Gian lận thi cử bằng thiết bị tinh vi: Không khó phát hiện

GD&TĐ - Ông Nguyễn Bạch Đằng - Phó cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an - chia sẻ điều này khi trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại về công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 Ảnh minh họa
Thí sinh thi THPT quốc gia 2016 Ảnh minh họa

- Ông có cảnh báo gì về việc sử dụng thiết bị công nghệ cao nhằm thực hiện gian lận thi cử trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay?

Những năm gần đây, các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận thi cử được bán lậu khá nhiều, nhất là các tỉnh có đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc.Những thiết bị này thường được ngụy trang dưới hình thức bút viết, đồng hồ, máy tính hoặc một số thiết bị khác để thí sinh có thể mang vào phòng thi.

"Có hai nội dung tôi đánh giá rất cao trong công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm nay. Thứ nhất là kỳ thi có sự chung sức, vào cuộc của toàn xã hội. Thứ hai, công tác tập huấn được triển khai bài bản, nghiêm túc; tất cả những người tham gia công tác thi đều được tập huấn, ngay cả bảo vệ ở vòng ngoài..." Ông Nguyễn Bạch Đằng

Phổ biến và cần lưu ý nhất hiện nay là thiết bị có vỏ ngoài là máy tính cầm tay nhưng ruột lại là điện thoại iphone; hoặc thiết bị dán mặt đồng hồ nhưng là điện thoại, có tai nghe chỉ bằng hạt gạo đặt vào trong tai, dễ dàng liên lạc với bên ngoài mà giám thị rất khó nhật biết.

Còn có một số ống nhóm nhìn xa đến hàng trăm mét, nếu trong điều kiện thuận lợi, từ ngoài sử dụng thiết bị này có thể đọc được những chữ nhỏ nhất trong đề thi.

- Làm thế nào để nhận biết, ngặn chặn việc sử dụng những thiết bị tinh vi như vậy nhằm mục đích gian lận thi cử, thưa ông?

Để làm tốt công tác phát hiện những cách gian lận như trên, đề nghị các điểm thi cần phối hợp chặt chẽ với ngành Công an, nhất là PA83 của các địa phương để nắm được phương thức, thủ đoạn, phát hiện kịp thời những thiết bị công nghệ cao, tránh được những hành vi vi phạm quy chế thi.

Các phát hiện các thiết bị này thực ra không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, cẩn thận. Ví dụ, với máy tính, khi thí sinh mang máy tính vào phòng thi nên kiểm tra xem tính năng hoạt động của máy tính đó có đúng không, hay ấn phím này sẽ ra phím khác; với đồng hồ cũng vậy, cần kiểm tra xem có đúng chức năng hay không...

Những điểm thi giáp nhà dân hoặc có cửa sổ gần phía ngoài khu vực thi cần hết sức lưu ý, tăng cường người giám sát phía ngoài.

Chúng tôi đã có lưu ý xuống công an địa phương; đề nghị các Hội đồng thi, điểm thi phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an nhằm phát hiện ra các thủ đoạn gian lận trong thi cử.

Ông Nguyễn Bạch Đằng - Phó cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an
Ông Nguyễn Bạch Đằng - Phó cục trưởng Cục An ninh Chính trị nội bộ, Bộ Công an
 
- Ông đánh giá như thế nào về công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia năm nay khi đi kiểm tra tại địa phương?

Có hai nội dung tôi đánh giá rất cao trong công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia năm nay. Thứ nhất là kỳ thi có sự chung sức, vào cuộc của toàn xã hội. Thứ hai, công tác tập huấn được triển khai bài bản, nghiêm túc; tất cả những người tham gia công tác thi đều được tập huấn, ngay cả bảo vệ ở vòng ngoài...

Qua kiểm tra tại địa phương, thấy rằng các tỉnh, các Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã làm tốt công tác xây dựng kế hoạch. Sau khi có kế hoạch của Ban Chỉ đạo thi quốc gia, các tỉnh, thành phố đã thành lập các Ban Chỉ đạo, từ cấp tỉnh xuống cấp huyện với sự phối hợp, vào cuộc của nhiều ban ngành, đoàn thể, từ công an, công thương, y tế, truyền thông, điện lực... Ngành Công thương chỉ đạo ổn định giá, quán triệt các nhà hàng, khách sạn, ăn uống giá cả không được thay đổi. Cảnh sát giao thông vào cuộc, không để xảy ra ách tắc giao thông, tạo thuận lợi cho thí sinh đến điểm thi... Ngay cả bác xe ôm cũng vào cuộc hỗ trợ thí sinh...

- Riêng vấn đề an ninh, an toàn cho kỳ thi được thực hiện như thế nào?

Thực hiện quy chế 06 phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT, sau khi có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về an ninh, an toàn kỳ thi, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và triển khai xuống tất cả các vụ cục, địa phương. Địa phương lại triển khai tiếp đến tất cả các điểm thi.

Có thể nói, công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Công an rất tốt. Tôi tin tưởng, kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, đảm bảo công bằng, đúng quy chế.

- Một trong những vai trò quan trọng của lực lượng công an là tham gia giữ an toàn đề thi, từ khi vận chuyển đề về địa phương, đến in sao, rồi đưa đề đến điểm thi, bảo quản đề tại điểm thi... Ông nhận định như thế nào về công tác này?

Tính đến thời điểm này, qua kiểm tra và báo cáo các địa phương gửi về, chưa xảy ra hiện tượng gì sai so với quy định của quy chế. Công tác phối hợp giữa ngành Giáo dục và Công an đều rất tốt. Những quy định về in sao đề thi, khu vực in sao đề thi thực hiện cách ly theo 3 vòng độc lập, vòng 1 chỉ gồm các cán bộ in sao đề thi, tiếp xúc trực tiếp với đề thi; vòng 2 chỉ gồm có 1-2 cán bộ an ninh bảo vệ và 1 cán bộ thanh tra trong đoàn thanh tra; vòng 3 gồm công an và nhân viên bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ... đều được làm đúng theo quy định.

Tóm lại, chưa có phát hiện vấn đề gì sai so với quy chế, kể cả an toàn cháy nổ, từ nơi đặt địa điểm in sao, cho đến tổ chức in sao, vận chuyển đề thi...

- Ông có thể cho biết lực lượng công an huy động trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay như thế nào?

Việc huy động lực lượng công an phụ thuộc vào từng địa điểm thi. Có những điểm thi chúng tôi phải tăng cường lực lượng, như biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, hoặc những nơi phức tạp về an ninh, trật tự. Các địa phương căn cứ theo từng điều kiện cụ thể của địa phương mình để có phân công nhiệm vụ, tăng cường hỗ trợ, đảm bảo tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ