Giảng dạy theo chuẩn đầu ra: Công khai chất lượng đào tạo

GD&TĐ - Cùng với việc xây dựng và công bố chuẩn “đầu ra”, các trường ĐH, CĐ cũng đồng thời công khai với xã hội về sản phẩm đào tạo của mình. Người học hình dung sau quá trình đào tạo có thể làm được việc gì và nhà tuyển dụng biết được sản phẩm đào tạo của trường. 

SV của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thiết kế mô hình thực tế trong dự án chương trình “Phát triển kỹ năng cho SV thông qua hoạt động học tập trải nghiệm thực tế”. Ảnh nhà trường cung cấp
SV của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thiết kế mô hình thực tế trong dự án chương trình “Phát triển kỹ năng cho SV thông qua hoạt động học tập trải nghiệm thực tế”. Ảnh nhà trường cung cấp

Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng về đào tạo dựa trên kết quả đầu ra.

* Xin ông cho biết, việc công bố chuẩn đầu ra (CĐR) các chương trình đào tạo sẽ bảo đảm quyền lợi cho người học như thế nào?

- Cùng với việc tiến hành công khai tài chính và công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH công bố CĐR của quá trình đào tạo. Đây là ba yếu tố cần công khai để xã hội, người học và người sử dụng lao động được biết để thực hiện kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục.

Về mặt pháp lý, CĐR là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp mà người học đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo (CTĐT), được cơ sở đào tạo cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện.

Việc công khai CĐR của CTĐT để người học biết các kiến thức sẽ được trang bị và kỹ năng mà người học đạt được sau khi hoàn thành khoá học của một ngành/ chuyên ngành; giúp người học hình dung công việc có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp, đồng thời giúp người học hiểu vì sao các kiến thức và kỹ năng đó sẽ hữu ích cho họ. Nói cách khác, CĐR mô tả cho người học “biết” và “làm được” những gì khi kết thúc khoá học. Việc công bố CĐR sẽ là căn cứ đểSV tự so sánh, đối chiếu, bồi dưỡng kiến thức của mình, từ đó có những kiến nghị với giảng viên hoặc các bộ phận quản lý công tác đào tạo để giúp họ đạt được những chuẩn mực nhất định. Ở một góc độ khác, chuẩn “đầu ra” cho SV cũng là một kênh thông tin giúp học sinh phổ thông định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

* Dù CĐR và CTĐT có sự gắn kết chặt chẽ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình phát triển của mỗi cơ sở giáo dục ĐH, nhưng có một thực tế là một số trường chỉ chú trọng đến việc xây dựng và phát triển CTĐT hơn là xây dựng CĐR. Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến chất lượng đào tạo, thưa ông?

- Thiết kế CTĐT dựa trên CĐR đòi hỏi các nhà hoạch định CTĐT phải xác định rõ ràng những gì mà chương trình mong đợi, những mục tiêu hay yêu cầu cụ thể, từ đó xác định các trải nghiệm học tập thích hợp, cách thức tổ chức hiệu quả các trải nghiệm học tập và cuối cùng là bước đánh giá quá trình học tập, xem xét các vấn đề chưa hiệu quả để có các cải tiến thích hợp (mô hình PDCA). Nếu các cơ sở giáo dục chỉ chú trọng đến xây dựng và phát triển CTĐT hơn là xây dựng CĐR sẽ dẫn đến việc các trường tập trung cung cấp cho người học cái mình có, chứ không phải là cái mà người học và xã hội đang cần. Điều này có thể dẫn đến CTĐT không đáp ứng được mục tiêu đào tạo, đồng thời gây lãng phí rất lớn về mặt thời gian, công sức và tiền bạc của người học và xã hội.

Mô hình đào tạo dựa trên CĐR đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH chứng minh SV tốt nghiệp đạt được đầy đủ các CĐR yêu cầu, là các kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng mục tiêu đào tạo đã được xác định. Điều này đòi hỏi tất cả các quyết định về CTĐT, hoạt động dạy - học và đánh giá phải được thực hiện trên cơ sở đáp ứng các CĐR liên quan.

* Việc tổ chức dạy - học cũng như phương pháp đánh giá, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác đào tạo dựa trên kết quả đầu ra sẽ phải thay đổi những gì so với cách dạy - học trước đây, thưa PGS?

Kể từ năm học 2018 - 2019, Trường ĐH Bách khoa  triển khai xây dựng, cải tiến toàn bộ 16 CTĐT chất lượng cao định hướng tiêu chuẩn kiểm định ABET, với quan điểm thiết kế CTĐT theo mô hình đào tạo dựa trên CĐR và phương pháp tiếp cận CDIO. Đây có thể nói là một cuộc cách mạng lớn của nhà trường trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học. Thay vì chỉ tích luỹ kiến thức thông qua các giờ giảng lý thuyết theo các mô hình đào tạo truyền thống như hiện nay, người học sẽ được trang bị và tích luỹ các kiến thức, phát triển các kỹ năng cần thiết thông qua các dự án thực tế theo hướng liên môn trải dài trong nhiều học kỳ. 
  
PGS.TS Đoàn Quang Vinh

- Cách tiếp cận dựa trên mục tiêu hay CĐR dựa trên nguyên lý lấy người học làm trung tâm (learner-centered) - tập trung vào những gì người học cần thay vì những gì giảng viên dạy - để phát triển các hoạt động dạy và học. Điều này tác động rất lớn đến việc thiết kế chương trình giảng dạy.

Trường ĐH Bách khoa hiện triển khai xây dựng, cải tiến các chương trình chất lượng cao theo định hướng “học theo dự án”. Người học, đối tượng của hoạt động dạy đồng thời là chủ thể của hoạt động học thay vì chỉ tiếp thu kiến thức một cách “thụ động” thông qua các giờ giảng của giảng viên trên lớp, được đặt trong các tình huống thực tế bằng các dự án cụ thể. Các em sẽ trực tiếp quan sát, phát hiện vấn đề, thảo luận, thực hiện các thí nghiệm... để giải quyết vấn đề đặt ra theo cách suy nghĩ của mình, từ đó phát huy tính sáng tạo và nắm được các kiến thức, kỹ năng mới.

Giảng viên thay vì chỉ truyền đạt kiến thức như hiện nay, sẽ trở thành người hướng dẫn cho sinh viên tìm kiếm kiến thức; tổ chức, hướng dẫn các hoạt động trên lớp và theo dõi các hoạt động tự học của SV. Giảng viên phải đầu tư công sức và dành nhiều thời gian hơn để thiết kế bài giảng sao cho đạt được CĐR theo CDIO; phải biết chọn lọc phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá sao cho phù hợp với mục tiêu và nội dung bài giảng.

Để triển khai hiệu quả hoạt động dạy - học và phương pháp đánh giá, đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần đầu tư cơ sở vật chất như xây dựng hệ thống bài giảng, giáo trình điện tử; hệ thống phòng thí nghiệm;hệ thống quản lý học tập (LMS), tổ chức đào tạo qua mạng... đồng thời tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên về thiết kế CTĐT, thiết kế bài giảng, nội dung môn học đáp ứng CĐR của CTĐT.

* Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.