Ngân sách Nhà nước còn bị thất thu

Ngân sách Nhà nước còn bị thất thu

Sáng nay (28/5), Quốc hội thảo luận và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; các báo cáo của các cơ quan của Quốc hội và của các cơ quan hữu quan.

Nguồn thu ngân sách chưa bền vững

Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào 2 nhóm vấn đề: nhóm vấn đề thứ nhất là tính đầy đủ, chính xác của các số thu và chi của ngân sách nhà nước. Từ việc xem xét các con số thu, chi ngân sách nhà nước rút ra những vấn đề gì về lập, quyết định và quản lý thu chi ngân sách nhà nước. Nhóm vấn đề thứ hai về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, đặc biệt lưu ý đến vấn đề tuân thủ các quy định của pháp luật và hiệu quả các khoản chi của ngân sách nhà nước.

Ngân sách Nhà nước còn bị thất thu ảnh 1
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết: "vấn đề thu trong ngân sách vừa qua chưa mang tính bền vững".

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho rằng, vấn đề thu chi ngân sách trong năm 2008, theo những nguồn thu năm 2008 chủ yếu tăng thu là từ giá dầu và tăng thu từ xuất nhập khẩu, nếu xét nguồn tăng thu này từ sản xuất kinh doanh thể hiện chưa rõ. Từ đó ta thấy vấn đề thu trong ngân sách vừa qua chưa mang tính bền vững.

“Tôi thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vấn đề nguồn thu ngân sách trong thời gian qua. Vấn đề chi ngân sách, vượt chi cũng quá lớn, vượt chi đến 13,5% so với dự toán... Việc chi vừa qua còn thiếu tính chiến lược, tính pháp lý, tính quản lý nguyên tắc chung tuy vượt chi xây dựng cơ bản là 18% thể hiện việc sử dụng mang tính dàn trải kéo dài và thanh toán vượt khối lượng” – đại biểu Tuyến nhấn mạnh.

Bà Tuyết cũng cho rằng, việc chi ngân sách thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các Chương trình 135... vẫn còn hiện tượng sử dụng sai mục đích, sai đối tượng và tỷ lệ giải ngân thấp. Vấn đề này qua báo cáo giám sát của các kỳ họp đã thể hiện rất rõ nội dung này. Do đó cho thấy việc tăng thu ngân sách trong thời gian qua quản lý còn mang tính lỏng lẻo, xử lý còn mang tính ứng phó, thiếu tính chiến lược và hành lang pháp lý rõ ràng. Đặc biệt không thể xử phạt nghiêm minh khi có hành vi sử dụng điều hành nguồn ngân sách Nhà nước không minh bạch và không phát huy hiệu quả.

Khó giám sát ngân sách Nhà nước

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “với cách làm ngân sách hiện nay và quy trình lập ngân sách, giám sát ngân sách chúng ta không kiểm soát được ngân sách, Quốc hội không kiểm soát được. Tôi khẳng định như vậy”.

Ngân sách Nhà nước còn bị thất thu ảnh 2
ĐBQH Trần Du Lịch: Với cách làm hiện nay QH không quản lý được ngân sách.

Ông Lịch chia sẻ: “Quốc hội rất muốn kiểm soát, đúng ra theo chức năng, quyền hạn ta phải kiểm soát, nhưng với cách làm như hiện nay không kiểm soát được. Và từ chỗ không kiểm soát này, đi tới một số việc, ví dụ hiện nay, chúng ta thông qua ngân sách Nhà nước thì riêng luật của ta ngân sách hiện nay không phân biệt rõ ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương đưa vào cân đối chung các nguồn. Thú thật tôi dạy môn tài chính công, nhưng cầm bản báo cáo cho Quốc hội hàng năm không hiểu được các quyết đó chi cái gì. Thành ra hướng tới ta phải làm rõ ngân sách quốc gia Quốc hội quyết, còn ngân sách địa phương địa phương quyết, phần nào quốc gia để tài trợ địa phương, Quốc hội quyết. Như vậy phân biệt rõ vai trò giám sát ngân sách, Quốc hội giám sát đến đâu, Hội đồng nhân dân các địa phương giám sát đến đâu. Địa phương thì nghĩ rằng việc ngân sách coi như đã thỏa thuận với Trung ương rồi, coi như Hội đồng nhân dân thông qua, vì cái người ta đã quyết rồi bây giờ mình quyết lại, còn Quốc hội thì không nắm được, chính chỗ này quy trình rất khó.

Ngân sách còn bị thất thu nhiều

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) nhận xét, năm 2008, Báo cáo kiểm toán nói điều đáng chú ý là chúng ta đã thất thu khá nhiều trong vấn đề thu phí môi trường. Luật bảo vệ môi trường đã quy định chúng ta phải thu phí về chất thải rắn, khí thải, kể cả nước thải, những cơ sở khai thác tài nguyên khoáng sản cũng phải thu phí môi trường. Mục tiêu có thêm nguồn ngân sách để bảo vệ môi trường, gồm có công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giám sát, đo đạc tự động các thông số môi trường, đầu tư vào những hạng mục xử lý môi trường. Nhưng theo Báo cáo kiểm toán chúng ta thu không đáng kể, số chi cũng không đạt.

Trong khi đó, toàn bộ lượng nước thải của các đô thị hiện nay không được xử lý, tất cả ra sông hết. “Các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường chúng ta phạt đã đành, nhưng chính chúng ta, Nhà nước chúng ta điều hành các đô thị như thế nào mà đến giờ chưa có được hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt của các thành phố, các đô thị, kể cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là điều chúng ta hết sức quan tâm và tôi muốn rút kinh nghiệm vấn đề này” – đại biểu Xuân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Xuân cũng cho rằng, chúng ta thất thu cực kỳ lớn trong việc giao đất, giao rừng, giao mỏ khoáng sản, đây là những tài sản rất lớn của Nhà nước, của nhân dân. Nếu doanh nghiệp nào muốn lấy đất của dân hiện nay rất khó, chúng ta phải đền bù, giải tỏa, tái định cư, tạo công ăn việc làm... chưa kể những khiếu nại, tố cáo phát sinh. Nhưng nếu lấy đất của Nhà nước, đất rừng, đất ven biển thì gần như không phải chi cái gì mà còn được lợi. Ví dụ, lấy đất rừng thì việc đầu tiên chúng ta được lợi gỗ để bán, sau đó chia lô... Mỏ, rừng, đất của chúng ta là tài nguyên và chúng ta phải đấu giá, phải công khai và minh bạch chứ không thể theo cơ chế xin cho được, xin cho một lần đến mấy nghìn ha, chúng ta thử hình dung xem mấy nghìn ha đất đó thì giá trị như thế nào và mỗi năm mỗi tăng. Hình thức để thất thu này là thay vì chúng ta bán, chúng ta bắt trả tiền thì chúng ta qua hình thức cho thuê mỗi năm lấy một khoản tiền và như vậy doanh nghiệp đã chiếm dụng một lợi nhuận rất lớn.

Đặc biệt những dải đất hứa hẹn ở ven biển. Bây giờ gần như dọc ven biển miền Trung, đặc biệt là Phan Thiết, Mũi Né..., người dân muốn đi xuống biển không thể không bước qua một cái resort, bởi vì tất cả đất ven biển đã được chia lô hết và giao cho các resort…

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.

Học sinh lớp 10A7 Trường THPT Lương Thế Vinh (Quảng Bình) tìm hiểu nhạc cụ dân gian trong tiết học Chuyên đề Ngữ văn 10. Ảnh: NVCC

Đưa trang văn gần với trang đời

GD&TĐ - Dạy học Ngữ văn chương trình mới, ngoài kiến thức cơ bản, nhiều giá trị văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động đọc, viết, nói và nghe.

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.