Gian nan bám điểm trường, làng bản

GD&TĐ - Vượt hơn 200km đến dạy học điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng), cô Trương Thị Nga đã trở thành người của bản làng suốt 15 năm qua.

Các nhà hảo tâm vận chuyển hệ thống điện năng lượng mặt trời đến tặng điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng).
Các nhà hảo tâm vận chuyển hệ thống điện năng lượng mặt trời đến tặng điểm trường Phia Cò 2 (Nam Cao, Bảo Lâm, Cao Bằng).

15 năm bám trụ điểm trường

Nếu như Bảo Lâm là một trong những huyện vùng cao khó khăn nhất của Cao Bằng, thì Nam Cao là một trong những xã khó khăn nhất của Bảo Lâm. Thầy và trò ở trường học chính tại trung tâm xã đã vất vả, nhưng việc dạy và học tại điểm trường lẻ còn vất vả gấp bội phần.

Cô giáo Trương Thị Nga sinh năm 1986, dân tộc Tày, đã bám trụ ở điểm trường Phia Cò 2, trường Tiểu học Nam Cao, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đến nay đã tròn 15 năm.

Gia đình ở huyện Nguyên Bình, cô quyết định vượt hơn 200km để vào nhận công tác ở điểm trường Phia Cò 2, từ năm 2010. Dù xa xôi cách trở, nhưng tình yêu nghề, yêu trẻ, sự gắn bó với bà con bản làng đã khiến cô Nga cảm thấy nơi đây thực sự trở thành ngôi nhà thứ hai.

39afc45424689136c879.jpg
Cô giáo Trương Thị Nga đã bám trụ ở điểm trường Phia Cò 2, trường Tiểu học Nam Cao (Bảo Lâm, Cao Bằng) suốt 15 năm nay.

Phia Cò 2 cách thị trấn huyện hơn 40km, cách trường chính ngoài trung tâm xã khoảng 15km, đường đất đỏ, đường dốc quanh co rất khó đi. Ngày đầu tiên đặt chân đến bản, cô Nga choáng ngợp bởi trong suy nghĩ cũng không bao giờ hình dung nó xa và khó khăn vậy. Không điện, không nước, không sóng điện thoại, không internet, chỉ có phòng học dựng tạm bằng dăm ba tấm gỗ ghép lại, vách đan bằng tre.

Các em học sinh không có đồ dùng học tập, lại chỉ nói tiếng Mông chứ chưa biết tiếng Việt, cô và trò rất khó khăn trong giao tiếp vì khác biệt ngôn ngữ. Việc giảng dạy thực sự vất vả, kết quả chưa được như mong muốn. Trò được học tiếng Việt, cô làm quen tiếng Mông, mọi thứ dần dần được tháo gỡ.

Trong những năm tháng đằng đẵng ấy, cô Nga cũng không thể nhớ nổi làm thế nào mà mình đã vượt qua được những thử thách ở nơi heo hút này, với những lần đi bộ xuyên đêm tìm nhà học sinh, bị ngã xe gãy chân, thoát hiểm vì suýt bị đá đè, rắn cắn…

b49f8f346e08db568219.jpg
Học trò Phia Cò 2 gian nan với con chữ.

“Tôi vẫn rất vui, vì từ khi còn đi học tôi đã ước chỉ cần được làm giáo viên, ở đâu và khó thế nào cũng được. Tình cảm của học trò và sự yêu thương và quý mến của bà con dân bản đã nâng đỡ tôi vượt lên khó khăn, níu kéo chân tôi ở lại cắm bản cho đến tận bây giờ” - cô Nga xúc động bày tỏ.

Thấu hiểu sự nỗ lực của những giáo viên cắm bản bám điểm trường như cô Nga, ông Sầm Ngọc Cao, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Lâm chia sẻ: “Họ đều là những thầy cô giáo cống hiến cả tuổi trẻ, phải xa vợ chồng con cái. Không chỉ thiếu thốn những điều kiện bình thường nhất ở nơi dạy học, họ còn phải đối diện với những vấn đề về sức khỏe, an toàn đi lại”.

Gắn bó bản làng bởi nghĩa tình

Năm học này, điểm trường Phia Cò 2 có 125 học sinh cả tiểu học và mầm non, 100% là dân tộc Mông. Vì cung đường đất vừa xa vừa đèo dốc khó khăn, không thể chuyển vật liệu, nên mới chỉ có một phòng học được xây kiên cố, còn lại là các phòng ghép tạm.

Hiện tại điểm trường có 7 thầy cô (5 GV tiểu học và 2 GV mầm non), cũng chỉ ở tạm trong dãy nhà quây tôn ghép ván. Dù điều kiện xa xôi thiếu thốn, nhưng mọi người hoàn toàn yên tâm và tận tâm công tác bởi nghĩa tình với lớp học, bản làng.

Đến tận bây giờ, cô và trò nơi đây vẫn đang thiếu những tiện ích hằng ngày bình thường nhất, khi mà điện vẫn chưa về đến, nước thì kéo vòi dẫn từ khe đá, điện thoại và mạng internet cũng không có, muốn liên lạc phải lên đồi cao dò “sóng rơi” bên phía Hà Giang.

Biết các thầy cô xa nhà vất vả, bà con trong bản có gì cũng để phần, từ quả trứng gà, bó rau cải, bắp ngô. Học trò mỗi khi đến lớp không quên đem theo bó củi để thầy cô đun nấu.

ee5c7d1b6627d3798a36.jpg
Tháng 4/2025 vừa qua, cô Nga vừa kết nối được với các nhà hảo tâm để xin hệ thống điện năng lượng mặt trời về cho điểm trường Phia Cò 2.

“Cứ chuẩn bị đến hè là bà con lại hỏi, xem năm sau cô còn ở lại dạy không. Lần tôi bị tai nạn phải nghỉ, không có sóng điện thoại để liên lạc, bà con cứ nghĩ tôi chuyển đi nơi khác rồi, khi biết tin tức là ai cũng lên đỉnh núi dò sóng gọi hỏi thăm, động viên cô mau khỏi và sớm trở về bản” - cô Nga hạnh phúc kể về những tình cảm gắn bó với bản làng.

Tháng 4/2025 vừa qua, nhờ cô Nga kết nối được với các nhà hảo tâm, hệ thống điện mặt trời đã được vận chuyển trao tặng đến tận điểm trường. Các em học sinh ở đây đã lần đầu tiên được xem tivi, có bóng điện chiếu sáng. Những điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng với điểm trường khó khăn này thì đó là cả một đổi thay lớn. Hi vọng đang mở ra, để Phia Cò xa xôi sẽ dần dần bớt đi khoảng cách.

Huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) hiện đang còn 136 điểm trường mầm non, 117 điểm trường tiểu học, 14 điểm trường THCS. Số giáo viên đang tham gia dạy ở điểm trường với cấp mầm non là 208/336, với cấp tiểu học là 422/672 trong tổng số giáo viên trong biên chế. Đáng nói, hiện vẫn còn 5 điểm trường chưa có điện, nước, mạng internet.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ