Theo hành trình đổi mới, sáng tạo

Gian nan vạn dặm lẫn tự hào

GD&TĐ - Không như hình dung của nhiều người, nghề báo là hành trình gian nan mà ở đó, nhiều nhà báo vắt kiệt thanh xuân, trí tuệ, sức khỏe, thậm chí có máu

Phóng viên Mỹ Huyền trong ngày ra mắt sách do chị chấp bút, tháng 4/2024. Ảnh: Cẩm Anh
Phóng viên Mỹ Huyền trong ngày ra mắt sách do chị chấp bút, tháng 4/2024. Ảnh: Cẩm Anh

Không như hình dung của nhiều người, nghề báo là hành trình gian nan mà ở đó, nhiều nhà báo vắt kiệt thanh xuân, trí tuệ, sức khỏe, thậm chí có máu và nước mắt. Gian nan là vậy, nhưng họ vẫn yêu và tự hào, gắn bó với nghề.

Chạy đua với hơi thở cuộc sống

Nhà báo Cao Thị Mỹ Huyền (48 tuổi, công tác tại Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn) làm phóng viên khi đã bước sang tuổi 40. “Chuyển nghề từ môi trường sư phạm sang báo chí, bản thân có chút bỡ ngỡ. Tuy vậy, nghề báo đã cuốn tôi trong vòng dịch chuyển của tin tức. Tôi chưa bao giờ thấy thành phố của mình rộng lớn đến vậy, cho đến khi bắt đầu viết những bài báo đầu tiên”, chị Huyền chia sẻ.

Kể về những vất vả khi một phụ nữ tuổi trung niên mới bắt đầu làm nghề báo, chị Huyền nhớ mình phải đứng nắng ở cây xăng chờ người quản lý hàng giờ để phỏng vấn trong những ngày giá xăng tăng đột biến. Tiếp chị bằng tiếng đe nẹt, người quản lý còn đóng sầm cửa kính. Không thể về tòa soạn tay không, chị bám theo xe bồn chở xăng dầu, cố gắng lấy bằng được ý kiến người trong cuộc. Hay những buổi tối muộn, chị chạy hơn 30km đến các chợ đầu mối chỉ để chụp tấm ảnh đoàn xe đổ hàng nghìn con cá còn tươi xuống nền trước khi phân loại, để kịp báo giấy ngày mai. Đó là những ngày giá thuốc tăng cao gây nhức nhối cho phần đông người bệnh mà chị phải giấu trong tay chiếc camera nhỏ, đóng giả làm người mua hàng đến từng quầy thuốc ở khu chợ thuốc. Hàng rào “cò thuốc” vây quanh, khuôn mặt lầm lì dò xét sẵn sàng động chân tay nếu biết ý đồ thực sự của người mua hàng không quen mặt này.

Phóng viên phải phỏng vấn thật nhanh, chụp vội những tấm ảnh tại các công trình trái phép là chuyện thường tình. Nhanh để chạy đua với tin tức, nguy hiểm sẵn sàng xảy ra. Nhẹ thì bị giật mất máy ảnh, ghi âm, nặng là những cú đấm. Nhưng những áp lực của công việc như tan biến khi được nói lên thực trạng, tâm tư của người yếu thế trong cuộc. “Tôi tự hỏi không hiểu tại sao người đã từng quen với quy trình làm việc đều đặn như mình lại yêu công việc này đến vậy. Có lẽ tính chất năng động, sự cần thiết của một bản tin, bài viết đối với xã hội đã cho tôi cảm giác được đóng góp điều hữu ích”, chị Huyền bộc bạch.

Cũng xuất thân từ ngành Sư phạm, song nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hương (Thư ký tòa soạn Tạp chí Du lịch TPHCM) vào nghề báo sớm hơn. Nơi đầu tiên chị “học nghề” là Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình. Với kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp gần như bằng 0, chị phải nỗ lực gấp nhiều lần đồng nghiệp. Nghề báo giúp chị được đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và không ít thân phận. Với chị, đó là trải nghiệm đáng giá, đáng quý.

Chọn nghề báo là nghề vất vả gian nan, phụ nữ làm báo còn phải chịu nhiều áp lực, làm sao để hài hòa giữa công việc với cuộc sống gia đình vốn đã là một gánh nặng. Nghề báo không tính theo giờ hành chính, lễ Tết lại càng vất vả hơn nên thời gian dành cho “tổ ấm” nhiều khi không trọn vẹn. Chị Hương may mắn có được sự ủng hộ của gia đình, yêu thương, dìu dắt của anh chị đồng nghiệp nên có thể dấn thân, hết lòng vì công việc. “Đến nay, sau hơn 14 năm gắn bó, nghề báo với tôi như duyên như nợ, đã yêu và đam mê thì không thể dứt. Nghề báo cũng giống như nhiều công việc khác, trước tiên cần sự tử tế và nghiêm túc”, nhà báo Ngọc Hương chia sẻ.

Nhà báo Nguyễn Vũ An Quý đang công tác tại Tạp chí Khoa học phổ thông. Ảnh: NVCC

Nhà báo Nguyễn Vũ An Quý đang công tác tại Tạp chí Khoa học phổ thông. Ảnh: NVCC

Nhà báo Phú Huân nhận được món quà là lá cờ treo tại cột mốc chủ quyền từ ngày 1 - 30/4/2024 tại đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

Nhà báo Phú Huân nhận được món quà là lá cờ treo tại cột mốc chủ quyền từ ngày 1 - 30/4/2024 tại đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

Đối mặt với hiểm nguy

Cùng đồng nghiệp giành nhiều giải cao tại các giải báo chí, trong đó có giải B và C tại Giải Báo chí quốc gia (năm 2021 và 2022) với các tác phẩm điều tra, nhà báo Nguyễn Phú Huân (34 tuổi, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC – Đài Tiếng nói Việt Nam) thẳng thắn chia sẻ: “Bị đe dọa, chửi bới, thậm chí khủng bố ảnh hưởng đến sự an toàn của gia đình là áp lực của phóng viên thực hiện đề tài điều tra”. Những ngày đầu làm báo, anh Huân tham gia các chuyên đề liên quan đến điều tra như: Phá rừng ở Tây Nguyên, “cát tặc” ở Bà Rịa - Vũng Tàu. “Có lần, sau loạt bài điều tra của tôi về vấn đề tế bào gốc trong thẩm mỹ viện, một nhóm xã hội đen đã truy lùng những phóng viên thực hiện phóng sự đó. Tôi phải nhờ đến sự can thiệp của lực lượng công an thì tình hình mới ổn thỏa”, anh Huân kể lại.

Nhà báo Phú Huân cho rằng, khi những tác phẩm “thành hình”, tổ chức, cá nhân hoạt động trái pháp luật được phơi bày ra ánh sáng, đó là niềm hạnh phúc nhất đối với phóng viên làm điều tra. Có đớn đau, vất vả nhưng đầy kiêu hùng khi bài báo góp phần làm nên hành trình những điều có ích cho xã hội. “Những hôm phải thức đến 3 - 4 giờ sáng để viết bài hay làm hậu kỳ cho phóng sự điều tra, tôi không thấy mỏi mệt mà chỉ cảm nhận công việc thật thiêng liêng”, anh Huân bộc bạch.

Gian nan, vất vả, hiểm nguy là thế nhưng nghề báo luôn thu hút người cầm bút say mê, chinh phục trên con đường gian truân. Nhà báo Phú Huân gắn bó với nghề kể từ khi ra trường đến nay đã 12 năm nhưng vẫn vẹn nguyên một tình yêu nghề. Anh ví, đó như cái nghiệp trong đời.

Không xông vào những nơi gai góc như nhà báo Phú Huân, song công việc của nhà báo Nguyễn Vũ An Quý (47 tuổi, Tạp chí Khoa học phổ thông) cũng không khỏi đối mặt với hiểm nguy. Đó là những ngày chị và đồng nghiệp làm việc trong dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chị Quý so sánh, tác nghiệp trong vùng dịch như nhiệm vụ chiến đấu. “Tận mắt chứng kiến lực lượng cùng địa phương đang căng mình chống dịch, chúng tôi quên đi những vất vả, hiểm nguy, chỉ mong sao có hình ảnh chân thực, thông tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời đến bạn đọc”, chị Quý nói. Chỉ thời gian ngắn, hàng loạt sự kiện xảy ra, dồn dập và hối hả: Sản xuất và nhập khẩu trang y tế, thuốc men, vắc-xin phòng bệnh; nhà khoa học, chuyên gia y tế trên toàn thế giới làm việc ngày đêm tìm giải pháp ngăn chặn dịch bệnh.

Nhà báo Nguyễn Vũ An Quý chia sẻ: “Bố tôi, cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục truyền lại sự chăm chỉ, lòng tự trọng, tâm sáng và tính chịu trách nhiệm khi sử dụng ngòi bút. Ông từng nói “chữ chính là người”. Bút sắc của người làm báo chính là ngòi bút chăm chỉ, phản ánh khách quan các sự kiện, sự việc, đa chiều”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.