Theo ghi nhận của PV hôm qua, các di tích ở Hà Nội như đền Voi Phục, đền Quán Thánh, đình Ngọc Khánh... đều đóng cửa. Nhiều di tích khác thông báo “tạm dừng đón khách tham quan để phòng, chống dịch COVID-19”.
Các hàng quán cũng bị hạn chế mở cửa nên đường phố Hà Nội thoáng và nhiều tuyến đường thậm chí vắng vẻ.
Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, khách du lịch đến Hà Nội đạt thấp trong tình hình triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong nước và các địa phương sau khi đợt dịch trong cộng đồng đợt cuối tháng 1/2021. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội cơ bản không có.
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán (từ ngày 29/12 đến 5/1/2021 âm lịch - tức từ 10/2 đến 16/2/2021 dương lịch), Hà Nội đón khoảng 122 nghìn lượt khách, đạt khoảng xấp xỉ 50% lượng khách cùng kỳ năm 2020. Theo số liệu báo cáo nhanh của một số khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố: Văn Miêu - Quốc Tử Giám đạt khoảng 18,5 nghìn lượt, bằng 40% so với năm trước; vườn thú Hà Nội đạt khoảng 12,3 nghìn lượt, đạt khoảng 86%; Hoàng thành Thăng Long đón khoảng 15 nghìn lượt, đạt 50%; vườn quốc gia Ba Vì đón khoảng 1,2 nghìn lượt, đạt 90%; Thiên đường Bảo Sơn đón khoảng 1,7 nghìn lượt, đạt 55% ... Từ 0h ngày 16/2 thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, đã thực hiện đóng cửa tất cả các điểm du lịch, không đón khách.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2021, xe buýt 2 tầng do 2 đơn vị là Công ty cổ phần du lịch Việt Nam tại Hà Nội và Tổng công ty vận tải Hà Nội vẫn phục vụ tất cả các tuyến với đầy đủ lộ trình, đáp ứng nhu cầu tham quan du ngoạn đầu năm của hành khách.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều khu điểm du lịch trên địa bàn thành phố đã tạm dừng hoạt động khi dịch bệnh bùng phát và chỉ mở cửa sau Tết âm lịch.
Chỉ còn một số ít các đơn vị vẫn tiếp tục tổ chức hoạt động sự kiện theo dự kiến như khu di tích Hoàng Thành Thăng Long tổ chức chương trình “Tân Sửu nghênh xuân” từ 4/2/2021 (tức là ngày 23 tháng Chạp) đến ngày 20/2/2021 (mùng 9 Tết) nhưng thực hiện gọn nhẹ, tiết giảm nhiều hạng mục, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Hàng loạt tour, vé máy bay, khách sạn, nhà hàng được khách hàng đặt trước đó đã phải hủy. Mức giá phòng dịp Tết âm lịch cũng vì thế mà giảm khá mạnh như: khách sạn Hanoi Paradise Center giảm từ 7 triệu xuống còn 2,2 triệu/đêm trong giai đoạn Tết, đã bao gồm ăn sáng; khách sạn Rising Dragon Palace Hotel trong khu vực phố cổ giảm từ trên 5 triệu xuống còn 2 triệu đồng/đêm; KS Imperial Hotel & Spa từ 6,2 triệu xuống còn 2,7 triệu đồng/đêm.
KS Hanoi Lullaby Hotel giá từ 6,2 triệu giảm còn hơn 2 triệu đồng/đêm; khách sạn 5 sao Sheraton Hanoi Hotel có mức giá 2,2 triệu đồng/đêm; Khách sạn Daewoo giá trên 1 triệu đồng/đêm, giảm tới 82%; Khách Sạn Melia Hà Nội có giá 2,3 triệu đồng/đêm, giảm tới 44%; Khách sạn Movenpick Hà Nội giảm 67% còn 1,3 triệu đồng/đêm; khách sạn Acoustic Hà Nội & Spa có giá chỉ 744.000 đồng, giảm tới 83%... Công suất bình quân sử dụng buồng phòng khối khách sạn trong 4 ngày tết giảm 62.4 % so với cùng kỳ năm 2020.