Giảm thiểu rủi ro thiên tai: Trẻ em phải là trung tâm

GD&TĐ - Trẻ em, người già, phụ nữ luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương trong bối cảnh thiên tai, xung đột xảy ra. Trong nhóm trên, trẻ em ngoài việc bị tổn thương về tinh thần, thể chất còn là đối tượng dễ mắc bệnh do sức đề kháng yếu, mất cơ hội đến trường, tương lai bởi cuộc sống của các em hoàn toàn phụ thuộc vào người lớn.

Giảm thiểu rủi ro thiên tai:  Trẻ em phải là trung tâm

Hậu quả lâu dài

Tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày một phức tạp, với nhiều loại hình thiên tai mới. Những ngày vừa qua, khu vực miền Trung đang phải gánh hậu quả nghiêm trọng của lũ lụt. Sau đợt lụt do thủy điện xả nước, người dân lại tiếp tục hứng chịu sự nổi giận của thiên nhiên khi những cơn mưa trái mùa liên tục trút xuống.

Nơi ít thì một tuần, nhiều thì cả tháng sống trong cảnh lụt lội khiến cuộc sống người dân hoàn toàn bị đảo lộn. Hoa màu, tài sản không còn, người già, trẻ nhỏ còn phải chạy lũ lúc nửa đêm… khiến ai nấy đều có cảm giác không còn đủ sức chống chọi. Lũ về bất ngờ khiến các cô giáo Trường MN An Hiệp (Phú Yên) chỉ còn biết đưa 15 học trò của mình lên nóc tủ hồ sơ, bám vào cửa sổ và số còn lại thì được cô cõng trên vai.

2 giờ đồng hồ ngâm mình trong nước để chờ người đến cứu, nhiều lúc chính các cô cũng cảm thấy tuyệt vọng bởi nước ngày một dâng cao, các bé mới ở độ tuổi 3 - 5 nhiều lúc mỏi tay quá lại rơi xuống nước khiến cả cô, trò đều hoảng, rét và đói… Rất may sau đó, cô, trò được người dân phát hiện, ứng cứu kịp thời.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, thiên tai ở nước ta diễn biến ngày một phức tạp, trên diện rộng và gây nhiều tổn thất về con người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Kể từ đầu năm 2016 đến nay, thiên tai đã làm 171 người chết, 30 người bị mất tích, gây thiệt hại 37.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ tính riêng đợt mưa, lũ từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12 tại miền Trung đã làm 27 người chết, trong đó có 10 em nhỏ. Điều đáng nói là một số em tử vong ngay trên đường đi học về…

Giảm thiểu rủi ro cho trẻ

Có thể khẳng định, trẻ em Việt Nam ngày càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Điều này góp phần làm tăng nguy cơ bị tổn thương nhiều mặt mà các em đang phải gánh chịu. Thiên tai kéo dài như hạn hán và xâm nhập mặn đã để lại hậu quả lâu dài đến trẻ em trong các lĩnh vực dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, bảo vệ trẻ em và bảo trợ xã hội.

Điều này cho thấy, giảm nhẹ rủi ro thiên tai cần phải lấy trẻ em làm trung tâm. Từ đó, tập trung vào giải quyết sự tổn thương nhiều hơn là giải quyết khủng hoảng. Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, đại diện UNICEF tại Việt Nam, phương pháp lấy trẻ em làm trung tâm là cầu nối giữa cứu trợ nhân đạo và công tác phát triển thông qua việc tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và phục hồi của trẻ em, gia đình và cộng đồng trước khủng hoảng, bao gồm chuẩn bị, giảm thiểu rủi ro và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng theo ông Youssouf Abdel-Jelil, kinh nghiệm hỗ trợ cho trẻ em và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua cho thấy, chúng ta cần khảo sát tập trung vào trẻ em, xây dựng các kế hoạch hiệu quả cho việc chuẩn bị và thích ứng với thiên tai, đảm bảo trẻ em có thể tiếp tục đi học trong môi trường an toàn và các dịch vụ cho trẻ em không bị gián đoạn bởi thiên tai, và bảo vệ trẻ em khi các em bị khủng hoảng và áp lực.

Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải xây dựng được chiến lược và chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm trong giai đoạn hiện nay và tầm nhìn hàng chục năm tới. Chiến lược sẽ tập trung xây dựng cơ chế điều phối tốt hơn giữa các bên liên quan để giảm thiểu những ảnh hưởng đối với trẻ em và tăng cường năng lực của các cơ quan cũng như của trẻ em, gia đình và cộng đồng.

 - Ở những vùng hay bị thiên tai, trẻ em phải trả một giá đắt khi thiên tai trở thành thảm họa.

- Kinh nghiệm từ hoạt động cứu trợ khẩn cấp cho trẻ em, phụ nữ vùng hạn hán của UNICEF thời gian qua tại Việt Nam cho thấy việc xây dựng kế hoạch chuẩn bị và vận động cần sự hợp tác ở cấp Trung ương, địa phương và cộng đồng nhằm đảm bảo người dân có thể phòng ngừa và phản ứng tốt đối với những thay đổi lớn do biến đổi khí hậu và môi trường gây ra.

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ