giới một cách ngoạn mục.
Biết ơn đồng nghiệp, gia đình
Bác sĩ Ngọc Lan, một trong những thành viên của ê-kíp thực hiện TTON đầu tiên của Việt Nam vào năm 1997. Thời gian đầu thực hiện kỹ thuật này, tỷ lệ thành công thấp và chỉ thực hiện được kỹ thuật cơ bản nhất. Trong khi đó, nhu cầu và mong đợi của bệnh nhân thì lớn. Từ thực tế này, nhiều năm qua chị và các cộng sự quyết tâm nghiên cứu để tăng cơ hội thành công trong điều trị, thực hiện được nhiều kỹ thuật điều trị khác nhau nhằm giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận của bệnh nhân.
Theo bác sĩ Lan, vấn đề khó khăn nhất trong NCKH ở Việt Nam, nhất là nghiên cứu cơ bản là phương tiện, trang thiết bị và kinh phí cho nghiên cứu. Chị và cộng sự đồng thời cần nhiều thời gian để đọc, tìm hiểu, phân tích vấn đề và lập kế hoạch. Có lúc, chị ước một ngày của mình có hơn 24 giờ sẽ tốt biết bao. Tuy vậy, thời gian vẫn là 24 giờ hiện hữu và chị, ngoài nhiệm vụ NCKH, còn tham gia giảng dạy, quản lý và chăm sóc gia đình. Việc nào cũng quan trọng nhưng chị đã tròn vai một cách xuất sắc.
“Thật lòng, để bảo đảm tất cả công việc quản lý, giảng dạy, điều trị bệnh nhân, NCKH và cả việc gia đình, mà công việc nào cũng đạt chất lượng tốt, là một thách thức rất lớn đối với tôi. Quản lý thời gian là một kỹ năng cần thiết để bảo đảm thực hiện tốt nhiều nhiệm vụ. Ngoài ra, tôi không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các đồng nghiệp và gia đình. Tôi thật sự biết ơn về điều đó”, bác sĩ Ngọc Lan chia sẻ.