Giăng rộng tấm “lưới lọc”

Giăng rộng tấm “lưới lọc”
Học tốt sách giáo khoa chính thống giúp học sinh phát triển tư duy đúng hướng
Học tốt sách giáo khoa chính thống giúp học sinh phát triển tư duy đúng hướng

(GD&TĐ) - Để ngăn chặn sách tham khảo (STK) có “sạn”, chỉ nỗ lực của ngành Giáo dục là không đủ. Muốn nhặt càng sạch “sạn”, tấm lưới lọc phải càng rộng, càng tỷ mỷ. Tạo thành tấm lưới đó, cần sự tham gia của các bộ ngành và toàn xã hội, trong đó, đặc biệt quan trọng là nhận thức đúng về STK, sự lựa chọn thông minh, sáng suốt của các bậc phụ huynh, của mỗi học sinh.

Chị Lê Minh Hằng - Hoàn Kiếm (Hà Nội): 

Khoảng trống trong quản lý

Một quyển STK, tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại thấy một khoảng trống lớn trong quản lý. 

STK dùng cho giáo viên và học sinh là sách trong lĩnh vực giáo dục nhưng Bộ GD&ĐT lại không có chức năng quản lý chất lượng nội dung của chúng. Cục xuất bản được giao nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực xuất bản nhưng lại không chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản của các ấn phẩm. Trách nhiệm về nội dung xuất bản thuộc về giám đốc nhà xuất bản. Nhưng vì lợi nhuận, một nhà xuất bản vẫn nhắm mắt ký duyệt in nhiều đầu STK kém chất lượng. 

Tôi rất bất bình trước tình trạng chạy theo đồng tiền của một số nhà xuất bản mà ảnh hưởng xấu đến chất lượng và kết quả học tập của hàng triệu học sinh, làm méo mó phương pháp học tập của con em chúng tôi.

Chị Nguyễn Thị Bền (Tứ Kỳ - Hải Dương): 

Không nên lựa chọn STK một cách chủ quan

Tôi là giáo viên, nhưng cũng có con nhỏ đi học và cũng cần mua STK vừa phục vụ giảng dạy, vừa để con nâng cao kiến thức.

Trong quá trình giảng dạy, giáo viên chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật STK mới ra hàng năm. Tuy nhiên, tôi và các bạn đồng nghiệp không lệ thuộc vào bất kỳ quyển sách cụ thể nào cả. Giữa mấy chục đầu sách, chúng tôi luôn xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn những nội dung thiết thực, hợp lý, sau đó tổng hợp lại để xây dựng đề cương môn học cũng như đề kiểm tra cho học sinh. 

Tôi có lời khuyên với các cha mẹ: Không nên lựa chọn STK một cách chủ quan. Điều quan trọng là phải nắm bắt được điểm mạnh, điểm yếu, năng lực thực tế của con. Từ đó, mỗi người tự cân nhắc để lựa chọn được sách tham khảo cũng như cách sử dụng sao cho phù hợp nhất. Không có quyển sách nào bao quát được tất cả mọi vấn đề.

Em Trần Văn Nghĩa (thành phố Phủ Lý - Hà Nam): 

Cứ học tốt sách giáo khoa là sẽ đỗ ĐH

Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mẹ lo cho đủ sách giáo khoa để học đã phải cố gắng chắt bóp dành dụm rồi. Trong khi STK giá rất đắt, nên em không có STK học như các bạn.

Một số bạn của em sử dụng STK, lệ thuộc vào phần bài giải nên không có tư duy nhanh nhạy khi làm bài. Cứ gặp cái gì khó là lại giở STK xem kết quả, xem cách làm. Lâu dần thành thói quen khó bỏ. Như vậy STK không rèn luyện được tư duy mà lại có tác dụng ngược cho HS chúng em.

Năm vừa rồi em đã đỗ ĐH với điểm số tương đối cao. Em cho rằng chỉ cần học kỹ, học đúng như SGK trong nhà trường là đã đủ kiến thức nền, kiến thức căn bản. STK dù sao cũng chỉ để tham khảo. Và sử dụng STK cũng cần có định hướng đúng, cần được tư vấn kỹ càng.

Hải Anh (ghi)

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ