Giảm nhẹ rủi ro thiên tai với "trường học an toàn"

GD&TĐ - Nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của hệ thống giáo dục, hàng năm Bộ GD&ĐT và các tổ chức phi chính phủ: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plant, Child Fund… hỗ trợ, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách phòng chống thiên tai cho tất cả các cơ sở giáo dục. Nhiều địa phương đã thực hành tốt mô hình Trường học an toàn, đồng thời biết cách áp dụng mô hình này trong phòng chống thiên tai.

Tập huấn kỹ năng ứng phó với thiên tai cho học sinh
Tập huấn kỹ năng ứng phó với thiên tai cho học sinh

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu

Việt Nam là nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Những năm trở lại đây, khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam đều đã xảy ra hạn hán, bão, lũ làm thiệt hại nặng nề cả người và tài sản.

Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là trường học, nơi tập trung đông học sinh – đối tượng chưa có kinh nghiệm và khả năng ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Từ đó, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kết quả thực hiện Trường học an toàn ở các vùng, miền, đồng thời, cập nhật định hướng và chủ trương triển khai thực hiện trường học an toàn của Bộ GD&ĐT.

Ông Nguyễn Chí Bính – Cục phó Cục Cơ sở Vật chất – Bộ GD&ĐT cho biết: “Thiên tai là một trong những mối lo lớn nhất của nhân loại. Ở nước ta, thiên tai đã và đang diễn biến rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan bất thường, khó dự báo và cảnh báo. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt và chỉ đạo sát sao trong công tác phòng chống thiên tai.

Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo các trường học trên từng địa phương thực hiện công tác phòng chống rủi ro thiên tai, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và các nhà trường nhằm giảm thiểu các thiệt hại về cơ sở vật chất trường học. Nhiều trường học trong các vùng bão, lũ đã có những hoạt động ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra khó lường như năm 2017, chúng ta đã gánh những thiệt hại to lớn do 2 cơn bão tháng 5 và tháng 11 gây ra. Từ những bài học này, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác phòng chống thiên tai để giảm thiểu những thiệt hại”.

Bà Saron Hauser – Giám đốc chất lượng chương trình và truyền thông của Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết: “Việt Nam là đất nước hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu. Trong rủi ro thiên tai, đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Bởi vậy, trẻ em là mối quan tâm đặc biệt không chỉ Tổ chức Cứu trợ trẻ em mà cả tổ chức Plan International và nhiều tổ chức khác.

Hiện nay, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cùng với tổ chức Plan International và các tổ chức nằm trong liên minh cùng với Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam đang triển khai, thực hiện Dự án Trường học an toàn nhằm giúp các địa phương và các trường học tăng khả năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”.

Cùng tìm hiểu về thiên tai
Cùng tìm hiểu về thiên tai 

Trường học an toàn

Em Phạm Hương Trà, học sinh lớp 7 Trường THCS Hải Thành, Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: “Em nhớ như in cơn bão năm 2017 đã làm cho ngôi trường của em thiệt hại nặng nề: Mái tốc, cửa kính đổ vỡ, nước dâng cao làm bàn ghế hư hỏng, cây xanh trong sân trường chết nhiều… Hơn nữa chúng em phải nghỉ học nhiều ngày, ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Khi cơn bão kết thúc, chúng em cùng các thầy cô dọn dẹp vệ sinh, phong quang trường lớp, đường đi học… và sau đó là những ngày học bù rất vất vả.

Nhưng sau khi trường em được tham gia dự án Plan – Dự án Trường học an toàn, chúng em được tham gia nhiều hoạt động bổ ích diễn tập phòng chống thiên tai, thi rung chuông vàng, vẽ tranh về giảm nhẹ rủi ro thiên tai… Qua các hoạt động này, chúng em có thêm các kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai, biết cách bảo vệ mình và người thân khi thiên tai xảy ra.

Thầy Phạm Minh Đức – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Phú (Quảng Bình) - chia sẻ: “Mỗi mùa mưa đến tôi rất hoang mang lo sợ. Toàn thể giáo viên trong trường đều sắp xếp việc nhà để tham gia trực bão. Tuy phòng học đã được xây kiên cố nhưng không thể tránh khỏi những cơn bão biển ập đến làm tốc mái, sập nhà xe, nhà bếp, vỡ cửa kính, ướt sách vở học sinh…

Đến nay, tôi rất yên tâm và phấn khởi bởi tập thể giáo viên, học sinh và phụ huynh được trang bị đầy đủ kiến thức về xây dựng trường học an toàn và ứng phó biến đổi khí hậu do Dự án Trường học an toàn hỗ trợ. Thêm vào đó, cơ sở vật chất được dự án đầu tư, gia cố, sửa chữa. Trước đây, chỉ khi có thiên tai xảy ra mới huy động giáo viên học sinh và phụ huynh tham gia để ứng phó, chứ không có kế hoạch cụ thể, đặc biệt còn thiếu kiến thức về phòng, chống thiên tai”.

Nhằm khắc phục hạn chế, nhiều ý kiến, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm phê duyệt đưa nội dung ứng phó với thiên tai, thảm họa vào chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cải cách sách giáo khoa; nhân rộng mô hình tới các địa phương trong cả nước; mở rộng đối tượng tham gia trực tiếp, triển khai nhiều hoạt động diễn tập ứng phó thực tế…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Phương Thảo

Su hào xào bột

GD&TĐ - Cái rét nàng Bân vẫn khiến người ta xao xuyến. Bởi có những điều dội về từ kí ức mùa Đông chưa qua hết đó thôi!