Gian nan vào lớp 1

Gian nan vào lớp 1

(GD&TĐ) - Áp lực vào lớp 1 đang trở nên rất nặng nề với ngành giáo dục Hà Nội bởi việc tăng dân số cơ học, đặc biệt với năm đẹp “heo vàng”.

Cuống quýt chạy trường

Con chưa học hết mẫu giáo nhưng chị Huyền Thương, trú tại quận Đống Đa (Hà Nội) đã đôn đáo “chạy” trường cho cô con gái sắp vào lớp 1. Chị Thương cho hay, gần nhà chị cũng có trường tiểu học, nhưng vì muốn tìm một trường chuẩn quốc gia nên chị cố gắng xin cho con học trái tuyến vào trường ở phường bên. “Ai cũng muốn cho con vào học trường tốt, lớp tốt nên đều phải xin học từ bây giờ” - Chị Thương chia sẻ.

Cũng như chị Thương, chị Hoàng Thu, trú tại quận Hoàng Mai cũng đang lo xin cho con được vào lớp chọn của Trường tiểu học Đại Kim, vốn là một trường chuẩn quốc gia. “Biết là khó nên mình phải xin ngay từ bây giờ. Cô giáo cũng hứa nhận nhưng chưa biết thế nào vì năm Đinh Hợi (2007) được cho là “đại cát, đại lợi” nên trẻ rất đông” - Chị Thu cho hay. Vị phụ huynh này cũng cho biết thêm, đã có người bắn tiếng muốn chạy vào lớp chọn cho con thì phải đưa phong bì 15 triệu đồng. “Đường vào lớp 1 của trẻ bây giờ gian nan thật” - Chị Thu thở dài nhận xét.

Học sinh lớp 1 tăng 11.000 em

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, năm học 2013 - 2014, Hà Nội dự kiến sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp ở tất cả các cấp học. Cụ thể, các trường mầm non dự kiến sẽ đón 73.500 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (chiếm 32% số trẻ trong độ tuổi), khoảng 362.000 trẻ mẫu giáo (chiếm 90% số trẻ độ tuổi mẫu giáo). Số lượng học sinh vào lớp 1 là 125.000, lớp 6 là 86.000 học sinh, hệ THPT 69.920 học sinh (trong đó các trường công lập 54.160 học sinh, các trường ngoài công lập 13.260 học sinh, các trung tâm giáo dục thường xuyên 2.500 học sinh). Ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho hay: So với năm học 2012 - 2013, các bậc học khác đều tăng số lượng học sinh, nhiều nhất là trẻ mẫu giáo, tăng khoảng 35.000 trẻ, tiếp đến là học sinh lớp 1 tăng hơn 11.000 học sinh.

Bỡ ngỡ lớp 1. Ảnh: Xuân Tùng
Bỡ ngỡ lớp 1.      Ảnh: Xuân Tùng

Bà Cao Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - bày tỏ: Áp lực trái tuyến với quận Hoàn Kiếm rất căng thẳng. Ở quận trung tâm này, chỉ duy nhất bậc học mầm non có 19 trường/ 19 phường, còn lại tiểu học chỉ có 13 trường, THCS có 7 trường. Chính vì vậy cần phải có phương án phân tuyến phù hợp để không tăng sĩ số học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu của người học vì Hoàn Kiếm vốn rất khó khăn về chỗ học. Trong khi đó, trước dự báo năm học mới sẽ tăng 11.000 học sinh lớp 1, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng, trách nhiệm chính là của các quận, huyện. “Tăng 11.000 học sinh nhưng tập trung ở quận, huyện nào thì ngành Giáo dục phải nắm chắc. Chỗ nào có đột biến có khó khăn phải báo cáo Sở GD&ĐT và thành phố để có hướng giải quyết. Các cháu học sinh lớp 1 lần đầu tiên đến trường, không thể có tình trạng đẩy qua đẩy lại. Quận, huyện cần có quyết sách sớm tăng lớp hay phân tuyến” – Bà Ngọc nhấn mạnh.

Trước câu hỏi về việc giải quyết số trẻ độ tuổi lớp 1 ra trường năm học tới tăng cao trong khi thực tế hiện nay nhiều trường đã quá tải sĩ số trong lớp học, ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - cho biết: Với bậc tiểu học, mặt bằng chung cơ bản đáp ứng được số học sinh ra lớp, tuy nhiên cục bộ sẽ căng thẳng một số nơi, vì thế phải rà soát kỹ trẻ trong độ tuổi, phân tuyến hợp lý. “Các quận huyện phải công khai, minh bạch trong việc giao quyết định chỉ tiêu. Nếu làm tốt công tác điều tra, phân tuyến sẽ quản lý, kiểm soát được số lượng tuyển sinh trong địa bàn” - Ông Độ nói.

Áp lực “3 tăng, 3 giảm”

Năm nay, lãnh đạo TP Hà Nội  yêu cầu ngành GD phải quyết tâm thực hiện chủ trương “Ba tăng, ba giảm”. Đó là tăng quy mô tuyển sinh; tăng chất lượng công tác tuyển sinh; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến; giảm số học sinh trên một lớp và giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn. Với chủ trương này, việc giảm sĩ số học sinh/lớp là yêu cầu kiên quyết đối với lãnh đạo các quận, huyện, đặc biệt là với học sinh lớp 1.

Trước áp lực lớn từ việc tăng mạnh quy mô tuyển sinh, từ đầu tháng 3/2013, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết việc tuyển sinh các trường mầm non, lớp 1, lớp 6, lớp 10 THPT. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận, huyện, thị xã để đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan, thuận tiện cho học sinh và cha mẹ học sinh. Trên thực tế, công tác tuyển sinh các cấp năm học 2012-2013 vẫn còn một số tồn tại như phân tuyến và giao chỉ tiêu tuyển sinh ở một số quận, huyện còn chưa hợp lý. Điều này đã dẫn đến trình trạng nhiều trường tuyển thừa học sinh, nhưng cũng có những trường chỉ tuyển được chưa đến 10% chỉ tiêu như THCS Mạc Đĩnh Chi - Ba Đình (9,2%) hoặc chỉ được một nửa chỉ tiêu như THCS Hạ Đình- Thanh Xuân (41%); THCS Láng Hạ - Đống Đa (48%); THCS Khương Mai- Thanh Xuân (56,4).         

Bách An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Quán ăn đông kín khách, nhân viên phải làm việc liên tục. Ảnh: Nhật Minh

Hàng quán mở xuyên Tết: Cơ hội thu nhập cao

GD&TĐ - Trước nhu cầu ăn uống, vui chơi, gặp mặt đầu năm của người dân tăng cao, hầu hết nhà hàng, quán cà phê mở xuyên kỳ nghỉ đều đối mặt nguy cơ rơi vào trạng thái quá tải