Tham dự buổi giám sát thực hiện chính sách pháp luật đào tạo tiến sĩ tại Đại học Thái Nguyên có PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; PGS.TS Bùi Hoài Sơn, UV thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; TS. Nguyễn Thị Tuyết Nga, UV chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; cùng đại diện Vụ Giáo dục đại học; Vụ Văn hóa, Giáo dục Văn phòng Quốc hội.
Về phía Đại học Thái Nguyên có GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên; PGS.TS Trần Viết Khanh, PGS.TS Nguyễn Hữu Công, PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên; cùng đại diện các ban chuyên môn và các trường Đại học thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên.
Thông tin tới Đoàn giám sát, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên khẳng định: Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong giáo dục đại học và trong hệ thống giáo dục quốc dân, là đào tạo tinh hoa, đào tạo những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu.
Chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên đáp ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế có sàng lọc trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng đầu ra, đồng thời có tính hội nhập trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay.
Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ là phù hợp với thực tiễn của đất nước, không duy ý chí và không cào bằng tất cả các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ. Việc điều chỉnh đã đảm bảo phù hợp với thực tế triển khai, nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo trong việc bảo đảm chất lượng đào tạo tiến sĩ.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. |
Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ mới - có những điều chỉnh khoa học, khách quan và công bằng trong đào tạo trình độ tiến sĩ. Đáng chú ý là tiếp tục mở rộng tự chủ, quy định về tổ chức và quản lý đào tạo linh hoạt hơn, các quy định về tổ chức và quản lý đào tạo trong Quy chế này linh hoạt hơn và do cơ sở tự chủ quyết định.
Công tác mở ngành mới được thực hiện kịp thời, đảm bảo thời gian đăng ký trong thông tin tuyển sinh. Năm 2021, Đại học Thái Nguyên đã thẩm định và phê duyệt mở mới 3 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các đơn vị thành viên gồm Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (2 ngành tiến sĩ) và Trường Đại học Nông Lâm (1 ngành tiến sĩ). Việc mở ngành và chương trình đào tạo được thực hiện đúng quy định về mở ngành đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của Đại học Thái Nguyên. Năm 2021, Đại học Thái Nguyên đã có 15 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ được Bộ GD&ĐT phê duyệt tham gia đào tạo sau đại học theo Đề án 89.
Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ thực hiện đúng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của Đại học Thái Nguyên. Đảm bảo các yêu cầu về số lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu, cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài liệu phục vụ các ngành đào tạo, thư viện điện tử ở nước ngoài và trong nước được kết nối với thư viện của đơn vị đào tạo. Tổng số đầu sách tham khảo, tạp chí phục vụ các ngành đào tạo, phòng thí nghiệm/cơ sở nghiên cứu.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận. |
Thực hiện chiến lược phát triển chung của các đơn vị đào tạo theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, cán bộ giảng viên của các đơn vị đã thực hiện nhiều đề tài NCKH và công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, thực hiện nhiều đề tài cấp nhà nước, đề tài cấp Bộ, đề tài cấp tỉnh và tương đương. Công bố nhiều công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế….
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ về các vấn đề như: Chất lượng đào tạo ngoại ngữ của NCS; hỗ trợ xuất bản quốc tế; nâng cấp tạp chí chuyên ngành của Đại học Thái Nguyên; định hướng chiến lược đào tạo tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên; Quyền và trách nhiệm của người hướng dẫn NCS; có nên thu hẹp quy mô đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ...