Sẵn sàng “xử” con nợ
Dù chưa có con số chính thức những vụ đâm chém mà các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi gây ra với các con nợ, nhưng tình trạng này đang diễn ra phổ biến.
Tại các quận nội thành, dù tình hình an ninh tuy có được tốt hơn so với các quận - huyện vùng ven, song vẫn hay xảy ra những vụ các đối tượng cho vay dùng hung khí đâm chém, truy sát, khủng bố tinh thần người vay nợ.
Mới đây, một vụ đâm chém liên quan đến tín dụng đen gây hoang mang cho người dân xảy ra tại quận 10 đã một lần nữa gióng hồi chuông cảnh tỉnh người dân nên tránh rắc rối về tiền bạc với các băng nhóm này.
Theo điều tra ban đầu của Công an quận 10, ngày 8/4, Dương Quốc Minh (29 tuổi) có cho Bùi Xuân Quyền (33 tuổi, ngụ quận 10) vay số tiền là 2 triệu đồng với thỏa thuận là Quyền phải trả cho Minh mỗi ngày 100 nghìn đồng trong vòng 24 ngày.
Minh cho rằng Quyền là con nợ nhưng không trả tiền đúng hạn lại còn ra tiếng thách thức với mình nên quyết tâm đánh dằn mặt để lấy uy trong giới cho vay nặng lãi.
Sau nhiều lần hăm he, đến 11 giờ ngày 11/5, Minh mượn hai cây đao của một đối tượng tên Khang rồi rủ thêm Nguyễn Minh Nhân (18 tuổi, ngụ quận 4) cùng một đối tượng tên Đỉnh (chưa rõ lai lịch) cầm hung khí đến nhà Quyền tìm chém.
30 phút sau, nhóm của Minh đến nhà Quyền trên đường Hòa Hưng (phường 12, quận 10). Khang được phân công trông xe, Minh cầm cây đao dài 1,2m, Nhân cầm cây đao ngắn hơn xông vào nhà Quyền.
Thấy nhóm của Minh xông đến, Quyền và anh trai tên Quỳnh bỏ chạy. Nhân đuổi theo chém một nhát trúng lưng Quyền. Anh Quỳnh chạy vào nhà vệ sinh, chưa kịp rút tay vào trong thì bị Minh chém một nhát trúng tay trái. Gây án xong, nhóm này nhanh chóng rời khỏi hiện trường, hai nạn nhân được Công an quận 10 cùng người dân đưa đi cấp cứu.
Đến trưa 12/5, Minh và Khang bị Công an quận 10 bắt khẩn cấp. Tại cơ quan điều tra, Minh và Khang thừa nhận gây ra vụ đâm chém trên.
Về phần Quyền có thừa nhận vay của Minh 2 triệu đồng tiền góp hàng ngày. Sau khi trả được 2 triệu, còn thiếu 400 nghìn đồng thì Quyền không trả nữa nên xảy ra mâu thuẫn.
Qua giám định pháp y, Quỳnh bị thương tích 16% và Quyền bị 6% thương tật. Công an quận 10 củng cố hồ sơ xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can với hai nghi can trên về tội “cố ý gây thương tích”.
Cẩn thận với những tờ rơi cho vay “không cần thế chấp”
Không chỉ tìm cách “hút máu” những người là sinh viên, công nhân, người lao động nghèo là đối tượng được các băng nhóm này nhắm đến nhiều nhất. Trường hợp của bà T.T. P. (ngụ quận 10) là một điển hình của nạn “hút máu người nghèo” của các băng nhóm tội phạm này.
Theo đó, khoảng tháng 9/2016, bà P. bị bệnh nên vào viện điều trị. Sau khoảng 1 tháng, gia đình kiệt quệ. Thấy có mấy tờ rơi cho vay không cần thế chấp dán trên cột điện, bà P. gọi thì được T. (35 tuổi, ngụ quận 5) đồng ý cho vay 30 triệu đồng với điều kiện bà P. cung cấp CMND và sổ hộ khẩu cho y và cho đàn em đến xác minh.
Thay vì làm giấy vay tiền, đàn em của T. yêu cầu bà P. ký vào giấy mua tivi, tủ lạnh trả góp, cam kết trả đủ trong vòng 45 ngày. Thực chất, đây là giấy vay nợ với mức lãi suất 45%/tháng mà T. giăng ra cho con nợ.
Dùng số tiền vay được đầu tư vào xe hủ tiếu, bà P. mau chóng lâm cảnh cụt vốn khi số tiền kiếm được chả bù được số tiền góp mỗi ngày lên đến 1,2 triệu đồng cho T.
Sợ bị phạt, bà P. bán hết các vật dụng trong nhà để trả nợ cho T. Đến giữa tháng 10.2016, bà P. do không vay ra tiền ở chỗ khác để đắp vào chỗ tiền phải trả cho T. nên bị chậm và thế là bị đàn em của tên côn đồ này đánh đến mức sưng mặt.
Đến đầu tháng 11/2016, do không còn chạy vạy được nữa nên bà P. đến nhà người thân trốn. Được 3 ngày, T. cho đàn em tìm ra rồi dùng kềm bẻ gãy răng.
Không chỉ giăng bẫy nhằm vào người nghèo, các băng nhóm tín dụng đen còn “dàn quân” tại các tụ điểm cá độ bóng đá là những người ham mê cờ bạc, những thanh niên lười biếng lao động, muốn làm giàu bằng những trò đỏ đen.
Trường hợp “con dại cái mang” mà cụ N.T.Nhàn (76 tuổi, ngụ phường 2, quận Tân Bình) đang gánh phải là một ví dụ. Tháng 6.2016, người con gái của cụ tên là V. do ham mê cờ bạc và đã vay 60 triệu đồng của một người phụ nữ tên Ng.
Sau thời gian ngắn, V. không đủ tiền trả lãi nên bỏ trốn. Khoảng nợ chưa trả cùng với lãi suất cắt cổ lên đến mấy chục phần trăm mỗi tháng giờ trở thành cái cớ để nhóm người được cho là “đệ tử” của bà Ng. thường xuyên kéo đến hăm dọa.
Bị buộc phải trả nợ cho con nhưng không có khả năng, cụ Nhàn nhiều lần phải nhập viện cấp cứu vì tụt huyết áp khi nhóm người này đến thúc ép, hăm dọa hàng ngày.
Giữa năm 2016, Công an quận 12 đã bắt băng nhóm hàng chục tên chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê trên địa bàn. Ngoài ra, nhiều đường dây cho vay nặng lãi tại các quận huyện cũng bị công an triệt phá nên tình trạng này có xu hướng lắng xuống so với trước. Tuy nhiên, do là ngành kinh doanh mang lại siêu lợi nhuận nên các đối tượng cầm đầu luôn có cách lách luật để tránh bị công an sờ gáy.
Các băng nhóm lớn, có tổ chức tinh vi thì chúng thường sử dụng hình thức cho người vay tiền ký vào các giấy tờ giao dịch không biểu hiện chữ “vay nợ” mà trường hợp của bà P. đã nêu trên là ví dụ.
Cá biệt, các băng nhóm này thường được một tên đứng ra qui tụ hàng chục đối tượng hình sự, xăm trổ rồi thuê chung cư để ở và được chủ trả lương hàng tháng.
Mỗi tên sẽ có nhiệm vụ đi thu tiền góp hàng ngày, phát triển khách hàng mới cho “đại ca” cũng như sẵn sàng ra tay trấn áp con nợ bằng các biện pháp như hăm dọa, tạt sơn, mắm tôm vào nhà... cũng như tranh giành lãnh địa với các băng nhóm khác.
Theo Công an TPHCM, công an đang rất quan tâm đến các băng nhóm này và nhiều băng đang trong tầm ngắm của cơ quan công an. Tuy nhiên, để các băng nhóm này không hoành hành thì việc người dân - nhất là những người buôn bán nhỏ, xe ôm, người lao động nghèo - nên ý thức hơn trong việc vay mượn, tránh trở thành nạn nhân của chúng.
Được biết, tại TPHCM hiện có nhiều ngân hàng, dịch vụ tài chính cho vay theo hình thức tín chấp với mức lãi suất vừa phải. Nếu người dân có nhu cầu vay vốn làm ăn, có phương án trả nợ tốt, có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ của các tổ chức này để tránh tình trạng vay bên ngoài bị lãi “cắt cổ”.